Tiến sĩ Việt lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia bật mí 2 bước để nhận học bổng tiến sĩ toàn phần

Tiến sĩ Nguyễn Duy Duy, một người con của quê hương Hà Tĩnh, mới đây gây chú ý khi lọt top 10 nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học và công nghiệp năm 2024 tại Australia do Viện Hàn lâm Khoa học Australia. Tiến sĩ Duy đang công tác tại Chương trình An ninh Nguồn nước, Viện Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia Australia (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Liên bang Australia – CSIRO).

Trước đó, tháng 10/2018, anh Duy nhận học bổng toàn phần để theo học Tiến sĩ tại Đại học Sydney, Australia. Trong chương trình nghiên cứu sinh của mình, anh đã có nhiều lần nhận giải bài báo xuất sắc, là trợ giảng xuất sắc và kết thúc khóa học với giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc nhất của trường cho ngành kỹ sư năm 2022.

Tiến sĩ Việt lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia bật mí 2 bước để nhận học bổng tiến sĩ toàn phần - Ảnh 1.

TS Duy (bên phải) chụp với giáo sư hướng dẫn vào ngày tốt nghiệp tiến sĩ. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Duy bật mí về quy trình đánh giá của trường Đại học Sydney khi chọn và trao học bổng của trường cho một sinh viên xin học nghiên cứu sinh. Đại học Sydney là một trường đại học lớn, lâu đời và xếp thứ hạng rất cao (top 20 thế giới theo bảng QS ranking) nên là một ví dụ thực tiễn khá sát với thực tế của nhiều trường đại học ở Australia, UK, Châu Âu hay thậm chí các học bổng của trường từ các Đại học ở Mỹ.

Nội dung và kinh nghiệm này được dựa trên quãng thời gian 2 nhiệm kỳ (2019-2020 và 2020-2021) TS Duy là thành viên Hội đồng trường Đại học Sydney (The University of Sydney Academic Board). Khi đó anh là đại diện của sinh viên sau đại học của toàn trường lên hội đồng trường và tham gia cùng các thành viên khác trong hội đồng để thảo luận, sửa đổi, đưa ra quy chế tuyển sinh cho nhà trường.

Theo TS Duy, để chuẩn bị hồ sơ cần thời gian dài nên sinh viên phải có kế hoạch từ trước chứ không đợi gần tốt nghiệp rồi mới tìm hiểu. Có nhiều trường hợp không kịp phải học thêm thạc sĩ để tạo bước đệm.

TS Duy cho biết, con đường đến với tấm bằng tiến sĩ ở nước ngoài là một quá trình của hai bước đơn giản:

Bước 1: Tìm hiểu xem mình có phù hợp để theo đuổi chương trình PhD không.

Bước này gồm có trả lời các câu hỏi của bản thân như “làm nghiên cứu là làm gì?”, “mình có thích làm nghiên cứu không?”, “mình có khả năng để làm nghiên cứu không?”, “kế hoạch phát triển trong quãng thời gian nghiên cứu sinh là gì?”, “kế hoạch sau nghiên cứu sinh là gì?”… Sinh viên nên đặt các câu hỏi này vào khoảng giữa cuối chương trình đại học (khoảng năm 3 đại học).

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ để nộp cho chương trình PhD, bao gồm:

Bảng điểm đại học với điểm GPA cao. 

Chuyên ngành học, luận văn, và môn học phù hợp. 

Có kinh nghiệm nghiên cứu (các dự án đã tham gia, các bài báo khoa học, báo cáo hội thảo, chương sách, code…).

Có các giải thưởng liên quan tới học thuật.

Có thư giới thiệu uy tín (thường là 2 hoặc 3 lá thư tùy vào yêu cầu từng trường). 

Có bài luận đủ thuyết phục, chủ yếu cần nêu rõ được động lực theo đuổi chương trình PhD của bản thân. 

Có đề xuất (proposal) chất lượng cao và phù hợp với giáo sư hướng dẫn cũng như tiêu chí phát triển của khoa/trường (thường thì bạn phải chủ động liên hệ và cùng thảo luận về đề xuất với giáo sư sẽ là người hướng dẫn trước khi bạn nộp hồ sơ). 

