Quảng Nam: Mời “chuyên gia” về tận vườn giúp nông dân trồng sầu riêng ví như cây tiền tỷ ở huyện Tiên Phước

Vượt hơn 100km, chuyên gia trao kỹ thuật trồng sầu riêng cho nông dân

Để giúp người dân địa phương phát triển cây sầu riêng, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cử đoàn cán bộ nông nghiệp vào tham quan tìm hiểu mô hình trồng sầu riêng ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu thực tế địa phương, mới đây lãnh đạo huyện Tiên Phước đã mời đoàn cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành cùng với một số hộ dân chuyên trồng sầu riêng của Nghĩa Hành về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng cho bà con nông dân huyện Tiên Phước.

Mời

Ông Phạm Hữu Thành – Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn bà con nông dân huyện Tiên Phước cách trồng sầu riêng và chăm sóc cây sầu riêng. Sầu riêng được nhiều nơi ví là cây tiền tỷ bởi giá trị kinh tế cao…Ảnh: N.H

Tại buổi tập huấn, bà con nông dân được hướng dẫn về cách trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu, bệnh trên cây sầu riêng. Trong đó, hướng dẫn chi tiết cách chuẩn bị đất trồng, mật độ trồng, kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc cây con; cách bón phân, cách phòng, trừ sâu bệnh; cách tạo tán, ra hoa, thu hoạch… 

Qua lớp tập huấn giúp bà con có thêm kiến thức áp dụng vào vườn sầu riêng để phát triển hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quả sầu riêng.

Ông Võ Ngọc Huệ (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng trồng sầu riêng, tuy nhiên chưa được chăm sóc đúng qu trình kỹ thuật nên sầu riêng đậu ít quả, chất lượng quả không cao.

Tham gia lớp tập huấn lần này, tôi cũng như bà con được cán bộ nông nghiệp và các hộ chuyên trồng sầu riêng ở huyện Nghĩa Hành hướng dẫn cụ thể trồng và chăm sóc sầu riêng cho hiệu quả, chất lượng cao.

Các lớp tập huấn thực tế trực tiếp tại vườn như thế này tôi thấy rất hiệu quả. Mong huyện tiếp tục mở các lớp tập huấn đối với các loại cây trồng khác như măng cụt, bưởi da xanh, hồ tiêu… giúp nhà vườn nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng”.

Mời

Hội nghị tập huấn vầ trồng cây sầu riêng cho nông dân huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Ảnh: T.H

Được biết, huyện Nghĩa Hành có khoảng gần 800ha cây ăn trái, chủ yếu là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối ngự. Trong đó, sầu riêng có diện tích trên 122 ha. Đây là những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này. 

Mỗi ha trồng cây ăn trái, nông dân có nguồn thu nhập ổn định từ 200 đến 250 triệu đồng/năm. Sầu riêng cơm vàng hạt lép và chuối ngự của huyện Nghĩa Hành được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu. Sầu riêng của huyện Nghĩa Hành được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ông Phạm Hữu Thành – Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Qua đi thực tế một số mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn xã Tiên Châu, tôi thấy bà con nơi đây trồng và chăm sóc sầu riêng chưa đúng quy trình kỹ thuật.

Theo cá nhân tôi cảm nhận bà con trồng và chăm sóc một cách tự phát, dựa vào điều kiện tự nhiên là chính, chưa can thiệp sâu vào quá trình sinh trưởng, phát triển, ra hoa, đậu quả sầu riêng. Hy vọng qua lớp tập huấn lần này, bà con Tiên Phước nắm bắt thêm được một số kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng để đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Tiên Phước phấn đấu trồng 500ha sầu riêng

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước khoảng 10 năm trở lại đây người dân trên địa bàn huyện bắt đầu cải tạo vườn tạp, tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó phát triển cây sầu riêng.

Năm 2017, UBND huyện ban hành đề án 02 và năm 2019 ban hành đề án 03 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng; trong đó, cây sầu riêng nằm trong danh mục khuyến khích phát triển. 

Từ năm 2021 đến nay người dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và cây sầu riêng nằm trong danh mục cây chủ lực.

Mời

Huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được ví như xứ sở miền tây thứ 2, vì nơi đây là vựa trái cây lớn nhất tỉnh Quảng Nam. Ảnh: N.H

Theo thống kê năm 2020, tổng diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện đạt 64ha, đến giữa năm 2024, diện tích sầu riêng tăng lên 135ha, trong đó gần 20ha thời kỳ kinh doanh. 

Các địa phương trồng nhiều như xã Tiên Lộc, Tiên Lãnh, Tiên Thọ, Ngọc, Sơn, Tiên Cảnh… mỗi xã trồng trên 10ha. Các xã có diện tích kinh doanh nhiều như Tiên Châu, Tiên Cẩm, Tiên Lãnh, Tiên Sơn và thị trấn Tiên Kỳ… có khoảng trên 2ha/xã, thị trấn.

Ông Tăng Ngọc Đức – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, sầu riêng đang là một trong những loại cây ăn trái cho thu nhập cao nhất hiện nay. Qua thực tế cây sầu riêng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện Tiên Phước, tuy nhiên khả năng chống chịu gió bão rất kém. 

Sầu riêng có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây ăn quả khác. Giá bán giao động từ 80 -110 nghìn đồng/kg; sản lượng năm 2023 ước đạt trên 50 tấn.

Mời
Mời

Nông dân Tiên Phước phấn khởi khi được chuyên gia trồng sầu riêng ở Quảng Ngãi ra tận vườn hướng dẫn về trồng, chăm sóc sầu riêng. Ảnh: N.H

“Ngành nông nghiệp huyện cũng đã tăng cường hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phòng ngừa các loại sâu bệnh để tăng năng suất và chất lượng. Trong đó, hướng dẫn người dân bên cạnh việc lựa chọn những giống sầu riêng ghép đạt chất lượng, thì cũng cần quan tâm kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán các vườn cây để hạn chế nấm bệnh gây hại, thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái. 

Đồng thời, ngành nông nghiệp hướng dẫn bà con đầu tư hệ thống tưới tự động, vừa giảm công lao động, vừa thuận tiện trong việc cung cấp nguồn nước cho cây.

Trong thời gian tới Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận cơ chế, chính sách, kết nối phát triển theo chuỗi liên kết, định hướng cho việc cấp mã số vùng trồng ở những vùng tập trung, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng của VietGap, GloballGap…, để đưa sản phẩm sầu riêng lên các sàn thương mại điện tử và tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, huyện Tiên Phước hiện đang tập trung vận động người dân đầu tư mở rộng diện tích trồng sầu riêng, phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn huyện đạt 200 ha sầu riêng.

Giai đoạn 2026 – 2030, mỗi xã trồng thêm từ 20 ha trở lên, trong đó ít nhất mỗi năm có một mô hình từ 0,25ha trở lên. Đến cuối năm 2030 toàn huyện có ít nhất 500ha sầu riêng”, ông Tăng Ngọc Đức, Trưởng phòng NN&PTNT huyện nói thêm.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *