Số lượng thịt nhập khẩu tăng cao
Theo số liệu mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 5, Việt Nam đã nhập khẩu 76.120 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 140 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng 32,1% về lượng và 28,6% về trị giá. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 5 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 304.850 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với tổng trị giá 597 triệu USD, tăng 29% về lượng và 25,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi kg thịt và sản phẩm từ thịt nhập khẩu có giá trung bình 46.000 – 47.000 đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 41 thị trường, trong đó Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là những nhà cung cấp lớn nhất. Các loại thịt được nhập khẩu nhiều gồm thịt heo đông lạnh, thịt bò, gà… Đặc biệt, nhập khẩu thịt heo từ Brazil và Mỹ tăng mạnh, trong khi nhập khẩu từ Nga, Đức và Hà Lan giảm.
Ghi nhận tại thị trường thịt đông lạnh nhập khẩu tại các vùng, chúng tôi thấy thịt heo đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ hơn 30-40% so với hàng trong nước. Giá ba chỉ heo dao động từ 70.000-90.000 đồng một kg, sườn non khoảng 100.000 đồng một kg, nạc dăm, thịt mông và thịt vai từ 65.000-75.000 đồng một kg.
Trong vai người mua thịt heo về làm nhà hàng, chúng tôi lên mạng gõ tìm “mua thịt heo đông lạnh nhập khẩu” nhận được rất nhiều kết quả với nhiều trang web quảng cáo bán thịt ngoại rất bắt mắt, đa dạng về mẫu mã, mặt hàng.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thúy, nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp thịt đông lạnh ở Hà Nội cho biết, bên công ty có đủ và rất sẵn các mặt hàng thịt đông lạnh. Trong đó, đa số là thịt heo nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau với giá rẻ hơn thị trường.
Cụ thể, thịt ba chỉ heo bán lẻ khoảng 87.000 đồng/kg,… Nếu khách mua với số lượng lớn giá sẽ thấp hơn. Các khách có nhu cầu, đơn vị sẽ chuyển ship về tận nơi.
Lý giải thêm về giá thịt heo thấp, bà Thúy cho rằng: Hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt thuận lợi hơn trước, nhất là tại các thị trường Ấn Độ, Mỹ… Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm đông lạnh tại các nhà hàng, quán ăn ở các thành phố vẫn tốt, nhu cầu tiêu dùng cao nên các doanh nghiệp bán sản phẩm dễ hơn trước.
“Kinh tế suy thoái, thu nhập của người dân mình giảm nhiều nên mọi người thắt chặt chi tiêu hơn. Theo đó, khi giá thịt lợn trong nước vẫn ở mức cao, giá thịt lợn đông lạnh giá rẻ dễ bán hơn nhiều”, bà Thủy khẳng định.
Giá heo có xu hướng giảm
Trước tình trạng nhập khẩu thịt đông lạnh, nhất là nhập khẩu thịt heo ồ ạt như hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước.
Trước sức ép thịt heo nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng điều này tác động rất lớn tới ngành chăn nuôi heo.
“Sau khi có thông tin Việt Nam nhập khẩu thịt đông lạnh với số lượng lớn, giá heo hơi tại các vùng đã có xu hướng giảm trông thấy. Cụ thể, giá heo hơi hiện tại ở các vùng, trong đó có Đồng Nai còn khoảng trên 60.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi rất lo lắng, bất an”, ông Đoán thông tin thêm.
Bên cạnh đó, giá các loại thịt nhập khẩu đông lạnh đưa về bán ở Việt Nam với giá rất rẻ khiến cho sản phẩm trong nước khó cạnh tranh được. Trong đó, có thịt bò, gà đông lạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiêu thụ các sản phẩm trong nước khi người chăn nuôi bò, gà vẫn đang phải gồng mình chịu thua lỗ nặng.
“Hiện, người chăn nuôi bò, gà vẫn đang chịu cảnh ế ẩm, giá thấp nhưng không có người mua nhưng chúng ta vẫn cho nhập nhiều thịt không có kiểm soát kỹ lưỡng sẽ càng đẩy người dân vào đường cùng”, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định.
Ông Đoán lo ngại nhất là sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay rất đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm có phẩm cấp thấp như nội tạng, chân… có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng khi ăn phải các phế phẩm.
Theo ông Đoán, trong thời điểm Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, chúng ta vẫn phải chấp nhận cho nhập khẩu các sản phẩm từ các nước. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản phẩm trong nước.
“Thực tế hầu hết các nước trên thế giới, khi nhập khẩu bất cứ một sản phẩm các sản phẩm nông nghiệp, nông sản hay thịt, trứng, sữa… họ đều có các tiêu chuẩn rất khắt khe.
Việt Nam chúng ta cũng có đưa ra các tiêu chuẩn nhập khẩu (các hàng rào kỹ thuật) nhưng chúng ta vẫn thiếu các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập siêu, đặc biệt là đối với thịt gà trong những năm vừa qua”, ông Đoán nói và kiến nghị: “Chúng ta cần phải nghiên cứu và áp dụng các tiêu chuẩn, hàng rào phù hợp, nghiêm ngặt hơn để hạn chế nhập siêu để bảo vệ sản phẩm, người chăn nuôi trong nước”.
Theo ông Đoán, để giải quyết được vấn đề này rất cần Bộ NNPTNT, Bộ KHCN và hiệp hội các ngành hàng cần ngồi lại với nhau để trao đổi, bàn thảo, góp ý để xây dựng được các hàng rào kỹ thuật phù hợp nhất để hạn chế các sản phẩm trong nước mà các nước xuất khẩu phải chấp nhận.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện Việt Nam đã ký 16 hiệp định về tự do thương mại với thế giới, khi chúng ta xuất sản phẩm sang các nước thì họ cũng xuất sản phẩm sang nước ta kể cả các sản phẩm thịt, nội tạng trắng, đỏ là bình thường.
Theo ông Chinh, trong năm 2023, Việt Nam đã nhập gần 500.000 tấn, kể cả thịt gia cầm, bò, heo nên trong 5 tháng mà nhập có trên 76.000 tấn là chuyện bình thường.
“So với sản lượng gần 6,9 triệu tấn thịt hơi, hơn 5,8 triệu tấn thịt xẻ của nước ta là con số nhập khẩu rất là nhỏ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta phải tăng cường giám sát nhập khẩu sản lượng thịt nhập lậu từ biên giới và từ biển vào. Đồng thời chúng ta cũng phải xây dựng hàng rào kỹ thuật, chứ không thể cứ mở cửa ra để bảo hộ cho sản phẩm trong nước được”, ông Chinh khẳng định.
Leave a Reply