Thưa soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng, ông sinh năm Quý Sửu 1973, tức là tính theo tuổi ta, năm nay ông đã 52 tuổi và năm tới, ông sẽ bước qua tuổi 53. Các cụ vẫn bảo, cái “tuổi 49 chưa qua 53 đã tới”. Ông có nghĩ năm nay mình phải làm, cống hiến được thật nhiều cho dân ca trước khi bước qua cái tuổi “hạn”?
– (Cười) Với tôi, không có tuổi nào là tuổi “hạn”. Từ khi bắt đầu vào nghề tới giờ, tuổi nào thì tôi cũng cống hiến hết mình. Ở tuổi nào, năm nào mỗi năm cũng đều có những khó khăn nhất định. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng sợ năm hạn hay thế nào đó nên sẽ phải làm việc nhiều hơn để tới năm hạn nghỉ ngơi.
Một ngày của tôi bắt đầu từ khoảng 5h sáng tới khoảng 11h đêm. Từ công việc của Đài tiếng nói Việt Nam tới những công việc gia đình, hay những công việc của các trang mạng xã hội của tôi như Youtube, Facebook hay các hội nhóm về dân ca và Chèo tôi đang quản lý, tới cả công việc viết bài, sáng tác. Mấy mươi năm qua tôi vẫn duy trì đều đặn; không phải sợ năm hạn mà tôi vốn quan niệm cứ làm việc hết mình để có thế nào cũng không tiếc nuối từng giây, từng phút đã trôi qua.
Trong năm 2023 tới nay, ông thực hiện mỗi tuần 1 số “Đối thoại dân ca cùng Mai Văn Lạng” và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn; sự chờ đón của khán thính giả. Chắc hẳn, nó đã để lại cho ông rất nhiều điều đáng nhớ?
– Thật sự là tôi rất cảm động, bởi như mấy anh chị em vẫn nói, tôi được ban lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam rất tin tưởng giao cho cả một mình một chương trình đứng tên tôi. Ban đầu chương trình ấy có tên là “Tám Mai Văn Lạng – Tám chuyện Dân Ca” và hiện tại đổi tên thành “Đối thoại dân ca”. Đây là chương trình hết sức đặc biệt, bởi chúng tôi không chuẩn bị bất cứ kịch bản nào trước. Những đối thoại hết sức tự nhiên giữa tôi và bạn biên tập viên hoặc giữa tôi và khán thính giả.
Lúc đầu tôi cũng rất lo lắng nhưng càng đối thoại lại càng thấy vui, hạnh phúc bởi có rất nhiều kỉ niệm. Có những người gọi được cho tôi thì vui mừng rỡ lắm: “Ôi bây giờ mới gặp được em”.
Tôi vẫn nhớ có một bác thính giả tên là Linh khi gọi tới kể câu chuyện rằng: “Ôi ông Mai Văn Lạng ơi, chồng tôi dặn thịt gà làm cỗ. Tôi đã cắt tiết gà rồi mà tôi mải nghe chương trình của ông từ 9h sáng tới 10h sáng, chồng tôi hỏi gà đâu, tôi mới nhớ ra là mình vẫn chưa vặt lông gà (cười).
Hay có câu chuyện rất cảm động, có một bác gọi cho tôi vừa gọi vừa khóc. Tôi hỏi ra biết bác là thanh niên xung phong, là người lính xẻ dọc Trường Sơn. Bác cảm động khóc vì nghe bài hát “Lời ru tìm đồng đội” của tôi soạn lời: “…Qua rồi chiến tranh thẳm sâu nỗi nhớ/ Biết mấy ân tình đồng đội tìm nhau/ Anh giờ nằm ở nơi đâu…”.
Nhiều lúc tôi vẫn thắc mắc, ông lấy đâu ra nguồn năng lượng bền bỉ như vậy, để mấy mươi năm qua và cho tới nay, dù đã ngoài 50 tuổi, ông vẫn đi khắp các làng quê sưu tầm, quảng bá dân ca?
– Thứ nhất, tôi phải giữ gìn sức khỏe cho mình. Tôi thường hay rèn luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.
Thứ hai, nguồn năng lượng lớn nhất trong tôi có lẽ là tình yêu với dân ca và âm nhạc cổ truyền, tình yêu với đất nước quê hương.