Có thư đồng ý nhận bạn là nghiên cứu sinh của một giáo sư trong trường, đây là điều kiện đặc biệt quan trọng với các trường ở Australia. Ở một số nước khác, ác bạn vẫn có thể nộp thẳng hồ sơ và trường sẽ đưa hồ sơ của bạn tới giáo sư phù hợp nhất đang tuyển nghiên cứu sinh. Cuối cùng là các chứng chỉ quốc tế liên quan, như tiếng anh, GRE… 

“Mình xin lưu ý là để có thể đi tới bước 2 này, một bạn sinh viên không đơn giản là nhảy trực tiếp từ bước 1 qua đây. Có nhiều loại hồ sơ trong bước này mà các bạn không chỉ mất một mà có thể vài năm để chuẩn bị . Các bạn sinh viên hãy sử dụng bài viết như một định hướng để các bạn kế hoạch phương pháp học tập nghiên cứu trong thời gian sắp tới, để xây dựng được một bộ hồ sơ ở bước 2 này phù hợp với tiêu chí xét tuyển học bổng nhất.

Tiến sĩ Việt lọt top 10 nhà khoa học trẻ tại Australia bật mí 2 bước để nhận học bổng tiến sĩ toàn phần - Ảnh 2.

TS Duy cùng các bạn trong trường tổ chức hội thảo về cơ học chất lỏng Australasian Fluid Mechanics Conference. Ảnh: NVCC

Sinh viên nộp hồ sơ xin học bổng cùng lúc với hồ sơ xin học nghiên cứu sinh. Văn phòng tuyển sinh sau đại học sẽ làm việc với Văn phòng học bổng để đưa ra danh sách phù hợp cho từng khoa (thường sẽ dựa vào số tiền học bổng mà khoa đó sẽ được nhận trong năm đó để đưa ra số lượng sinh viên được cấp học bổng). Một số ví dụ như 90% số tiền từng khoa sẽ được trao cho PhD và 10% cho học bổng bậc thạc sĩ. Ngoài ra, tiền được chia ra thành 2 đợt trong năm cho 60% là sinh viên bản địa và 40% là cho sinh viên nước ngoài (tùy từng năm). Các khoa có hướng nghiên cứu nằm trong tiêu chí phát triển của trường (thường hội đồng trường của nhiệm kỳ hiện tại đưa ra) sẽ được cấp nhiều tiền/suất học bổng hơn. Học bổng và giấy trúng tuyển được gửi cho sinh viên”, TS Duy cho hay.

Các thức chấm điểm hồ sơ học bổng tiến sĩ

“Đây có lẽ sẽ là mục mà các bạn quan tâm nhất. Ở đây mình sẽ giới thiệu mô hình chấm điểm CEST được Đại học Sydney áp dụng. CEST là viết tắt cho Candidate, Environment, and Supervisory Team. 80% số điểm sẽ là đánh giá chính bản thân các bạn, đó là quá trình học, giải thưởng, nghiên cứu, các dự án… 10% tiếp theo sẽ đánh giá về môi trường nghiên cứu khoa/viện mà bạn đang nộp vào. Cuối cùng 10% sẽ được đưa tới cho giáo sư hướng dẫn hay nhóm nghiên cứu mà bạn đang nộp vào, gồm có đánh giá khả năng và lịch sử hướng dẫn của giáo sư.

Các chấm điểm cho phần này sẽ được trình bày ở bảng số 2. Số điểm sau khi được tính xong sẽ được nhân với hệ số 0.666 để thỏa mãn điều kiện tổng điểm phần này chiếm 80% tổng số điểm.

Nếu các bạn học đại học (hệ 4 năm), điểm trung bình sẽ là điểm của phần này. Điểm WAM nếu bạn học ở Australia và điểm GPA nếu trường bạn ở nước ngoài và không sử dụng WAM. Ví dụ nếu GPA của bạn theo thang hệ số 4 là 3.60/4.00, bạn sẽ được 3.6*100/4 là 90 điểm. Nếu các bạn đã học xong bằng thạc sĩ (không theo hệ nghiên cứu), điểm của bằng này sẽ được dùng và ít nhất phải chứng minh được có thành phần nghiên cứu trong chương trình, đồng thời phải chiếm đủ 25% số lượng tín chỉ của chương trình học. 

Khi đó điểm của quá trình học thạc sĩ sẽ được chấm tối đa 80 điểm. 20 điểm còn lại là phần nghiên cứu kia, đặc biệt yêu cầu phải có luận văn hoặc báo cáo hơn 25.000 từ. Phần nghiên cứu này phải phù hợp với đề xuất của chương trình PhD cũng như sẽ được văn phòng từng khoa kiểm định, đọc và cho điểm trong thang điểm 20 kia. Nếu bạn đã học xong bằng thạc sĩ (hệ nghiên cứu), điểm của bằng này sẽ được dùng và tính dựa vào từng khoa đánh giá, thang điểm tối đa là 100.

