Một câu nói trong phim “Mai” của Trấn Thành khiến nhiều phụ huynh… chột dạ

Bộ phim “Mai” của Trấn Thành đang làm mưa làm gió trên các rạp chiếu phim lẫn mạng xã hội trong suốt những ngày qua. Ngoài câu chuyện chính xoay quanh tình yêu của Mai và Sâu thì bộ phim còn nhắc mối quan hệ quan trọng khác là cha mẹ và con cái. 

Cụ thể, khi không đồng ý cho Sâu yêu Mai, bà Đào – mẹ của Sâu, đã la lên: “Tao đã hi sinh vì ai? Cả thanh xuân tao không dám yêu ai, không dám đến với ai, là vì ai?”. Sâu đã đáp lại mẹ: “Mẹ, con có yêu cầu mẹ làm như vậy không? Con có đòi hỏi thanh xuân của mẹ không? Sao phải bắt con chịu trách nhiệm?”.

Đây cũng là câu nói của không ít phụ huynh khi bắt con phải đứng ra gánh trách nhiệm các vấn đề của cha mẹ: “Vì đẻ con nên mẹ béo”; “Sao con không chịu học hành giỏi giang, con có biết nuôi con vất vả thế nào không?”; “Mẹ hi sinh mọi thứ để dành hết thời gian con, tại sao con lại như vậy”… 

Một câu nói trong phim
Một câu nói trong phim

Bà Đào phản đối tình yêu của Sâu và Mai. Ảnh: CMH

Chia sẻ với PV báo Dân Việt về câu nói này, NCS Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Tú Anh cho hay: “Trước khi phân tích, rất cần thiết hiểu rằng tất cả chúng ta khi đến tuổi trưởng thành thường luôn mang theo bên mình “hành trang” (baggage) của tuổi thơ. “Hành trang” này bao gồm: tất cả những trải nghiệm tuổi thơ, cách người chăm sóc (cha mẹ, ông bà) đã nuôi dạy và đối xử, những trải nghiệm đã có cả chủ động lẫn bị động, những nỗi ấm ức, những cảm xúc khó khăn, những ước mơ và hoài bão hoặc những quyết tâm muốn thay đổi tương lai, những kỳ vọng, mong đợi mà chính cha mẹ đã đặt lên.

Cái “baggage” truyền từ đời cha mẹ lên đời con có thể thấy được qua các mối quan hệ máu mủ trong phim này:

– Cha Mai và Mai: baggage nghiện ngập cá độ và nợ nần từ đời cha, buộc con mình phải trả thay bằng chính mồ hôi máu thịt đau đớn của con.

– Mai và Bình Minh: baggage cuộc đời bị mất tự do của Mai nên Bình Minh được sống tự do với giới tính với con đường nghệ thuật mà con muốn.

– Bà Đào và Sâu: một vài người gọi điều bà làm là “thao túng tâm lý” Sâu nhưng tôi nhận thấy baggage của bà là nhu cầu chứng tỏ sức mạnh và vị trí, giá trị và sức nặng lời nói/quyết định của bà lên mọi người. Bà điều hành căn nhà có người chị Mami của Sâu, có cháu mình quản lý quán bar, bảo Mai phải “yêu đi” và quản lý cuộc đời của Sâu. Có lẽ cuối cùng là để chứng tỏ cho sức mạnh mà bà luôn cần có bên mình.

Sự thật là cha mẹ không sở hữu hay có quyền kiểm soát mãi mãi với đứa trẻ ấy. Khi sinh ra một đứa trẻ trên đời này, nhiệm vụ của cha mẹ là nuôi – dưỡng – dạy – bảo để sau 18-20 năm, đứa trẻ ấy sẵn sàng để rời xa. Mang một đứa trẻ tới cuộc đời này, trong 1-3 năm đầu, cảm giác có con luôn quấn quít bên mình thật ấm áp, nhưng đứa trẻ đó không thuộc quyền sở hữu hay là một tác phẩm mà cha mẹ toàn quyền “nặn” ra. 

Cha mẹ chỉ có nghĩa vụ làm sao để giúp con trưởng thành và có khả năng tự lập và sống tự chủ. Khi con trưởng thành và độc lập, cha mẹ vẫn có thể sống cuộc đời của cha mẹ (mà không lệ – phụ thuộc vào con). Ngược lại, khi đó cha mẹ và con có thể trở thành những người bạn lớn – nhỏ chia sẻ về cuộc sống với nhau. Đây chính là các giới hạn lành mạnh trong mối quan hệ tình cảm gia đình. 

