Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa xuất khẩu, người trồng dừa cần chuẩn bị những gì?

Trung Quốc sắp kiểm tra vùng trồng dừa xuất khẩu, người trồng dừa cần chuẩn bị những gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) chia sẻ về công tác chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Trung Quốc kiểm tra trực tuyến vùng trồng, cơ sở đóng gói (CSĐG) dừa tươi xuất khẩu. Ảnh: TQ

Kiểm tra 24 vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói

Ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, ngày 11 và 12/9 đoàn công tác của Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến vùng trồng, cơ sở đóng gói (CSĐG) dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thời gian kiểm tra từ 8h sáng và chiều từ 13 giờ. Thời lượng kiểm tra 30 phút/vùng trồng, CSĐG.

Theo ông Hiếu, để đoàn kiểm tra trực tuyến sẽ kiểm tra ngẫu nhiên trong 24 vùng trồng và 12 CSĐG, trong số đó, tỉnh Bến Tre có số vùng trồng CSĐG được kiểm tra nhiều nhất gồm 13 vùng trồng và 5 CSĐG; tỉnh Tiền Giang có 3 vùng trồng và 2 CSĐG được kiểm tra.

Ông Hiếu cho biết thêm, để chuẩn bị cho đợt kiểm tra của đoàn Trung Quốc trong thời gian trên, Cục BVTV sẽ thiết lập phòng trực tuyến và kết nối với các điểm cầu; bố trí 3 phiên dịch; tổ hỗ trợ kỹ thuật; tổ chức tập huấn phổ biến quy định nghị định thư.

Đối với các địa phương cần cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ các vùng trồng, CSĐG. Trong các nội dung chuẩn bị và kiểm tra chính gồm hồ sơ, người tham gia kiểm tra, chọn vườn kiểm tra, kiểm tra thực địa (6 bước); chuẩn bị điều kiện CSĐG, kiểm tra thực địa (10 bước).

Ông Hiếu lưu ý đối với người tham gia kiểm tra cần chuẩn bị gồm 3 người, trong đó có 1 người am hiểu kỹ thuật của vườn trồng hoặc quy trình đóng gói của CSĐG giới thiệu (có thể là người đại diện của MSVT).; 1 người quay phim; 1 cán bộ kỹ thuật địa phương hỗ trợ có thể là người của Chi cục hoặc phòng nông nghiệp huyện, trung tâm dịch vụ nông nghiệp, trạm trồng trọt và BVTV.

Đối với hồ sơ vùng trồng cần chuẩn bị gồm tài liệu nhận diện và hướng dẫn biện pháp xử lý sinh vật gây hại (SVGH) chính; hình ảnh nhận diện đối tượng kiểm dịch thực vật của GACC (nếu có)… để phát cho chủ vườn in ra treo tại vườn; biên bản kiểm tra SVGH, đánh giá vùng trồng; sổ tay ghi chép (thông tin gồm vật tư, giống, thuốc BVTV, phân bón, thu gom, xử lý và tiêu huyrtanf dư, dọn cỏ, phát hiện SVGH, ISPM6…); kết quả kiểm tra dư lượng, giám định SVGH (nếu có); tài liệu tập huấn cho nông hộ về giám sát SVGH, chứng nhận (nếu có); kết quả điều tra SVGH định kỳ (của cơ quan chuyên môn).

Khi chọn vườn trồng để kiểm tra, GACC sẽ chọn vườn đại diện có diện tích lớn; vườn đang có trái cho thu hoạch hoặc chuẩn bị cho thu hoạch; khu vực quay video cần gần khu đặt bẫy ruồi; cây trong vườn được tỉa gọn gàng, dễ bắt sóng internet; vườn được vệ sinh sạch sẽ.

6 bước kiểm tra chính đối với vùng trồng của GACC theo thứ tự: Thông tin chính của vùng trồng, quy trình sản xuất, các biện pháp quản lý SVGH và sử dụng thuốc BVTV, khu vực chứa vật tư nông nghiệp hoặc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV, quy trình thu hoạch, vận chuyển về khu vực tập kết trái sau thu hoạch, công tác vệ sinh vườn trồng, tài liệu, nhật ký của vùng trồng.

Cụ thể, đối với bước 2 giới thiệu quy trình sản xuất, các biện pháp quản lý SVGH và sử dụng thuốc BVTV, đoàn GACC sẽ kiểm tra biện pháp canh tác, quy trình sản xuất: Có áp dụng GAP (VietGAP, GlobalGAP…); kế hoạch sản xuất, kiểm soát SVGH; biện pháp quản lý SVGH (IPM, IHPM) trong toàn bộ quá trình chăm sóc, từ khi ra hoa đến khi thu hoạch.

Trong trường hợp kiểm tra, ông Hiếu lưu ý khi cán bộ của đoàn kiểm tra hỏi về SVGH, người được hỏi phải nêu được một số loài SVGH trên vườn như nấm bệnh, rệp, sâu…, 

Về hồ sơ chính CSĐG, các địa phương cần chuẩn bị số ghi chép hàng hóa tiếp nhận, đóng gói, xuất kho, kiểm soát SVGH, hồ sơ nhân công, số ghi chép vệ sinh, môi trường, khử khuẩn. Ông Hiếu cho biết, trong hồ sơ CSĐG có bao gồm hồ sơ môi trường: Trường hợp cơ sở tự thực hiện thì phải có ghi chép ngày tháng, lịch thực hiện vệ sinh cơ sở cụ thể, còn nếu có đơn vị thu gom xử lý cũng phải có hồ sơ ghi chép. Thùng chứa trái phải có tem/nhãn, nội dung, vùng trồng, ngày thu hái, địa điểm, phương tiện vận chuyển, thời gian xử lý, cách thức xử lý (nếu có)…