Thứ ba, có lẽ là sự đón nhận tin yêu của công chúng. Mỗi khi đi tới bất kỳ câu, các miền quê, các câu lạc bộ, tôi luôn được các quý khán thính giả chào đón, yêu quý và coi như người thân. Có những nơi mà xa xôi hẻo lánh, bà con còn cử người đi 7-10km để đón tôi về làng bản.
Nói như các bài dân ca, người quê đúng là chỉ có tấm lòng, nhưng đó mới là những điều tôi trân quý nhất. Tôi ra về thì người có cân gạo, người có yến lạc, rồi rau quả, trứng,… Chính những điều ấy tiếp thêm cho tôi rất nhiều nguồn năng lượng để tiếp tục có những trải nghiệm và chia sẻ, lan tỏa tình yêu dân ca, âm nhạc cổ truyền trong mỗi chuyến đi.
Càng đi, ông cảm thấy “trách nhiệm” của mình với câu dân ca thế nào?
– Hạnh phúc bây giờ của tôi đều do dân ca, âm nhạc cổ truyền mang lại. Tôi vẫn nói với bạn bè đồng nghiệp, dân ca cho tôi tất cả từ nhà cửa, con cái, gia đình, nghề nghiệp,…
Vậy nên, tôi phải đáp lại tình yêu ấy bằng nhiều cách. Bằng chính những chuyến đi, những chương trình phát thanh, những bài hát soạn lời mới, những sự kiện tổ chức về dân ca, các hoạt động, chia sẻ phát biểu về dân ca để tiếp thêm sức mạnh cho đại chúng yêu dân ca, nhất là đối với người trẻ.
Ngược thời gian về quá khứ một chút, cậu bé “Mai Văn Lạng” thuở nhỏ lớn lên từ vùng quê Thanh Oai – Hà Tây cũ bắt đầu tình yêu với câu dân ca thế nào?
– Từ bé tôi cũng như mọi người đều lớn lên bằng câu hát ru dân ca. Tôi phải biết ơn bà ngoại tôi là cụ Nguyễn Thị Đào – người con gái quê hương Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Cụ được ăn học, biết chữ Nho, thuộc cả Kiều, Nhị độ mai, Tống Trân Cúc hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Chinh phụ ngâm,… Cụ đọc hằng ngày cho tôi. Câu hát dân ca cứ ngấm dần, ngấm dần vào tôi.
Tôi biết rằng mình không có giọng hát, nên tôi phải quyết tâm học thật hay văn chương, chữ nghĩa để tôi đến với câu dân ca bằng con đường như hiện tại. Cũng là may mắn trong thời gian học tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, dù học lớp Biên kịch sân khấu nhưng tôi tự học về Chèo, dân ca và được nhiều người thầy chỉ bảo. Vậy nên ngay sau khi vào trường, năm 19 tuổi, tôi đã sáng tác bài hát Chèo đầu tiên được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến bây giờ đó vẫn là thành quả tôi rất tự hào.
Bài thơ ông viết cho chính mình đọc lên quả thực xúc động: “Gần 30 năm xa quê/ Vẫn chân đất dép lê đầu trần/ Công danh? Gửi nẻo phù vân/ Phong ba bão táp xoay vần dọc ngang/ Mình tôi vẫn giữ hồn làng…“. Gần 30 năm xa quê ấy, ông giữ cái hồn làng, giữ cái chất “nhà quê” của mình thế nào?
– Bao nhiêu năm xa quê, tôi vẫn khẳng định tôi là một người nhà quê, đến bây giờ vẫn thế. Tôi là con nhà nông dân, từng kẽ chân, kẽ tay tôi vẫn còn màu đất. Từ cái đi, cái đứng, cái ăn, cái mặc của tôi rất nhà quê; trong cả cách viết, ngôn từ tôi soạn cũng nhà quê.
Tôi muốn gìn giữ ca dao, dân ca, những vần thơ lục bát của các cụ, những cái phong tục tập quán chính là tôi đang giữ cái chất quê trong tôi, bởi chỉ có những miền quê mới có những thứ ấy. Việc giữ chất quê đó có lẽ là cũng là cái nghề, cái nghiệp của tôi rồi.
