Nguồn gốc của 3 quả sầu riêng bán đấu giá 2,5 tỷ đồng
Sầu riêng có danh pháp là Durio một chi thực vật thuộc họ Cẩm quỳ, bộ Cẩm quỳ. Một số loài cho quả ăn được gọi là sầu riêng, loài phổ biến nhất là “Durio zibethinus” (được gọi là Sầu riêng Đông Nam Á) là loài thực vật thuộc chi sầu riêng phổ biến nhất. Có 30 loài được công nhận thuộc chi này, nhưng chỉ có 9 loài cho quả ăn được.
Cây sầu riêng được trồng đầu tiên ở Việt Nam vào khoảng hơn 100 năm trước (giống sầu riêng có hạt to, cơm mỏng, thường được gọi là sầu riêng hạt), có nguồn gốc từ Đông Nam Á, cụ thể là vùng Borneo và Sumatra của Malaysia. Nơi đầu tiên được trồng ở Việt Nam là Biên Hòa (Đồng Nai), sau đó được trồng rộng rãi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Ở Việt Nam sầu riêng được trồng nhiều nhất tại Đắk Lắk, hiện nay diện tích sầu riêng của tỉnh là khoảng 35.000ha, sản lượng ước đạt trên 350.000 tấn. Và có 3 giống sầu riêng được trồng phổ biến ở tình này bao gồm: sầu riêng hạt, sầu riêng Ri6, sầu riêng Dona.
Sầu riêng hạt, còn được biết đến với các tên gọi khác như sầu riêng hạt hay sầu riêng truyền thống, bắt nguồn từ Indonesia. Tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đang còn hiện hữu 1 gốc sầu riêng cổ thụ với tuổi đời hơn 100 năm. Sầu riêng truyền thống nổi tiếng bởi có hương vị đặc trưng riêng, độ dẻo sánh cao và vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ, không gắt.
Sầu riêng Dona còn có tên gọi là sầu riêng Monthong (giống con Sầu riêng Monthong) có xuất xứ từ Thái Lan, được du nhập về Việt Nam đầu những năm 1990, đây là giống sầu riêng chiếm tỷ lệ diện tích cao nhất Việt Nam hiện nay, chiếm khoảng 65% diện tích trồng trên cả nước. Giống sầu riêng Dona là giống sinh trưởng phát triển khỏe, thích nghi được với nhiều điều kiện sinh thái khác nhau, đặc biệt phát triển mạnh ở những vùng có khí hậu hai mùa mưa nắng rõ rệt.
Sầu riêng Ri6 là một giống sầu riêng đặc sản nổi tiếng, xuất phát từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào đầu những năm 1990. Người sáng tạo và chủ sở hữu của giống sầu riêng Ri6 là ông Sáu Ri, tên thật là Nguyễn Minh Châu, người sinh ra và lớn lên tại Ấp 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ông có một con trai tên là Nguyễn Minh Trung, người hiện đang tiếp tục truyền thống và phát triển giống sầu riêng Ri6 trong gia đình.
Vào những năm 1990, ông Sáu Ri đã sử dụng kỹ thuật cấy ghép tự nhiên để tạo ra giống sầu riêng Ri6 độc đáo. Giống cây này nổi bật với cơm vàng, hạt lép và các múi sầu khô ráo. Quả sầu riêng Ri6 có hương vị ngọt ngào, vị béo vừa phải và mùi thơm tinh tế. Sầu riêng Ri6 là một giống cây dễ trồng và chăm sóc, mang lại hiệu suất và chất lượng cao. Được đánh giá cao bởi cộng đồng nông dân và thị trường, sầu riêng Ri6 đã từng giành nhiều giải thưởng trong các hội thi trái cây và hội chợ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chứng minh sự phát triển và phổ biến của giống cây này trong nền nông nghiệp Việt Nam.
Góp phần vào an sinh xã hội
Ba quả sầu riêng được đấu giá trong khuôn khổ Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, gồm: quả đầu tiên đưa ra đấu giá được lấy từ cây cổ thụ hơn 100 năm trồng ở đồn điền CADA; quả thứ hai là trái sầu riêng Dona được lựa chọn rất kỹ từ hàng chục hộ trồng sầu riêng và trải qua quy trình lựa chọn chặt chẽ; quả thứ ba là thuộc giống Ri6, được mệnh danh là “nữ hoàng sầu riêng”.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân Việt, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, một trong 6 người trúng đấu giá quả sầu riêng Ri6 với giá 1,4 tỉ đồng chia sẻ, mục đích chính của cuộc đấu giá sầu riêng là gây quỹ cho công tác an sinh xã hội của địa phương, cùng với đó các doanh nghiệp đã cùng nhau góp phần tạo thương hiệu cho sầu riêng Ri6, tôn vinh và nâng cao giá trị sầu riêng của Việt Nam.
“Mục đích của việc đấu giá là để góp phần vào an sinh xã hội, nên việc trúng đấu giá này là niềm vui, hạnh phúc của doanh nghiệp”, bà Ngô Tường Vy chia sẻ.
Bà Vy cũng chia sẻ thêm, ban đầu chỉ nghĩ đây là hoạt động trong khuôn khổ của huyện và CEO Chánh Thu tỏ ra rất bất ngờ khi việc lại mang đến hiệu ứng truyền thông lớn như thế. Bà cùng 6 người khác chung tay để đấu giá quả sầu riêng Ri6 với giá 1,4 tỷ nhằm nâng cao giá trị sầu riêng của Việt Nam (mới đây ở Trung Quốc cũng đã có quả sầu riêng được đấu giá 1 tỷ đồng).
Cùng quan điểm với bà Ngô Tường Vy, bà Yến Thư, Giám đốc Công ty TNHH Trái cây Hồng Sang (người trúng đấu giá quả sầu riêng Dona với giá 800 triệu đồng và tặng thêm 100 triệu để địa phương làm an sinh xã hội) chia sẻ: “Mục đích của tôi khi đấu giá quả sầu riêng này là vì muốn góp một phần cho công tác anh sinh xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, giống sầu riêng Dona cũng được xuất khẩu rất nhiều ở Krông Pắc, vì thế tôi cũng muốn tôn vinh giá trị của sầu riêng Krông Pắc nói riêng và sầu riêng Việt Nam nói chung.”
Ngoài việc được nhận quả sầu riêng đã trúng đấu giá, người trúng đấu giá còn được tặng thêm sầu riêng mạ vàng để trưng bày, lưu niệm.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, cho biết người trúng đấu giá ngoài việc được nhận quả sầu riêng đã mua còn được tặng thêm sầu riêng mạ vàng để trưng bày, lưu niệm. Và toàn bộ số tiền trúng đấu giá, huyện sẽ dành để phục vụ công tác an sinh xã hội cho người dân.
Leave a Reply