Đối với bước chuẩn bị điều kiện cơ sở và dụng cụ, các đơn vị cần chuẩn bị sơ đồ mặt bằng, quy trình đóng gói dán tại khu vực dễ quan sát; bố trí một khu vệ sinh ngoài cơ sở, trước khi vào CSĐG cần phải rửa tay, khử khuẩn (yêu cầu có đầy đủ vật dụng như xà phòng, cồn, dung dịch sát khuẩn, khăn lau tay);

Bố trí một phòng nhỏ dùng cho mục đích kiểm tra SVGH tại cơ sở (yêu cầu sạch sẽ, dụng cụ kiểm tra có thể bao gồm kính lúp, panh, đèn bàn, khay, túi đựng mẫu, bút, cồn, túi đựng mẫu…); các sọt để phân loại quả (đạt/loại do nhiễm SVGH/loại không đạt chất lượng) và có dãn nhãn phân biệt; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, pallet, xe nâng, cân…; dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng tại các vị trí hàng nhập và xuất, dây chuyển đóng gói, nơi bảo quản; chuẩn bị trái để trình diễn quá trình đóng gói từ khâu tiếp nhận đến xuất kho.

Các đơn vị cần chuẩn quy trình đóng gói, kiểm soát SVGH: Bố trí gói sản phẩm theo nguyên tắc 1 chiều. Bố trí các khu vực (tiếp nhận, phân loại, sơ chế, sửa, làm khô, đóng gói, bảo quản, vận chuyển) có vách ngăn và được phân tách riêng biệt để tránh lây nhiễm chéo, tái nghiễm SVGH (bố rí bẫy đèn, bẫy chuột có sơ đồ bẫy và ghi chép). Tại khu vực đóng gói có dãn quy định của nước nhập khẩu và hình ảnh nhận diện triệu chứng, cách xử lý các SVGH trên trái nhất là 16 đối tượng KDTV của GACC.

Các bước kiểm tra chính gồm các thông tin chính của CSĐG; sơ đồ mặt bằng và sơ đồ quy trình đóng gói; khu vực tiếp nhận sản phẩm; khu vực phân loại, làm sạch sản phẩm; khu vực hong khô sản phẩm; KDTV trước khi xuất kho; xuất hàng; vệ sinh khu vực đóng gói; hồ sơ CSĐG.

Trung Quốc sắp kiểm tra vùng trồng dừa xuất khẩu, người trồng dừa cần chuẩn bị những gì? - Ảnh 2.

Theo ông Hiếu, khi được GACC hỏi về vùng trồng, quy trình sản xuất, người dân trồng dừa cần phải trả lời trung thực, đúng với thực tế sản xuất. Ảnh chụp màn hình.

Các địa phương đã sẵn sàng đón đoàn kiểm tra

Ông Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục BVTV cho biết, là sản phẩm mới “có vé” xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp của chúng ta mới được chuẩn hóa và đang tiến hành theo đầy đủ các bước.

Do vậy, ông Đạt lưu ý bà con trồng dừa cần phải lưu ý nghiên cứu kỹ các tài liệu hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để nắm bắt, hiểu rõ được các bước, phần việc phải làm.

Cũng theo ông Đạt, trong lần kiểm tra này, người dân trồng dừa cần lưu ý con người được kiểm tra phải được tập huấn, đào tạo kỹ lượng trước khi kiểm tra. Đối với các tình huống được Cục BVTV đưa ra, bà con phải nghiên cứu thật kỹ, đồng thời đưa ra các tình huống cụ thể hơn để giúp chúng ta trả lời logic phù hợp với thực tế và đảm bảo đúng quy định trong nghị định thư.

Cục trưởng Cục BVTV cũng yêu cầu chính quyền địa phương nơi được đoàn GACC kiểm tra phải luôn cử cán bộ kỹ thuật bám sát với người dân giúp bà con tự tin trong quá trình kiểm tra, trả lời các câu hỏi của GACC chính xác, lưu loát.

Tiếp đó là chúng ta phải chuẩn bị kỹ các vùng trồng, vườn trồng với các điều kiện, vật liệu tốt nhất để chúng ta minh chứng bằng hình ảnh cung cấp cho GACC khi kiểm tra.

Ông Đạt cũng lưu ý thêm, trong quá trình nghiên cứu, tập huấn kiến thức, nếu bà con gặp vấn đề, có vướng mắc phải hỏi ngay cán bộ kỹ thuật ở địa phương để được hướng dẫn chi tiết, cụ thế hơn.

“Qua hội nghị trực tuyến “Phổ biến quy định xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc”, chúng tôi cảm thấy chính quyền, các doanh nghiệp, người trồng dừa tại các địa phương đã chuẩn bị khá tốt các nội dung phục vụ công tác kiểm tra sắp tới của đoàn GACC.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trước, tôi cho rắng, các vấn đề mà chúng ta chuẩn bị mới là vấn đề cơ bản, chưa được cụ thể hóa, chưa có thực hành đầu tiên nên qua lần kiểm tra tới, Cục BVTV cũng sẽ đúc rút lại kinh nghiệm để chúng ta chuẩn hóa lại các nội dung, tình huống, bộ câu hỏi giúp bà con chuẩn bị mọi việc tốt hơn trước khi kiểm tra”, ông Đạt nói thêm.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *