Trong đó, doanh thu từ bán điện của EVN năm 2023 đạt hơn 498.436 tỷ đồng, chiếm 99% doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, EVN lỗ sau thuế hơn 26.770 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD) trong năm này.
Đáng chú ý, trong năm 2023, giá điện bán lẻ tăng 2 lần (3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023). Với 2 lần tăng giá trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh và giá điện bình quân tăng từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Về các chi phí của EVN, theo báo cáo năm 2023, EVN phải trả hơn 18.985 tỷ đồng tiền chi phí lãi vay, tương đương 52 tỷ đồng/ngày. Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của EVN đạt trên 21.400 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong năm 2022, EVN lỗ 20.747 tỷ đồng. Như vậy, khoản lỗ lũy kế (2 năm 2022-2023) của EVN vào khoảng 47.500 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD).
Việc EVN tiếp tục ghi nhận số lỗ năm 2023 không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, bởi chi phí mua điện, nhất là điện than, điện khí của EVN cao trong khi giá bán thấp. Rất có thể sau khi báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được công bố, trong Quý III năm nay, EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ sẽ có các phương án về điều chỉnh giá bán điện nhằm cân đối tài chính cho tập đoàn này, cũng phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 26/3, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 05/2024/QĐ-TTg Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân chính thức có hiệu lực có hiệu lực ngày 15/5.
Theo đó, giá bán điện bình quân tối thiểu sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần, 4 lần/năm, trong đó, giá điện bình quân giảm 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng.
Trong khi đó, giá điện bình quân tăng 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Theo Quyết định này, giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của EVN, Bộ Công Thương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản để EVN triển khai thực hiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thực hiện điều chỉnh, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Leave a Reply