Nhưng ngược lại, tôi giữ y nguyên cái chất quê ấy để sống ở thành thị, thành ra cũng có những lúc tôi bị ngơ ngác, ngờ nghệch hay là “ngố” (cười). Nhưng tôi chấp nhận điều ấy. Bởi nếu có muốn học đòi làm người phố tôi cũng không học được nên có thế nào tôi chân chất thế ấy.
Tôi thấy ông thường xuyên được mời đi chia sẻ về những vùng đất, con người và văn hóa của vùng nào đó. Đi nhiều, mỗi vùng quê lại có một nét riêng biệt khác nhau. Làm thế nào để ông có thể “ngấm” không chỉ các câu dân ca mà cả “địa chí” của khắp các vùng quê như vậy?
– Điều này có lẽ rất khó để có thể diễn đạt. Nhưng có lẽ do tôi thấm đẫm hồn quê, chất quê rồi, và tôi nghĩ có lẽ cũng bởi yêu, đau đáu những nỗi niềm với cái hồn dân tộc. Và cũng bởi tới đâu, tôi cũng coi đó là quê hương mình, yêu từng đường đi ngõ xóm, thấm từng mạch nguồn miền quê đó,… Vậy nên, tôi rất dễ dàng để chạm tới cái tình quê, hồn quê ấy và từ đó, những nét văn hóa, chất của người miền quê đó ngấm vào tôi cũng rất nhanh.
Có những lần tôi tới những nơi không phải quê hương mình, họ đặt bài tôi viết. Họ đọc xong bảo tôi viết hay như người quê họ tự viết. Gần như miền quê nào tôi đặt chân tới họ cũng quý tôi. Có những miền quê như làng Nguyễn (Đông Hưng, Thái Bình) hay Đông Quý (Tiền Hải, Thái Bình), họ coi tôi như là người con của quê hương họ.
Trong những chuyến đi tới các vùng quê, ông thấy ấn tượng ở cách họ yêu và giữ gìn câu dân ca của dân tộc như thế nào?
– Mỗi vùng quê đều để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng khác nhau. Khi tôi về Xuân Thanh Thủy (Phú Thọ) chẳng hạn, tôi phải bất ngờ thốt lên “trời ơi”. Mấy chục ông bà từ những năm 60-70 mà tham gia hội văn nghệ vẫn nhớ từng câu chèo.
Hay về miền đất Khoái Châu, Hưng Yên, nơi thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung, các nghệ nhân cũng toàn ngoài 60-70 cả, hát trống quân rất hay.
Đặc biệt, khi về Liệp Tuyết, Quốc Oai, tôi rất cảm động câu chuyện NNND Nguyễn Thị Lan tuổi gần 80 rồi một mình gìn giữ, truyền dạy hát Dô của quê hương.
Chính những người quê ấy mới là những người gìn giữ kho báu dân gian nhiều nhất, chắc chắn nhất. Họ say mê, nhớ như in từng câu hát và tập luyện, trau chuốt hằng ngày. Ở các vùng quê mà tôi từng đến, tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng dân ca, âm nhạc cổ truyền sẽ còn sống mãi.
Người ta thường nhắc về soạn giả, nhà báo Mai Văn Lạng là người “khoác áo mới” cho rất nhiều loại hình dân ca, đặc biệt là Chèo. Vì sao ông lại lựa chọn “yêu” loại hình nghệ thuật này để cống hiến nhiều hơn cả?
– Ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn tự nhận mình là “con nhà Chèo”. Tôi lớn lên ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi là nôi của nghệ thuật Chèo và Chèo luôn sống trong lòng những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Vậy nên từ nhỏ tôi đã rất mê Chèo. Những thứ hồn nước, hồn làng, người quê mình, người làng mình đều dồn hết vào Chèo và hiện lên thông qua các vở diễn.
Sau này khi học đại học, các thầy dạy tôi cũng đều là những bậc thầy về Chèo như là GS Hà Văn Cầu, NSND Trần Bảng, TS Trần Đình Ngôn, NSND Diệu Hương,… Vậy nên, bài hát đầu tiên tôi viết năm 19 tuổi cũng là Chèo.
