Nhận thấy đất nông nghiệp tại địa phương khó canh tác, nông dân bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí gia đình chị Lê Thị Hiền ở thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh đã mạnh dạn thuê lại 2.5 ha đất nông nghiệp của bà con để cải tạo làm trang trại.
Trong đó, chị Hiền đã dành ra hơn 1.000m2 để xây dựng nhà màng trồng dưa công nghệ cao với chi phí 450 triệu đồng, số diện tích còn lại gia đình chị trồng các loại cây ăn quả khác.
Nhờ áp dụng thành công phương pháp trồng dưa hữu cơ, gia đình Lê Thị Hiền đã trồng thành công 3.000 gốc dưa lưới và 2.000 gốc dưa hấu. Sau khoảng 70 ngày trồng và chăm sóc, chị Hiền đã thu hoạch được hơn 6 tấn dưa lưới và 4 tấn dưa hấu.
Với giá nhập cho thương lái là 30.000 đồng/kg dưa lưới và 20.000 đồng/kg dưa hấu đã giúp gia đình chị Hiền bỏ túi được hơn 240 triệu đồng sau hơn 2 tháng trồng cây.
Chị Lê Thị Hiền, cho biết: “Thay vì xây nhà màng rồi trồng dưa lưới trên giá thể xơ dừa như nhiều nông dân đang làm, gia đình chị lại trồng dưa lưới trực tiếp trên đất. Trồng dưa lưới trên đất đã được xử lý, quả dưa được cung cấp đủ dinh dưỡng hơn so với phương pháp trồng trên giá thể.
Trồng dưa lưới trên nền đất không chỉ hạn chế chi phí, như nước tưới, giảm lượng phân bón, mà còn cho trái dưa có độ giòn và ngọt hơn so với dưa trồng trên giá thể”.
“Gia đình tôi trồng dưa theo phương pháp hữu cơ, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên tốt nhiều công sức hơn nhưng bù lại sản phẩm sẽ được an toàn, chất lượng thơm ngon hơn.
Trước khi trồng đất sẽ được xử lý qua nhiều công đoạn để tránh sâu bệnh. Bên cạnh đó gia đình tôi còn dùng các chế phẩm vi sinh để diệt mầm bệnh trong đất và bổ sung thành phần hữu cơ gồm phân chuồng ủ hoai và phân trùn quế cho đất. Đất sau khi xử lý xong đất trồng sạch bệnh, giàu dinh dưỡng, tơi xốp, dễ thoát nước… lúc này mới đủ tiêu chuẩn trồng dưa lưới”, chị Lê Thị Hiền, bật mí:
Gia đình chị Lê Thị Hiền đã áp dụng trồng dưa lưới theo quy trình hiện đại, bao gồm các công đoạn: xử lý môi trường nhà màng, ươm hạt giống, tưới nước. Trong đó, việc tưới nước được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel.
Do được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, dùng các chế phẩm sinh học tự nhiên nên dưa lưới của gia đình chị Hiền không chỉ cho năng suất ổn định mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm. Cũng vì lẽ đó, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ đến đấy.
Chị Lê Thị Hiền, chia sẻ: “Điều kiện khí hậu tại Hà Tĩnh phù hợp để trồng các loại dưa trong đó có dưa lưới và dưa hấu. Dưa là giống cây dễ trồng, ít sâu bệnh mà mang lại thu nhập cao. Một cây dưa phát triển tốt thường cho ra khoảng 5 – 6 quả nhưng chúng tôi chỉ nên giữ lại 1 quả/cây để có được chất lượng tốt nhất. Trong quá trình chăm sóc cần theo dõi chặt chẽ, bón đủ dinh dưỡng cho cây để quả dưa bảo đảm chất lượng”.
Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nên sau khoảng 70 ngày trồng dưa cho chất lượng tốt. Dưa lưới có mỏng vỏ, vị ngọt vừa phải, thịt quả màu đỏ cam, quả đạt trọng lượng khoảng 1.5kg/quả. Riêng dưa hấu thành phẩm có trọng lượng trên 2kg/quả vị ngọt đậm đà, ruột chắc, mọng nước khiến nhiều khách hàng ưa thích lựa chọn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Viết Bình – Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc, cho biết: “Gia đình chị Lê Thị Hiền rất tâm huyết, đam mê làm nông nghiệp nên đã quyết tâm đầu tư xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, làm nhà màng để trồng các loại dưa ở địa phương. Trang trại này được xây dựng trên khu đất nông nghiệp kém hiệu quả bị nông dân bỏ hoang nhiều năm, mô hình thành công đã giúp địa phương giải quyết được diện tích đất hoang hóa, tránh lãng phí.
Theo đánh giá, mô hình trồng dưa công nghệ cao trong nhà màng này mang lại hiệu quả, có thể nhân rộng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, trang trại của chị Hiền còn tạo công việc cho một số lao động ở địa phương”.
Leave a Reply