Quảng Bình không chỉ nổi tiếng với hệ thống hang động hùng vĩ của vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp mà còn là nơi bảo tồn và lưu giữ nhiều di tích văn hóa lịch sử có giá trị.
Dấu tích văn hóa thời tiền sử hậu kì đá mới, sơ kì kim khí đã được phát hiện ở nhiều nơi trên mảnh đất Quảng Bình.
Từ các hang động núi đá vôi đến các dải đồng bằng ven sông ven biển. Chỉ tính sơ qua các di tích có tầm văn hóa đã được giám sát, khai quật khảo cổ đã có thể điểm tên 13 di chỉ thuộc giai đoạn này.
Có thể kể đến cách di tích như Minh Cầm, Hang Rào, Khe Toong, Cồn Nền, Ba Đồn, Cồn Thoóc Loóc, Lệ Kỳ, Bàu Khê, Bàu Sen và Bàu Tró. Trong đó hồ nước ngọt Bàu Tró – di tích khảo cổ đặc biệt quan trọng thuộc về bộ sưu tập hiện vật người Việt cổ cách đây hàng ngàn năm.
Bàu Tró-một hồ nước ngọt nằm sát biển Nhật Lệ, nước quanh năm và chưa bao giờ cạn. Xung quanh hồ là những dải rừng phi lao, rừng tràm xanh mát giữa bốn bề cát trắng phong cảnh hữu tình nên thơ.
Không chỉ là hồ nước ngọt cung cấp nguồn nước sạch cho nhân dân thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) bấy lâu, Bàu Tró còn là nơi tồn tại những dấu tích cư trú và sinh sống của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá.
Bàu Tró thuộc địa phận phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình tương truyền là bàu nước ngọt sạch nhất, sạch hơn nước giếng của người dân trong vùng.
Khi chưa có nhà máy nước, người dân Đồng Hới thường uống nước Bảo Ninh chở sang. Nơi đây hoang vắng, chưa có dân cư và có miếu Long Vương, thờ thần Hà Bá nổi tiếng linh thiêng, hồ được giữ sạch sẽ, người dân chỉ đến đây lấy nước về dùng vào việc cúng giỗ chứ ít khi lấy nước Bàu Tró về dùng hàng ngày.
Không hiểu hồ Bàu Tró được hình thành như thế nào và từ bao giờ, Bàu Tró sâu, rộng bao nhiêu và đáy hồ ở đâu?
Chỉ nghe truyền thuyết dân gian kể lại rằng Bàu Tró rất sâu, sâu không có đáy. Người ta đã thử bằng cách chèo thuyền ra giữa hồ, buộc đá vào dây thả xuống hồ để đo chiều sâu, thế nhưng thả hoài dây cũng chẳng chùn.
Đến khi hết dây này, nối thêm dây khác cũng không thấy đá chạm đáy, nên đến bây giờ vẫn chưa rõ chiều sâu hồ Bàu Tró là bao nhiêu.
Tục truyền rằng Bàu Tró là dấu chân để lại của một người khổng lồ khi đi qua vùng đất này. Bởi vào mùa hè, khi mực nước trong hồ cạn xuống thì trông hồ giống như một dấu bàn chân trái khổng lồ.
Lại có chuyện kể rằng: có một trận lũ rất lớn tại Trốôc Vực ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), cuốn trôi nhiều nhà cửa, cây cối theo dòng nước.
Một thời gian không lâu sau lũ, người ta thấy xuất hiện những trái bưởi to ở hai bên bờ Bàu Tró – một loại bưởi được trồng ở vực Trốôc Vực nên đã ngờ rằng hồ Bàu Tró có đáy ngầm thông với Trôốc Vực cách đó hơn 50 km.
Rồi vào mùa mưa, người ta thấy mặt hồ bồng bềnh những mảng lá khô của rừng Trường Sơn. Và từ đó, người ta kết luận, có một dòng sông ngầm chảy trong lòng đất Quảng Bình.
Đứng trên đồi cát thuộc phường Hải Thành nhìn xuống, thấy biển và hồ Bàu Tró chỉ cách nhau vài gang tay.
Những ngày biển nổi sóng lớn cứ tưởng như biển sẽ hòa nhập vào với hồ. Lạ nhất là dù chỉ cách nhau có gang tấc như vậy nhưng nước hồ Bàu Tró lại ngọt như là nước suối trên rừng.
Trước đây, thời Pháp thuộc người ta đã đặt một nhà máy bơm dẫn nước từ Bàu Tró về Đồng Hới, đẩy nước lên tháp cao ở Đồng Phú.
Từ tháp đó, nước tỏa đi các nơi, về các công sở, dinh thự, đồn bốt của Pháp hoặc vào trường học, bệnh viện, các xí nghiệp của người Pháp quản lý.