Chưa kể, khi đặt bài tôi viết, mọi người cũng đặt bài Chèo. Tôi nghĩ rằng mỗi người có một sở trường, và có lẽ cũng nên đi sâu, am hiểu vào một loại hình nào đó cụ thể. Đó là lý do mấy mươi năm qua, tôi cặm cụi nghiên cứu về Chèo để phát huy sở trường và làm dày cái vốn liếng của mình.
Từ đó tôi cũng đi sang các loại hình dân ca khác cũng dễ hơn. Không chỉ biết mà tôi cũng am hiểu khá nhiều về các loại hình dân ca khác. Với công việc Trưởng phòng Dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã biên tập hàng nghìn bài dân ca ở nhiều miền quê từ Quan họ, Cải lương, Tuồng, Ca trù, Chầu văn, ca Huế,…
Mới đây, nghệ thuật Chèo cũng đã lập hồ sơ để trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể. Với những tinh hoa của nghệ thuật Chèo như ông vừa chia sẻ, ông có nghĩ nghệ thuật Chèo nên được trình UNESCO sớm hơn?
– Trong buổi Hội thảo về Chèo tại Thái Bình cách đây không lâu tôi cũng đã từng chia sẻ. Nhưng nếu như UNESCO muốn lấy những lệ cổ, lấy những trích đoạn của những vở Chèo cổ chất lượng ngày xưa thì rất khó cho chúng ta làm hồ sơ. Sau cách mạng tháng Tám tới hiện tại, Chèo đã được chuyển hóa thành sân khấu. Những chiếu Chèo sân đình của ngày xưa hiện nay gần như không còn, có thì cũng chỉ là dựng lại, chứ chất cổ xưa đã không còn nữa rồi.
Những người diễn được lối chèo cổ hiện nay cũng không còn nữa, chỉ còn diễn theo lối chèo cổ của hiện đại. Chèo cổ của hiện đại là những tinh hoa của ngày xưa đã được gọt giũa, chắp nối và nâng cao rồi. Ví dụ có những vở Chèo cổ ngày xưa dài 2-3 tiếng nhưng sau đó gọt giũa, tinh chất qua nhiều các thế hệ chỉ còn khoảng vài chục phút. 7 vở Chèo cổ hiện nay cũng đã được gọt giũa rất nhiều. Những người diễn Chèo cổ hiện nay gần như cũng đã diễn, hát theo lối của Chèo cách mạng. Chỉ còn một vài nghệ nhân như NNND Bùi Văn Ro làng Khuốc còn giữ gìn được vài làn điệu, một vài lối diễn cổ.
Vậy nên hồ sơ trình UNESCO để ghi danh Chèo phải lập cái đang có, nếu lập cái đã từng có thì rất khó.
Tôi từng được nghe kể, cách đây nhiều năm, thời điểm ông bảo vệ luận văn thạc sĩ “Ca từ trong Chèo” – đề tài được đánh giá xuất sắc bởi ngoài tính nghiên cứu, lý luận thì đó là lĩnh vực chưa từng ai nghiên cứu. Khi ấy, TS Trần Đình Ngôn vô cùng ngạc nhiên và đặt câu hỏi nghi vấn “ai viết cho em” với ông? Câu chuyện này thực hư thế nào?
– Đây là câu chuyện thật cũng rất vui thôi. Hiện nay, TS Trần Đình Ngôn – thầy tôi vẫn đang còn sống nên tôi không dám bịa chuyện được. Khi ấy, thầy là người hướng dẫn tôi viết luận văn. Khi viết xong thì tôi mang tới cho thầy đọc. Thầy đọc 3 ngày mới xong và gọi tôi lên hỏi: “Em nói thật cho thầy, ai viết cái này?”.
Tôi tưởng thầy đùa thôi, chứ không biết thầy không nghĩ rằng tôi có thể viết xuất sắc như thế. Vậy nên thầy hỏi, tôi cũng nửa đùa, nửa thật trả lời thầy rằng: “Thưa thầy, ai có thể viết được cái này?”.
Tôi khẳng định thế vì ca từ trong Chèo, tôi biết chắc chắn, tôi đã nghiên cứu thật sự rồi. Có người nghiên cứu vấn đề này rồi nhưng sâu và kĩ như thôi thì chưa có. Bản thân tôi cũng cả đời đau đáu viết Chèo, từ bài ca lẻ tới các bài sân khấu.