Trách nhiệm làm cha mẹ và trách nhiệm làm con cái không có nghĩa là hoà tan hai cuộc sống riêng của 2 cá nhân trưởng thành vào nhau. Trong phim, mẹ Sâu đã giúp đứa con 30 tuổi của mình trưởng thành một cách lành mạnh chưa?

Với tình huống trong phim, người mẹ cho rằng bà đã hi sinh cả thanh xuân vì con trai (hay nói cách khác là những sự thoả hiệp bất công đối với các nhu cầu riêng của bản thân bà, vì quá nhiều gánh nặng và trách nhiệm cuộc sống). Theo truyền thống văn hoá Á Đông, việc con cái phải hiếu thảo với cha mẹ đôi khi được hiểu là con phải thực hiện được đúng các nguyện vọng và ước mơ mà cha mẹ đã đặt lên. 

Một câu nói trong phim

NCS Tiến sĩ Tâm lý Nhi Nguyễn Tú Anh. Ảnh: NVCC

Trong trường hợp của phim này, người con trai nếu biết thương mẹ thì ĐƯƠNG NHIÊN phải có trách nhiệm với những sự hi sinh của bà, đồng nghĩa với việc con cần phải HI SINH việc riêng tình cảm riêng của con – vì mẹ, nếu cần thiết. Như vậy mới là hiếu thuận với người mẹ. 

Câu hỏi đặt ra: ai khiến và ai buộc người mẹ này quyết định phải hi sinh thanh xuân của bà? Là em bé Sâu của nhiều chục năm về trước yêu cầu bà làm vậy hay là chính các “hành trang”/gánh nặng tâm lý mà chính người mẹ đã tự có trong tiềm thức (tuổi thơ, trải nghiệm cá nhân, và cả các định kiến xã hội) mà bà không tự nhận ra? Chỉ khi xảy ra xung đột với chính đứa con máu mủ của mình, cách thuận tiện nhất là gắn tất cả mọi lý do vào cụm từ “sự hi sinh của người mẹ VÌ CON mình”?

Tuy nhiên, với suy nghĩ riêng của tôi, điểm chính nằm ở cách chúng ta giao tiếp: cách lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt và thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình qua câu từ, sẽ khiến mọi tình huống trở nên khác đi. 

Với cách nói dùng “sự hi sinh”, ẩn ý của câu nói là: “Hãy vì mẹ mà chia tay người bạn gái đó đi”. Còn nếu không “vì mẹ” mà để cho đứa con hiểu rằng: “này, hãy vì tương lai của con, tương lai của cô ấy, thì mối quan hệ này nên như thế nào…”. Với cách giao tiếp và suy nghĩ này, giới hạn lành mạnh và trách nhiệm lành mạnh trong các mối quan hệ có thể sẽ được phân định một cách rõ ràng hơn. 

Tâm lý chung là bà mẹ nào cũng sẽ trải qua các giây phút xúc động, rưng rưng, thậm chí nghẹn ngào trong suốt hành trình làm cha mẹ và phải dần dần “nới lỏng” sợi dây “rịt” con bên mình để dần buông con ra cho con lớn lên. Đôi khi hành trình mẹ lớn lên và con lớn lên này sẽ xảy ra mâu thuẫn. Và khi mâu thuẫn xảy ra một cách bản năng nhiều người sẽ tìm cách “blaming” / đổ thừa. Và blaming vào sự hi sinh vì con mà mẹ phải thiệt thòi thế này mất mát thế kia là sự đổ thừa dễ dồn đứa trẻ vào chỗ thua cuộc đầu hàng nhất.

Tâm lý chung là có trải qua chút cảm giác khó khăn đó nhưng mỗi người mẹ có cách hành xử khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ trưởng thành giữa họ và con. Có những cặp mẹ con khi trưởng thành vẫn làm bạn với nhau và những cặp thì rời xa nhau (về mặt cảm xúc) càng xa càng tốt. Và đứa trẻ lại tiếp tục mang “hành trang” đó vào cuộc đời trưởng thành và làm cha mẹ của mình”.

Tôi tin rằng cha mẹ nào cũng thương con, cha mẹ nào cũng có ý định tốt dành cho con của mình. Nhưng, một trong những thách thức mà chính các bậc cha mẹ cần phải học được và trải qua trong hành trình phát triển bản thân trong vai trò làm cha mẹ chính là xây dựng mối quan hệ lành mạnh với những giới hạn lành mạnh, mong đợi và kỳ vọng lành mạnh, lẫn những sự tự do lành mạnh để con mình có thể trưởng thành một cách tự lập, tự do và dám tự chịu trách nhiệm cuộc đời mình.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *