Clip: Ông Bùi Văn Lực ở xóm Khoang, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây nhãn.
Xuân Thủy – vựa nhãn của xứ Mường giờ đang thay da đổi thịt từng ngày. Những vườn ngô nối nhau dài tít tắp khi xưa, giờ được thay thế bằng những vườn nhãn rộng thẳng cánh cò bay, quả sai trĩu. Ông Lực là người đã góp công đắp đuổi và thay đổi tư duy sản xuất cả một vùng.
Hôm chúng tôi đến thăm vườn, cả nhà ông Lực đang tất bật thu hoạch nhãn. Bên ngôi nhà sàn thâm nâu, bày la liệt những nhãn là nhãn. Từng chùm nhãn sáng bóng, quả to đều nằm la liệt. Mùa thu hoạch nhãn cũng là mùa đếm tiền của gia đình ông Lực. Phía sau thành quả mãn nhãn đó là cả một hành trình đầy sáng suốt của người đàn ông đất Mường.
Vườn nhãn đẹp như tranh vẽ “in tiền” đều đều
Năm nay bước sang tuổi 64, ông Lực cũng đã nghỉ hưu và ở nhà dành trọn tâm huyết để chăm sóc vườn nhãn. Người đàn ông đất Mường được bà con nơi đây coi là người đã mang nghề trồng nhãn về với Xuân Thủy.
Hôm chúng tôi đến thăm, ông Lực đang thu hoạch nhãn. Người đàn ông đất Mường dáng người dong dỏng, nước da rám nắng, mái tóc đã điểm bạc lái chiếc xe kéo chở nhãn chạy băng băng trên đường thôn. Vừa về đến nhà, ông đã nhanh tay đóng nhãn cho khách. Giọt mồ hôi lăn dài trên trán, nhưng trên khuôn mặt ông Lực luôn nở nụ cười tươi.
Đôi bàn tay chai sạn của ông Lực nhanh thoăn thoắt, chẳng mấy chốc 10 thùng nhãn đã đóng xong. Vị khách đợi ở nhà để mua hàng nhìn thùng nhãn có tem mác đàng hoàng tỏ ra rất ưng ý. Đưa hàng cho khách xong, ông Lực mới thở phào nhẹ nhõm.
“Năm nào cũng có khách đến tận vườn mua hàng. Với họ giá sản phẩm không thành vấn đề, quan trọng là mình giao hàng đảm bảo chất lượng. Năm nay nhãn có sụt giảm sản lượng đôi chút, nhưng lại bán được giá hơn”, ông Lực vui vẻ nói.
Chưa kịp tan tuần trà, ông Lực đã dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn. Trái với sự khoan thai khi ngồi tiếp khách, vừa bước chân vào vườn, ông Lực trở thành người hoạt bát và khác hẳn. Dường như được chăm sóc vườn nhãn là niềm vui sống của ông.
Từng cây nhãn gốc to, cành tỏa bốn phía, sai trĩu quả hiện lên giữa bốn bề mây núi. Nhãn được trồng thành hàng, thành lối tựa như những chiếc ô khổng lồ kéo dài tới chân núi. Từng chùm nhãn rủ xuống xếp tầng, xếp lớp. Suốt ngày, ông Lực ở vườn nhãn để tỉa tót từng chùm quả. Ông đưa tay nâng niu chùm nhãn nhẹ nhàng tựa như chăm sóc trẻ nhỏ.
“Trồng cây có quả chỉ là một phần của quá trình. Điều quan trọng với người làm vườn là phải tỉa tót, chăm sóc từng cây, từng quả một nó mới mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất’, ông Lực cho biết.
Quả như lời ông Lực chia sẻ, mấy trăm cây nhãn trong vườn được tỉa tót, chăm sóc vô cùng tỉ mỉ. Cây nào cây nấy treo quả và được tạo dáng vô cùng chuẩn. Từng cành, từng chùm nhãn phát triển đều đặn tựa như được xếp hình vậy. Dưới tán nhãn cỏ mọc xanh rì, ông Lực còn kỳ công lắp hệ thống tưới nước tự động cho cây.