Tôi cũng nửa đùa nửa thật nhưng khẳng định với thầy là vì thế. Nhưng điều đó cũng làm tôi rất tự hào và khi các thầy chấm luận văn, tôi được 9,3 điểm. Sau đấy, tôi được trích từng đoạn trong luận văn để đăng ở tạp chí Văn học nghệ thuật.
Ông là người tiên phong trong việc quảng bá dân ca trên mạng xã hội. Với loại hình nghệ thuật Chèo, ông đang quản lý rất nhiều các trang, hội nhóm trên mạng xã hội. Ông cũng là người sáng lập, tổ chức Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật Chèo toàn quốc” hằng năm. Ông thấy tình yêu của công chúng đối với loại hình nghệ thuật này thế nào?
– Trước đây chưa có mạng xã hội, chỉ có thể nghe qua đài hoặc băng đĩa thì có thể khó đong đếm, nhưng hiện tại có thể thấy rất rõ tình yêu của công chúng với loại hình nghệ thuật này rất mãnh liệt. Bằng chứng là kênh Youtube của tôi hiện nay có hơn 800 nghìn lượt theo dõi, fanpage cá nhân tôi cũng có số người theo dõi là hơn 200.000. Chưa kể tới hàng 30-40 các hội nhóm về Chèo tôi đang quản lý, mỗi nhóm có số lượng cả chục nghìn người.
Không chỉ với Chèo không thôi mà tôi thấy người yêu dân ca hiện nay cũng ngày một nhiều hơn. Các loại hình nghệ thuật đều có những hội nhóm, những lượt xem rất lớn trên mạng xã hội,…
Với những người trẻ, dân ca, âm nhạc cổ truyền của dân tộc đang tiếp cận và lan tỏa tới họ như thế nào thưa ông? Một điều mà hình như ông vẫn còn đang trăn trở là thế nào để đưa câu dân ca gần gũi hơn với họ?
– Nhiều người cho rằng các bạn trẻ hiện nay đang hơi thờ ơ với dân ca, âm nhạc cổ truyền. Tôi nghĩ đây cũng là điều tất yếu bởi vài lý do.
Tôi thấy hiện nay, hát ru cho trẻ nhỏ bằng câu dân ca gần như là không còn nữa. Cái nguồn sữa dân ca như mẹ ru con, bà ru cháu gần như là rất hiếm. Cũng rất ít nơi mà những câu dân ca hay âm nhạc cổ truyền được đưa vào trường học. Lớn lên rồi, những bề bộn cuộc sống bủa vây thì còn đâu thời gian để quan tâm tới dân ca nữa.
Nhưng có một điều tôi tin, khoảng ngoài 40 tuổi chẳng hạn, mọi thứ bắt đầu ổn định, người ta sẽ có thời gian để suy tư về quê hương. Hay những người xa quê mà nhận tin cha mẹ ốm yếu rồi thương cha nhớ mẹ. Tôi tin rằng, tới một thời điểm như thế, câu dân ca giống như một nguồn sữa mát, chữa lành các vết thương cho những người ở độ tuổi trung niên. Tôi đã gặp những trường hợp như vậy, tuổi trẻ không yêu, thờ ơ, nhưng tới tuổi trung niên, bắt gặp những giá trị gần gũi của dân ca âm nhạc cổ truyền thì lại mê, lại say đắm.
Vậy nên, câu dân ca nhất định phải bảo tồn và gìn giữ. Tôi cũng thường nói mấy cách có thể làm để các giá trị của câu dân ca nhanh chóng được lan tỏa. Chúng ta có thể đưa vào trường học; mở nhiều các cuộc thi liên hoan, sáng tác,… Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên dành nhiều thời gian hơn, tăng thời lượng cho các loại hình dân ca. Tất nhiên, đây không phải ngày một ngày hai dễ dàng mà phải cần thời gian. Có những thứ phải nhiều lần nghe mới ấn tượng, rồi dần ngấm. Nhưng quả thực đây cũng là điều hiện nay tôi và các đồng nghiệp cũng đang rất trăn trở!
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Leave a Reply