Làng cổ Phước Tĩnh – Vẹn nguyên nét đẹp trầm mặc và quyến rũ của làng cổ Việt
Làng cổ Phước Tĩnh được thành được thành lập vào năm 1470, dưới triều vua Lê Thánh Tông, khi nhà nước phong kiến Đại Việt mở mang bờ cõi về phương Nam. Ngôi làng này nằm lặng lẽ bên dòng sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Ngôi làng là một quần thể nhà rường cổ, với hơn 100 ngôi nhà, trong đó có đến 37 ngôi nhà rường có tuổi trên 100 năm, các đền miếu còn nguyên vẹn. Có 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi thọ 150 – 200 năm với những đường nét vô cùng tinh xảo.
Không chỉ mang những nét đẹp của thiết kế nhà rường truyền thống xứ Huế, nhà rường ở Phước Tích còn có nhiều nét rất riêng. Dưới bàn tay tài hoa của những người thợ chạm khắc làng mộc Mỹ Xuyên nổi tiếng gần đó, các bộ phận của nhà rường như vì kèo, xuyên, trách, đố, liên ba, cửa bàng khoa… được chạm trổ cực kỳ công phu và tinh tế.
Ngoài ra, vẻ đẹp cổ kính ở Phước Tích còn được tạo nên từ những hàng chè tàu thẳng tắp và những giàn hoa tigôn xanh mướt. Đầu làng là nơi tọa lạc của cây thị có tuổi đời hơn 600 tuổi, chu vi thân cây đến 3-4 sải tay người lớn.
Theo ông Lê Trọng Đào – chủ nhân một ngôi nhà rường cổ nơi đây cho biết, người dân Phước Tích coi các giá trị văn hóa của làng tựa như máu thịt của mình. Họ luôn dốc sức giữ gìn, dù cuộc sống khó khăn nhưng vẫn cố gắng tích góp để trùng tu nhà rường nhằm bảo tồn di sản cho hậu thế.
Năm 2009, làng cổ Phước Tích được công nhận là Di tích cấp Quốc gia và trở thành điểm đến yêu thích cho du khách gần xa khi tới thăm xứ Huế.
Làng cổ Phước Tĩnh – Ngôi làng sinh ra nhờ nghề gốm
Thăm thú trong làng, du khách dễ nhận ra đâu đâu cũng có mảnh sành và đất nung vương vãi trên đất, dưới mỗi nếp nhà xưa còn lưu giữ những sản phẩm gia dụng bằng gốm như đôộc (hũ không có vành miệng đặc trưng của làng), lu, cối, om, trách… Không lạ bởi Phước Tích xưa là làng gốm nức tiếng một thời.
Nghề gốm từng gắn liền với sinh mệnh của người dân trong làng và trở thành hoạt động sinh hoạt văn hóa chủ yếu… Lúc đầu, các sản phẩm gốm dân làng làm ra gồm bát, chén, bình hoa… mang tính chất đơn sơ nhưng không kém phần tinh xảo.
Ông Lê Trọng Diễn (70 tuổi) cho hay: “Ngày xưa, người dân nơi đây sinh ra là đã làm gốm, gọi là nghề cha truyền con nối, tất cả người dân trong làng đều làm gốm”.
Thế kỷ 16-17 là thời kỳ thịnh vượng nhất của làng cổ Phước Tích, đồ gốm của làng được ưa chuộng giúp người dân ăn nên làm ra. Thời gian này, làng có 12 lò nung gốm liên tục đỏ lửa, sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp khu vực miền Trung.
Hiện nay, tại căn nhà rường truyền thống của mình, ông Lê Trọng Diễn đang trưng bày những kỷ vật bằng gốm như trách, om, niêu, ấm, cối tiêu, chậu… với đầy đủ 63 mẫu mã của làng gốm Phước Tích.
“Nghề gốm làng Phước Tích đặc trưng ở việc nung gốm với nhiệt độ cao. Các sản phẩm được chăm chút ở từng công đoạn, đòi hỏi người làm gốm phải chu đáo, tỉ mỉ”, ông Lương Thanh Hiền – người có thâm niên 20 năm làm gốm tại làng, chia sẻ.
Hơn 5 thế kỷ thịnh vượng, thập niên 40 của thế kỷ 20, khi Pháp, Mỹ vào Việt Nam, những hàng hóa từ nhựa, nhôm dần thịnh hành, các sản phẩm gốm sứ ít được ưa chuộng, nghề gốm cũng dần mai một từ đó. Hiện nay ông Lương Thanh Hiền là người duy nhất còn duy trì việc làm gốm Phước Tích truyền thống.
Giàu truyền thống hiếu học, có hơn 30 giáo sư, tiến sĩ
Không còn bám trụ được vào nghề gốm, từ khi các lò gốm trong làng lần lượt tắt lửa, người dân làng Phước Tích bắt đầu hướng con cái theo con đường học hành. Từ đó, việc học chữ được coi là “kế sinh nhai” mới của dân làng.
Nói đến sự học, Phước Tích là ngôi làng hiếu học nổi tiếng bậc nhất xứ Huế. Ngôi làng này là quê hương của hơn 30 giáo sư, tiến sĩ ở các lĩnh vực, còn cử nhân và thạc sĩ nhiều đếm không xuể.
Kể về một số tên tuổi hiếu học nổi bật, ông Lương Thanh Hiền nhắc đến PGS. TS Trương Thế Kỷ, GS.TS Phan An và hàng loạt tên tuổi nổi tiếng khác đều là những nhân tài sinh ra từ làng Phước Tích.
Ông Hoàng Tấn Minh- Trưởng làng Phước Tích cho biết: “Nói về việc học thì không nơi nào ở mảnh đất Huế qua được làng Phước Tích này. Việc học luôn được dân làng luôn đặt lên hàng đầu”.
Ông Lê Trọng Nam (68 tuổi, từng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Mỹ) cho biết, con em Phước Tích vươn lên từ đường học hành rồi theo nhiều nghề, trong đó nghề giáo và nghề y là hai nghề phổ biến nhất.
Hiện gần như mọi gia đình trong làng Phước Tích ít nhất đều có một người theo nghề dạy học.
Leave a Reply