Ngày 10/9, tại lễ phát động cuộc thi Tôi khỏe đẹp hơn lần 3 do báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) từng đưa ra một thông tin đáng lo ngại rằng, Việt Nam là 1 trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới.
“Chúng ta đều biết, vận động thể chất không chỉ đơn giản là hoạt động của thể xác mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần. Nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng, việc rèn luyện thường xuyên giúp giảm nguy cơ trầm cảm, lo âu, và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Thế nhưng, thói quen lười vận động và chế độ ăn uống thiếu cân bằng đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh liên quan đến thừa cân và béo phì trong những năm gần đây, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Điều này không chỉ đe doạ sức khỏe của từng cá nhân mà còn tạo ra gánh nặng lên hệ thống y tế, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính không lây như tiểu đường, tim mạch, và ung thư”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Thuấn, thời gian qua, ngành y tế đã không ngừng hoàn thiện các chính sách và chiến lược quốc gia nhằm thúc đẩy sức khỏe cộng đồng. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là khuyến khích sự tham gia tích cực của người dân vào việc rèn luyện thể chất, đồng thời nâng cao nhận thức về dinh dưỡng khoa học.
Việc cải thiện thể lực và sức bền không chỉ đóng góp cho cá nhân mà còn cho toàn xã hội, giảm thiểu áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực y tế ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo nghiên cứu, tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất.
Nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng thực hiện năm 2011 cũng chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em từ 6-11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chỉ là 32,5% trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 59,9%. Thời gian tĩnh tại trong ngày của lứa tuổi học sinh chủ yếu là dành cho mạng xã hội (95,9%); game, máy tính, điện thoại (76,3%); làm máy tính (60,2%).
Ngành y tế đã và đang triển khai hàng loạt các biện pháp như hướng dẫn chuyên môn, chiến dịch truyền thông, và các chương trình y tế cộng đồng nhằm đẩy lùi tình trạng này. Tuy nhiên, thân thể là của riêng mỗi người, việc ăn uống, tập luyện là tự thân
Do đó, việc khởi xướng những phong trào, thúc đẩy tinh thần thể dục và thực hành dinh dưỡng khoa học trong cộng đồng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tự rèn luyện vẫn là giải pháp thực tế và bền vững nhất.
“Cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” vô cùng ý nghĩa về mặt truyền thông y tế và có hiệu ứng lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng về nỗ lực chiến thắng bản thân để trở nên khỏe hơn, đẹp hơn”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thị Lâm, thành viên Ban Giám khảo, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, lười vận động, ăn uống không khoa học thúc đẩy nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp…
Người dân Việt Nam ngày càng có ý thức về việc ăn uống khoa học và luyện tập tích cực để chăm sóc sức khỏe, chống lại các bệnh mạn tính. uy nhiên, bên cạnh ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng thì mọi người cần tăng cường vận động khoa học để giữ gìn sức khỏe.
Tại lễ phát động, Ban Tổ chức cho biết, tương tự như 2 lần trước, cuộc thi “Tôi khỏe đẹp hơn” lần 3 cũng kéo dài 3 tháng với 3 vòng thi để tìm ra những người có sự thay đổi ấn tượng nhất, truyền cảm hứng nhất.
Hiện ban tổ chức đã nhận mẫu đăng ký trực tuyến tại địa chỉ toikhoedephon.vn để các ứng viên gửi thông tin tham gia cuộc thi. Cuộc thi Tôi khỏe đẹp hơn lần 3 do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức với sự đồng hành của Herbalife Việt Nam.
Leave a Reply