Ở một hồ thuỷ điện nước trong xanh trên sông Chảy của Lào Cai, dân nuôi cá lồng to bự thế này đây

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông Chảy ở Lào Cai - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá trắm cỏ trên lòng hồ thủy điện Phúc Long thuộc địa phận thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Nuôi cá lồng vùng lòng hồ thuỷ điện trên sông Chảy

Gia đình anh Nông Ngọc Bằng, tổ dân phố 1, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đầu tư trên 100 triệu đồng làm 6 lồng cá bằng thùng phuy, khung thép chắc chắn để nuôi cá, chủ yếu là cá trắm cỏ. 

Anh Bằng chia sẻ: Trước khi thả cá nuôi ở lồng, tôi đã về học tập kinh nghiệm các cơ sở nuôi trên hồ Thác Bà và cũng nhập cá giống từ những cơ sở này. Theo tính toán, mỗi lồng cá sau khi thu hoạch sẽ đạt khoảng 6-7 tạ/lứa. 

Nếu nguồn nước điều độ, giá cá thương phẩm không có nhiều biến động thì với 6 lồng nuôi, mỗi lứa có thể thu lãi trên 100 triệu đồng (mỗi lồng thu lãi khoảng 20 triệu đồng). Riêng năm 2023, sản lượng cá của gia đình tôi đạt 2,6 tấn.

Ông Lục Văn Đô, tổ dân phố số 1, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) phấn khởi: Hiện gia đình tôi đang nuôi 6 lồng cá, với diện tích 36m2/lồng. Để đầu tư nuôi cá lồng, tôi đã vay vốn 50 triệu đồng từ phòng giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Yên cùng số vốn vay từ anh em họ hàng để nuôi cá trắm cỏ.

Nhờ nuôi cá lồng, cuộc sống gia đình tôi đã khấm khá hẳn lên, kỳ vọng đây sẽ là mô hình mở ra hướng làm giàu cho bà con nông dân chúng tôi.

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông Chảy ở Lào Cai - Ảnh 2.

Nông dân thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) thả cá giống nuôi thương phẩm. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng như anh Bằng, ông Đô, gia đình ông Lê Thanh Hưởng, tổ dân phố số 7, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) bảo: Năm 2021, gia đình tôi bắt đầu nuôi cá lồng, với 12 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, cá nheo, cá chép. 

Người dân chúng tôi mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao hơn.

Từ khi thủy điện Phúc Long tại huyện Bảo Yên được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành đã hình thành vùng lòng hồ thủy điện, với diện tích hàng nghìn ha mặt nước. Đây là tiềm năng lớn để người dân sinh sống dọc 2 bờ sông Chảy phát triển nuôi thủy sản. 

Trong đó, thị trấn Phố Ràng hiện có chiều dài mặt nước lòng hồ 2km, diện tích mặt hồ hơn 40ha. Đặc biệt, các hộ dân bị mất đất sản xuất khi thuỷ điện tích nước đã chuyển đổi sang mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ.

Đến nay, trên địa bàn thị trấn Phố Ràng đã có trên 50 lồng cá, trong đó có 40 lồng được Hội Nông dân huyện Bảo Yên hỗ trợ nhận uỷ thác từ phòng Giao dịch ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư lồng cá, cá giống…

Hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng vùng lòng hồ thuỷ điện

Ông Nguyễn Trịnh Thái Ninh, Phó Chủ tịch thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai), cho biết: Mô hình nuôi cá lồng vùng lòng hồ thuỷ điện trên sông Chảy trong 3 năm gần đây theo đánh giá bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm nuôi của các hộ dân còn hạn chế, thiếu kỹ thuật chăm sóc…

Định hướng của thị trấn Phố Ràng tiến tới sẽ đưa ngành chăn nuôi cá lồng vùng lòng hồ thuỷ điện trên sông Chảy thành ngành mũi nhọn về phát triển nuôi cá thương phẩm theo hướng an toàn sinh học. Tiếp tục thu hút các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư chế biến, sản xuất theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hoá.

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông Chảy ở Lào Cai - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá lồng ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Ninh, khó khăn hiện nay, theo Nghị quyết số 26 của tỉnh Lào Cai đã sửa đổi thành Nghị quyết số 33, các hộ nuôi cá lồng này chưa tiếp cận được sự hỗ trợ theo đúng Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai. Thêm nữa, đang vướng mắc về diện tích thuê mặt nước của thuỷ điện Phúc Long để có mã vùng, sơ đồ nuôi cá.

Chính vì vậy, người dân thị trấn Phố Ràng rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành  cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi cá lồng hồ trên sông Chảy bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. 

Nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên sông Chảy ở Lào Cai - Ảnh 4.

Người dân thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) được tập kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông Chảy. Ảnh: Mùa Xuân.

Phát huy hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng trên sông Chảy cũng như ưu điểm từ mô hình mang lại như cá ít dịch bệnh, năng suất cao, thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi cá trong ao…., thị trấn Phố Ràng đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích nuôi thủy sản trên mặt nước sông Chảy, tăng thu nhập và mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Từ thành công của các mô hình nuôi cá lồng vùng lòng hồ thuỷ điện trên sông Chảy trên địa bàn thị trấn Phố Ràng đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nuôi trồng thủy sản nơi đây, góp phần cùng với địa phương từng bước hướng tới sản xuất hàng hóa có giá trị cao và bền vững.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *