Đường đến động Người Xưa
Ông Phạm Phú Cường, cán bộ Vườn quốc gia Cúc Phương thông tin tới Dân Việt: “Từ bìa rừng Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) đi vào động Người Xưa khoảng 4km, và tiếp tục đi bộ trên cây cầu dài hơn 100m là đến khu vực núi đá vôi. Tại đây, người dân và du khách phải leo hơn 200 bậc đá để đến được cửa động”.
“Trong quá trình di chuyển, từ chân núi lên đến cửa hang động Người Xưa, mọi người có dịp tìm hiểu chứng kiến những điều khá kỳ lạ của thiên nhiên tại Cúc Phương. Đây là khu vực tập trung rất nhiều hệ thống cây leo, cây xẻ đá…”, ông Cường chia sẻ tới Dân Việt.
“Cửa động rộng khoảng 10m, cao khoảng 20m. Trong động có nhiều nhũ đá, khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng cồng, tiếng chiêng của người Mường”, ông Cường cho hay.
Theo ông Cường: “Động Người Xưa dài khoảng 300m, được chia làm 3 ngăn, cửa quay về hướng Tây Nam. Trong đó, ngăn ngoài cùng rộng, sáng và thoáng nên được người tiền sử chọn làm nơi sinh sống”.
Bộ xương người còn khá nguyên vẹn
Qua tìm hiểu, động Người Xưa là hang động khô mang đặc trưng của núi đá vôi. Trong động rất thoáng vì có một cửa hang ở trên đỉnh núi hút gió vào toàn bộ hang nên không khí ở đây rất dễ chịu.
Riêng trong hang tối, nhiều chỗ lối đi hẹp, vào thăm động phải chuẩn bị trước đèn pin, không dùng đuốc hay các nhiên liệu khác gây ô nhiễm và làm hư hại đến di tích. Điều đặc biệt, khách thăm động thường chuẩn bị hương, nến để vào thăm viếng tổ tiên.
Năm 1966, Viện khảo cổ Việt Nam phối hợp với Vườn quốc gia Cúc Phương, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Đức, đã tiến hành khai quật hang động này. Ngành khảo cổ đã thu được các loại rìu đá, mũi nhọn xương, dao cắt bằng đá, vỏ ốc và nhiều xương thú,…
Tại hang động Người Xưa đã phát hiện 3 ngôi mộ cổ với các bộ xương người đã hoá thạch còn khá nguyên vẹn. Bằng phương pháp các bon phóng xạ 14 các nhà khoa học đã xác định những bộ xương này cách ngày nay khoảng 7.500 năm.
Thi hài người chết được chôn trong tư thế nằm co, ở độ sâu 0,40m và 1,40m, xung quanh kè đã hộc, đáy lót đá dăm và xung quanh rắc thổ hoàng. Đây là lối cấu trúc mộ cổ lần đầu tiên phát hiện được trong các di chỉ thuộc nền văn hoá Hoà Bình, gợi lại những ý niệm sơ khai về tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy.
Được biết, trong 3 bộ hài cốt khai quật ở động Người Xưa thì 2 bộ hài cốt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Việt Nam, 1 bộ đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Cúc Phương.
Ba ngôi mộ cổ có cấu trúc độc đáo
Ba ngôi mộ cổ có cấu trúc độc đáo, xung quanh xếp đá hộc, đáy rải đá dăm, lại được quàn gần bếp lửa, phản ánh tâm lý muốn người chết luôn luôn gần gũi với mình, có mộ còn được rắc thổ hoàng để trang trí.
Ngăn giữa hẹp, tối và ẩm thấp không có dấu tích của người xưa, nhưng đặc biệt có rất nhiều dơi, chính vì vậy hang động này còn có tên là hang Đắng. Theo các nhà khoa học đã nhận định đây là hang động có số lượng loài dơi sinh sống nhiều nhất trên thế giới với 19 loài.
Ngăn trong cùng cũng tối và ẩm nhưng có hệ thống nhũ đá rất đẹp. Với những buồng cô dâu, mẹ bồng con và rất nhiều nhũ đá có hình thù muông thú. Đặc biệt ở đây có nhũ đá được ví như bộ đàn đá.
Ngoài động Người Xưa, tại Vườn quốc gia Cúc Phương còn phát hiện hang Con Moong, những di chỉ khảo cổ học gắn với người Việt cổ có niên đại cách ngày nay từ 7.000-12.000 năm.
Đặc biệt, di tích khảo cổ học hang Con Moong (con thú), thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, nằm trên địa giới hành chính huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hoá) có giá trị đặc biệt, nổi bật.
Hang Con Moong đang được các cơ quan hữu quan xây dựng hồ sơ để Chính phủ đề nghị Unesco công nhận Di sản văn hoá thế giới. Bên cạnh đó, trong vùng lõi khu rừng nguyên sinh đầy bí ẩn này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trên vách đá một hoá thạch rất rõ nét của một loài động vật cổ xưa có niên đại cách ngày nay khoảng 230 triệu năm…
Vườn quốc gia Cúc Phương đã và sẽ mãi là điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên và những giá trị văn hoá dân tộc. Tương tác, kết nối với cánh rừng qua hàng nghìn năm lịch sử còn phải kể đến các cộng đồng người dân bản địa, trong đó với trên 80% là đồng bào người dân tộc Mường.
Leave a Reply