Theo ông Lực, cây nhãn có sức sống mãnh liệt và phát triển rất tốt ở đất Mường. Tuy nhiên, khi ở thời kỳ ra hoa đậu quả, cây nhãn cần rất nhiều nước, do vậy, phải luôn giữ ẩm cho vườn, cây mới phát triển tốt và cho sản lượng cao nhất.
Ở giữa vườn, ông còn để la liệt những thùng phi nhỏ, đó là nơi ông ủ cá và đậu tương làm “thức ăn” cho vườn nhãn. Cá, đậu tương được ủ men vi sinh, sau một tháng trở thành phân hữu cơ. Nhờ bón loại phân này mà vườn nhãn xanh tốt quanh năm. Quả nhãn có chất lượng hảo hạng.
“Cả năm vườn chỉ ủ có 3 tạ cá và 2 tạ đậu tương là đủ bón cho mấy trăm cây. Cây được chăm sóc tốt, nên luôn cho sản lượng cao. Dự kiến năm nay, tôi thu được 30 tấn nhãn, sản lượng có giảm đôi chút so với mọi năm, nhưng năm nay lại bán được giá. Dự trừ hết chi phí, gia đình thu được khoảng 300-400 triệu đồng”, ông Lực chia sẻ.
Hiện, vườn nhãn của ông Lực được chọn là vườn để xuất khẩu, nên mọi quy trình chăm sóc nhãn đều được ông ghi chép tỉ mỉ. Suốt mấy chục năm qua, vườn nhãn là cái “máy in tiền” đều đều cho gia đình ông. Vui hơn cả là lựa chọn của ông cách đây gần 30 năm đã mang lại cho vùng đất non xanh thủy tú này sự ấm no và sung túc.
Người giúp cây nhãn bén rễ trên đất Xuân Thủy
Ông Lực sinh ra và lớn lên tại vùng đất trù phú, nhưng cuộc sống của bà con người Mường lại gặp rất nhiều khó khăn. Khi đó, cái đói cái nghèo còn hiển hiện trên từng nếp nhà. Gia đình ông Lực lại có tư duy rất tiến bộ, bố ông luôn động viên con cái, muốn thoát nghèo bền vững chỉ cách học lấy cái chữ để thay đổi số phận.
Là người có chí, đến tuổi trưởng thành thay vì ở nhà lấy vợ sinh con như bao trai Mường khác, ông dành tâm huyết để ôn thi đại học. Những nỗ lực của ông đã được đền đáp, ngày ông nhận báo giấy đỗ Đại học Biên phòng cả xã bàng hoàng. Bởi lẽ từ trước đến nay, xã này chưa từng có ai đi học đại học.
Suốt mấy năm rèn luyện nơi quân trường, ông Lực lại không có may mắn được khoác ba lô đến các đồn biên phòng nơi biên giới để phụng sự nhiệm vụ cao cả. Năm thứ tư tại trường đại học, sức khỏe của ông không được tốt, nên ông xin rời trường về quê nhà. Chàng trai Mường từng là niềm tự hào của cả xã Xuân Thủy trở về với chiếc ba lô rỗng khiến ai cũng chạnh lòng.
Khi đó, đất Mường còn nghèo lắm, ông Thủy tham gia công tác ở xã rồi ông được giữ trọng trách Trưởng ban Văn hóa xã. Sau mỗi nhiệm kỳ, bằng sự nỗ lực của mình, ông được bầu làm Chủ tịch xã rồi Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy.