Chú ý rằng nếu điểm của bạn ở phần này dưới 80 thì sẽ được xếp vào hồ sơ yếu. Phần này cho thấy sự quan trọng của điểm tổng kết như thế nào trong việc xét duyệt học bổng”, TS Duy chia sẻ thêm.

Ngoài ra, theo TS Duy, các ứng viên cần lưu ý thêm về:

Xếp hạng đại học

Bảng xếp hạng đại học cũng sẽ là một tiêu chí để tính điểm. Ở đây hệ số cụ thể được đưa ra trong bảng số 4. Điểm tính trong phần Student Achievement ở trên sẽ được nhân với hệ số ở bảng 4. Thứ hạng của từng trường sẽ dựa theo các bảng xếp hạng phổ biến như QS, US News… và được Văn phòng học bổng của trường cập nhập vào mỗi tháng 10 hàng năm.

Kinh nghiệm nghiên cứu

Kinh nghiệm nghiên cứu chiếm 10 điểm trên tổng số 120 điểm của phần đánh giá ứng viên. Tuy nhiên chú ý rằng nếu bạn không có kinh nghiệm nghiên cứu phù hợp thì giáo sư hướng dẫn sẽ không đồng ý nhận bạn. Khi đó bạn đã bị loại từ vòng ngoài rồi. Điểm về kinh nghiệm nghiên cứu được đưa ra ở bảng số 5.

Chú ý ở bảng này, đó là các bài báo phải được viết bằng ngôn ngữ Anh và được công bố ở các bảng ISI hoặc Scopus.

Môi trường nghiên cứu

Môi trường nghiên cứu gồm có các điều kiện về hạ tầng, phòng lab và tiền trài trợ. Ngoài ra ứng viên phải đưa ra được việc tương ứng giữa đề tài nghiên cứu và khoa/viện mà ứng viên sẽ tham gia làm nghiên cứu sinh, đặc biệt trong kế hoạch phát triển của khoa/viện đó. Ngoài ra khoa/viện sẽ được cộng điểm nếu có các chương trình phát triển sự nghiệp cho ứng viên (professional development program, seminar program…). Điểm tối đa cho phần này là 10 điểm.

Nhóm nghiên cứu

Giáo sư hướng dẫn phải có lịch sử thành công hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh trước đó, có lịch sử gọi vốn thành công nhiều dự án, phải có đủ thời gian hướng dẫn ứng viên. Điểm tối ta cho phần này là 10 điểm. Lưu ý rằng nếu giáo sư hướng dẫn chính không thể phù hợp, điểm sẽ được chấm cho giáo sư phụ với hệ số được xét tùy vào lượng thời gian giáo sư đó có thể dành cho ứng viên.

Như vậy, điểm số trung bình lúc tốt nghiệp đại học rất quan trọng khi xét học bổng. Các bạn nên chú trọng để lấy được điểm thật cao ngay từ khi bước chân vào cánh cửa đại học. Kinh nghiệm nghiên cứu chỉ chiếm một phần nhỏ hơn nhưng với độ cạnh tranh cao lại cũng có thể là phần quyết định. Các chứng chỉ liên quan như IELTS, Toefl, GRE… chỉ cần vượt qua mức yêu cầu tuyển sinh của trường là được. Ví dụ bạn được IELTS 7.0 cũng không khác gì bạn được 9.0.

Chọn vào nhóm nghiên cứu nào hay giáo sư nào cũng chiếm tới 20% quyết định trao học bổng cho ứng viên. Kinh nghiệm nghiên cứu là thành phần quyết định để có giáo sư hướng dẫn chấp nhận ứng viên.

Khi các bạn nộp hồ sơ và lựa chọn nộp học bổng của trường, bạn sẽ được xếp thứ hạng mà cách chấm điểm mình đã nói trong bài viết này. Nếu bạn không được học bổng trường, bạn có thể sẽ được đẩy quay lại khoa và tiếp tới vòng xét học bổng của khoa hay tới trực tiếp các dự án của giáo sư (học bổng giáo sư). 

Cần chú ý rằng nếu bạn được học bổng từ trường (không phải từ giáo sư) thì bạn sẽ được tự do hơn khi làm nghiên cứu.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *