Trong những năm qua với việc lựa chọn đưa những giống cây trồng mới vào canh tác mang lại thu nhập cho người dân đã khẳng định chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là đúng hướng. Câu chuyện cây lê trên đất vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) là một ví dụ điển hình.
Trồng lê “hợp đất’, nông dân thu hàng trăm triệu đồng
Hiện đang là thời điểm thu hoạch lê của bà con nông dân huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Đến thăm bà con xã Púng Luông – địa phương hiện có trên 72 ha lê, trong đó có trên 5 ha đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở bản Đề Chờ Chua B, Púng Luông và Mí Háng Tâu, chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt phấn khởi của người nông dân thu hoạch những trái lê to, đẹp để đưa ra thị trường.
Năm nay, theo đánh giá của bà con, vụ lê được mùa, quả to, chất lượng tốt, với giá cả ổn định, đem lại nguồn thu nhập khá cho người trồng lê.
Cả vườn lê hơn 100 cây của gia đình bà Lù Thị Dà ở bản Đề Chờ Chua B, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đang vào mùa chín rộ. Đây là những cây lê gần 5 năm tuổi, trung bình mỗi cây, bà Dà thu hoạch được khoảng từ 10 – 30 kg.
Năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho cây lê nên lê ra quả đều và đẹp với giá bán dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, ước tính cuối vụ lê, gia đình bà Dà sẽ thu hoạch được gần 4 tấn quả với doanh thu gần 100 triệu đồng.
Bà Lù Thị Dà chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu làm ruộng, làm nương và thấy vất vả mà không đem lại hiệu quả kinh tế. Do đó, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng lê vào các diện tích đất trồng ngô kém quả của gia đình.
Giờ tôi thấy trồng lê có giá trị kinh tế cao gấp 3, 4 lần so trồng ngô, lúa, thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích để trồng lê để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập”.
Với diện tích đất đồi trên 2 ha, gia đình chị Giàng Thị Trù ở bản Ngã Ba Kim, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải đã từng đưa các loại cây như mận tam hoa, mận hậu, xoài vào trồng, tuy nhiên do là loại cây không phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng đất đai cũng như khí hậu nên không mang lại hiệu quả kinh tế.
Sau khi tìm hiểu về cây lê, năm 2018 gia đình chị Trù đã mạnh dạn chặt bỏ cây mận tam hoa, mận hậu và xoài để đưa 200 gốc lê vào trồng.
Sau hơn 5 năm trồng, cây lê phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu nên sinh trưởng tốt, cây bắt đầu bói quả sau 3 năm trồng và bắt đầu cho thu hoạch sau 4 năm.
Qua tính toán sơ bộ 1 ha lê cũng cho năng suất trên 40 tấn quả và với giá bán trung bình 30.000 đồng/ kg, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Trù.
“Trước đây nhà tôi trồng nhiều loại cây nhưng không hiệu quả, nên đã chuyển sang trồng cây lê, cây lê này một năm cho nhiều quả, bình quân vợ chồng tôi thu được 100 triệu, từ đó cũng phục vụ nhiều cho nhu cầu của gia đình”, chị Trù cho hay.
Cần nâng cao kỹ thuật trồng cây lê, liên kết tiêu thụ quả lê
Địa hình đồi núi dốc, người dân xã Púng Luông chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp do vậy đời sống kinh tế rất khó khăn.
Để nâng cao mức sống cho người dân trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Púng Luông đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng trong đó cây lê khi trồng thử nghiệm đã được lựa chọn đưa vào canh tác. Đến nay trên địa bàn xã Púng Luông người dân đã trồng được 72 ha cây lê, trong đó có trên 5 ha cho thu hoạch.
Ông Lý A Tủa – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Púng Luông cho biết: “Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã trước đây chủ yếu là trồng lúa, trồng ngô. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng người dân đã chuyển đổi sang trồng cây lê.
Nhận thấy cây lê hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác, thời gian tới cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền bà con mở rộng diện tích, tăng thu nhập cho bà con, góp phần cùng xã xây dựng nông thôn mới”.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm giúp nhân dân phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương, qua trồng thử nghiệm từ năm 2008, sau khi khẳng định được hiệu quả kinh tế từ năm 2019 đến nay, Huyện ủy Mù Cang Chải đã tích cực vận động nhân dân trồng và phát triển cây lê, đến nay toàn huyện đã có 200 ha, chủ yếu là giống lê Đài Loan và lê Tai Nung được trồng ở các xã Púng Luông, La Pán Tẩn và Nậm Khắt.
Theo ông Lương Văn Thư – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mù Cang Chải, huyện cũng đã đưa một số giống cây trồng ôn đới vào phát triển trên địa bàn, trong đó giống cây lê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
“Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như đề án phát triển cây ăn quả của huyện giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu đến năm 2025 huyện sẽ xây dựng vùng sản xuất cây lê hàng hóa tập trung tại các xã khu 2 của huyện Mù Cang Chải với diện tích dự kiến trên 300ha. Để đảm bảo sinh kế cho người dân huyện xây dựng chuỗi giá trị từ cung ứng cây giống, vật tư đến tiêu thụ sản phẩm cho người dân”, ông Thư nhấn mạnh thêm.
Với hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân có thể khẳng định việc lựa chọn và đưa cây lê vào trồng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên để cây lê thực sự là cây mũi nhọn mang lại thu nhập ổn định và lâu dài cho người dân thì việc quy hoạch trồng ở những khu vực phù hợp cũng như tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm là rất cần thiết.
Leave a Reply