Suốt những năm tham gia công tác tại xã, ông Lực luôn nung nấu là tìm cách thay đổi tư duy sản xuất của bà con. Nếu cứ trồng ngô, trồng lúa, năm hai vụ như vậy, đời sống của bà con mãi quanh quẩn với cái cày con trâu, đói nghèo sẽ còn ngự trị ở đất này.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, ông đã mạnh dạn về Hưng Yên tìm kiếm giống nhãn Hương Chi để đưa về đất Mường. Ngày ông mang giống nhãn về, bà con ai cũng nghĩ, trồng cây ăn quả bao giờ mới có thu hoạch. Ông Lực lại có niềm tin sắt đá vì đất đồng bãi quê mình cũng tốt tươi không kém gì ở Hưng Yên. Năm đó, ông Lực mua 300 cây nhãn về trồng tại vườn nhà. Ông trồng đúng khoảng cách, cây cách cây 8m. Suốt mấy năm ròng, ông chỉ nhìn thấy cây với đất, chưa có thu hoạch gì.
“Năm đó tôi mua giống nhãn chiết, mỗi cây giống hết 30.000 đồng. Tổng tiền giống đã “ăn” mất 2 con bò của gia đình. Với số tiền đó, ở đất này, không phải ai cũng dám đầu tư. Hơn nữa, họ cũng không nghĩ cây nhãn sẽ mang lại hiệu quả”, ông Lực bộc bạch.
Những tâm tư lo lắng đó của gia đình ông được xóa bỏ, khi năm thứ 3 cây nhãn đã cho quả bói. Lúc bóc quả nhãn, đôi bàn tay ông còn run run vì suốt 3 năm qua, những lo lắng của ông tan biến, quả nhãn có cùi dày, vỏ mỏng, ăn ngọt không kém gì ở vùng đất Hưng Yên.
Đến năm thứ 4, cây nhãn lớn nhanh và cho thu hoạch. Vườn cây cho quả, nhưng khi đó ở đất Mường hầu như chưa có thương lái nào vào thu mua. Ông Lực hái nhãn với tâm tư nặng trĩu. Từng thùng nhãn sáng bóng, quả to, ăn ngọt lừ lại chưa biết bán ở đâu. Năm đó, ông đã phải thuê xe tải rồi chở nhãn về chợ Long Biên (Hà Nội) bán lẻ. Không ngờ chuyến đi bán nhãn đó của ông Lực lại mở ra hướng làm ăn mới cho bà con người Mường ở Xuân Thủy.
“Khi đến chợ Long Biên, tôi vừa mở thùng ô tô ra đã có thương lái đến hỏi mua. Họ ăn thử nhãn và rất ưng ý. Thay vì phải chở nhãn lên chợ bán, họ đã về tận vườn nhà tôi thu mua nhãn với giá trên 30.000 đồng/kg”, ông Lực nhớ lại.
Sau mỗi năm, vườn nhãn lại cho thu hoạch cao hơn., có năm ông thu được cả tỷ đồng từ vườn nhãn. Việc tiêu thụ nhãn những năm đó vô cùng thuận lợi. Sự thành công của ông Lực là nguồn động viên lớn giúp bà con nơi đây trồng nhãn.
Từ vài hộ trồng ban đầu, đến giờ Xuân Thủy đã trở thành vựa nhãn của đất Mường. Vui hơn cả là vườn nhãn của gia đình ông Lực được chọn để xuất khẩu đi các nước Châu Âu.
“Việc xuất khẩu nhãn sẽ là hướng chính để vựa nhãn có thu hoạch tốt hơn. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, người trồng nhãn phải tuân thủ chặt chẽ những quy định trong việc trồng và chăm sóc nhãn. Chỉ khi người trồng nhãn đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã và sản phẩm, mới có hy vọng đổi đời nhờ cây nhãn”, ông Lực tâm sự.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, diện tích trồng nhãn toàn huyện khoảng 360ha, trong đó, tại xã Xuân Thủy khoảng 180ha. Hai giống nhãn được trồng tại địa phương là Hương Chi và nhãn Miền.
Leave a Reply