Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá cau non ở địa phương được coi là “thủ phủ” cau của miền Trung là tỉnh Quảng Ngãi chỉ khoảng 10.000 đồng/kg thì hiện tại giá cau non tại một số địa phương của tỉnh này như Nghĩa Hành, Sơn Tây đã lên đến 50.000 – 55.000 đồng/kg nhờ việc xuất khẩu cau non sang Trung Quốc đang vô cùng thuận lợi.
Nhờ chất lượng được đánh giá rất tốt, cau Quảng Ngãi bao giờ cũng được giá và được thương lái săn mua, tuy nhiên, do phụ thuộc quá lớn vào thương nhân Trung Quốc nên giá cả cũng rất biến động khó lường.
Mùa vụ cau năm trước, giá cau non chỉ khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg khiến bà con thất thu do công thuê hái rất cao thì hiện nay, giá cau đã tăng kỷ lục, đạt 50.000 đồng/kg, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Giá cau non tăng cao, do lo sợ mất trộm, người dân huyện Sơn Tây, Nghĩa Hành còn túc trực ngày đêm ở vườn để canh trộm.
Hiện nay, trên các diễn đàn, hội nhóm về mua bán, xuất khẩu cau non, không khí giao dịch, trao đổi đang rất sôi động, tại Đắk Lắk, thương lái đang thu mua với giá 50.000 đồng/kg, trong khi ở một số vùng trồng cau nhiều ở miền Bắc như Hà Nam, Bắc Giang, giá cau non cũng ở mức 18.000 – 20.000 đồng/kg.
Tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giá cau non cũng đã tăng mạnh thêm 5.000-10.000 đồng/kg và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều tháng qua. Hiện cau non (loại 50-70 trái/kg) được nông dân tại nhiều nơi bán tại vườn cho thương lái với giá 20.000-25.000 đồng/kg, còn bán tại vựa ở mức 30.000-35.000 đồng/kg.
Mức giá này cao hơn gấp 4-5 lần so với thời điểm những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, do đầu ra xuất khẩu đang rất thuận lợi dù sản phẩm cau non chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Được biết, từ lâu các thương nhân Trung Quốc vẫn tổ chức thu mua cau non của Việt Nam, là loại cau non khi chưa hình thành nên hạt để chế biến thành kẹo cau.
Sau khi mua cau non về, các cơ sở chế biến luộc với nước sôi, rồi sấy khô đóng vào bao chuyển sang thị trường Trung Quốc làm kẹo. Loại kẹo này ăn có vị ngọt ngọt, the the như kẹo gừng, có công dụng chống viêm họng, giữ ấm cơ thể nên rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, sức mua cũng rất trồi sụt nên giá cau luôn biến động rất khó lường, có năm lên rất cao nhưng cũng có năm xuống thấp, bán không ai mua.
Do vậy, đã nhiều năm nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), ngành chức năng các địa phương luôn khuyến cáo người dân không nên vì giá cau lên cao mà đổ xô trồng cau, mở rộng diện tích ồ ạt. Bởi cau không phải là cây trồng chủ lực, là nông sản chính nên giá cau lên cao chỉ là “nhất thời”, đột biến chứ không theo quy luật thị trường.
Đơn cử như tại huyện Sơn Tây, nơi được mệnh danh là xứ ngàn cau, diện tích cau của huyện đã lên đến hơn 1.000 ha. Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi từng đưa ra khuyến cáo, cau chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thị trường luôn biến động nên người trồng cau cần cân nhắc, không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng cau, nhằm hạn chế rủi ro khi cung vượt cầu.
Leave a Reply