Nay, cảnh quan xung quanh hồ Bàu Tró khá u tịch và lãng mạn. Bao bọc xung quanh hồ là những đồi cát vàng, đồi cát trắng.
Trên đó, rừng phi lao bạt ngàn xanh um dày đặc, tạo vành đai ngăn gió và sóng biển, ngăn cả những trận bão cát xâm thực Bàu Tró và những khu cư dân dọc bãi biển Nhật Lệ.
Quanh năm, đứng trong gió và sóng biển, rừng phi lao mảnh mai, mềm mại như bay như liệng, như vờn như múa, ngọn phi lao quyện vào gió, gió quyện vào phi lao tạo nên âm thanh vi vu, rào rạt, véo von.
Bàu Tró không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh hữu tình tuyệt đep mà còn là một di chỉ đặc trưng, đại diện cho thời đại đồ đá mới, chính vì vậy Bàu Tró đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lần đầu tiên Văn hóa Bàu Tró được phát hiện vào năm 1923 với công trình khai quật khảo cổ của nhà địa chất kiêm khảo cổ học người Pháp Etinen Patte đã công bố những hiện vật cổ của thời tiền sử đồ đá mới.
Những hiện vật cổ này gồm nhiều rìu đá, mảnh tước, hai hòn ghè bằng thạch anh, bàn nghiền hạt mảnh gốm vỡ… có niên đại 5000 năm và điều đó đã khiến khu khảo cổ Bàu Tró trở nên nổi tiếng.
Sau đó vào tháng 3 năm 1980, khoa lịch sử khảo cổ Trường Đại học tổng hợp Huế khai quật khảo cổ lại di chỉ Bàu Tró.
Cùng tham gia khai quật khảo cổ có giáo sư Hà Văn Tấn (Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam), Võ Quý (Ban Đông Nam Á, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam).
Hiện vật cổ thu được gồm có nhiều rìu, bôn đá, bàn mài, chày nghiền, mũi nhọn, và vô số các mảnh gốm vỡ của các loại nồi, niêu, bình, vò…
Từ đó các nhà khảo cổ học đã lấy tên của di chỉ này để đặt cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới phân bố ở vùng ven biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là văn hóa Bàu Tró.
Qua các công trình khảo cứu của các nhà khoa học chúng ta có thể hình dùng cuộc sống của cư dân Bàu Tró thời tiền sử.
Lúc đó, họ đã biết dùng đá để chế tạo rìu bôn có vai, rìu bôn tứ giác có tiết diện cắt ngang hình bầu dục để làm công cụ trong trong lao động. Những mảnh tước dài và mỏng được tách ra từ những hạch đá hình lăng trụ có thể sử dụng như những con dao.
Ngoài ra họ còn dùng nhiều đốt sống cá có dùi lỗ, xương động vật có vết mài gia công thành những công cụ có mũi nhọn.
Ngoài công cụ lao động, những cư dân nơi đây còn biết chế tạo những chiếc bát, đĩa cạn lòng, cốc và những bình gốm miệng loe, miệng bóp có cái được gắn thêm chân đế để đựng và nấu thức ăn.
Gốm Bàu Tró chất liệu còn thô, độ nung thấp, xương gốm màu đen hay màu gạch xỉn nhưng mặt ngoài vẫn có những hoa văn trang trí hình dấu thừng, dấu đan, hoa văn chải, hoa văn khắc hoặc tô màu.
Cuộc sống của các cư dân Bàu Tró dựa vào kinh tế khai thác, thu lượm những sản vật sẵn có trong tự nhiên mà chủ yếu là các loài nhuyễn thể ven biển.
Nghiên cứu kỹ thuật chế tác đá, đồ trang sức, loại hình và các mô típ hoa văn trang trí trên đồ gốm, các nhà khoa học khảo cổ cho rằng trình độ tư duy thẩm mỹ cuả cư dân Bàu Tró đã phát triển khá cao. Trong cuộc sống họ không chỉ biết “làm ăn” mà còn biết “làm đẹp” cho bản thân mình.
Ngày nay, Bàu Tró được bảo vệ nghiêm ngặt vì nơi đây không những là một di chỉ khảo cổ, một thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nguồn nước cho người dân trong vùng. Bàu Tró là niềm tự hào, là tài sản vô giá của quê hương Quảng Bình.
Cho dù là những di chỉ với những câu chuyện kỳ bí hay là hồ nước ngọt hàng ngày cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân TP Đồng Hới thì Bàu Tró vẫn là địa danh du lịch Quảng Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, rất cần được bảo vệ một cách khoa học trước nguy cơ bị ô nhiễm ngày càng tăng trong tiến trình đô thị hóa hiện nay.
Leave a Reply