Cách đất liền hơn 460km, giữa vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những lời thề son sắt được các chiến sĩ xướng lên thật oai hùng.
Lễ diễu binh giữa biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Tàu KN491 chở theo 200 thành viên Đoàn công tác số 19 – Quân chủng Hải quân cập bến cảng đảo Trường Sa (đây là thị trấn Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Trường Sa “đón” đoàn chúng tôi với cái nắng không quá gắt nhưng cũng đủ để các thành viên trong đoàn cảm nhận được cái nắng, cái gió Trường Sa. Bước chân xuống bến cảng, chạm vào mắt mọi người là lá cờ đỏ sao vào tung bay trong gió cùng với Quốc huy được đặt trang trọng ngay trên cổng chính của đảo… Các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo tự lúc nào đã nghiêm trang đội hình. Các lực lượng đang chuẩn bị cho lễ duyệt binh tại huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Dưới ánh nắng vàng của Trường Sa, bài hát Tiến quân ca vang lên cũng là lúc các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo cùng với hàng trăm đại biểu của đoàn công tác đứng nghiêm trang, mắt hướng về lá cờ Tổ quốc thực hiện nghi thức chào cờ.
Sau nghi thức chào cờ, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo nghiêm trang tuyên thệ. Đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng ở đảo Trường Sa, thượng úy Mạnh Lộc Tuấn đã thay mặt cho các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo hô vang 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Trường Sa vì cả nước” – quân và dân đảo Trường Sa chào tạm biệt đoàn công tác. “Cả nước vì Trường Sa” – các thành viên đoàn công tác trên tàu KN 491 đáp lại. “Trường Sa vì Tổ quốc” – “Tổ quốc vì Trường Sa”, đó là những lời chào và lời đáp đầy xúc động của quân dân đảo Trường Sa và đoàn công tác.
“Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xin thề”; “Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề”… Mỗi khi thượng úy Mạnh Lộc Tuấn tuyên thệ xong một lời thề, tất cả các lực lượng ở các binh chủng đều đồng thanh hô “Xin thề”. Những âm thanh hào hùng đó thể hiện khí phách, sức mạnh của lực lượng vũ trang cũng như tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí sắt đá để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngay sau nghi thức tuyên thệ, đội danh dự với Quân kỳ Quyết thắng đã duyệt binh, đi qua lễ đài trước cờ Tổ quốc và cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.
Sau đó là các đơn vị diễu hành qua lễ đài với hàng ngang, hàng dọc thẳng tắp. Với những ánh mắt cương nghị, quân dung nghiêm trang, những bàn chân của các chiến sĩ đồng loạt vung cao rồi dập mạnh trên nền đường tạo nên âm thanh vừa hào hùng vừa mạnh mẽ.
Chứng kiến những giây phút ấy, nhà văn Niê Thanh Mai – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk, thành viên của đoàn công tác không khỏi bồi hồi, xúc động, chia sẻ: “Đó là cảm xúc mà tôi chưa bao giờ được có, được trải qua. Cảm xúc rất thiêng liêng, hào hùng, gần gũi và rất đỗi tự hào”.
Đêm giao lưu lắng đọng ở Trường Sa
Cuộc giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác số 19 và quân, dân trên đảo sẽ diễn ra vào buổi tối, ngay tại chân cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa – một sự kiện mà các thành viên đoàn công tác cùng quân và dân trên đảo Trường Sa rất mong chờ.
Từ chiều, trên loa phát thanh của đảo đã phát thông tin về buổi giao lưu văn nghệ; còn ở khu vực cột mốc chủ quyền, loa, đài, bàn ghế đang được chuẩn bị, xếp hàng thẳng tắp. Ban tổ chức đã dựng một chiếc phông xanh sau cột mốc chủ quyền, trên phông xanh nổi bật dòng chữ “Giao lưu văn nghệ, hành khúc chiến sĩ Trường Sa”.
Đúng 19 giờ, tổ văn nghệ xung kích của Đoàn công tác số 19 đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định đã bắt đầu chương trình giao lưu với những “khán giả đặc biệt” bằng nhiều tiết mục đặc sắc. Nghệ sĩ Phương Ninh của nhà hát chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, rằng trước chuyến đi chị rất sợ việc bị say sóng, nhưng khi được đứng ở các điểm đảo, nhà giàn để hát cho các chiến sĩ cùng người dân nghe, được giao lưu, trò truyện cùng với mọi người ở khung cảnh đặc biệt như thế, chị lại rất khỏe và tỉnh táo để đem lời ca, tiếng hát của mình phục vụ quân và dân.
Về phía quân và dân trên đảo Trường Sa, các em nhỏ, các chiến sĩ cũng mang đến cho buổi giao lưu những tiết mục rất ý nghĩa. 6 em nhỏ là công dân của đảo Trường Sa trong trang phục áo cờ đỏ sao vàng đã gửi tặng bài hát “Quê em ở Trường Sa” với giọng ca rất ngọt ngào, trong trẻo. “Quê em ở Trường Sa, những đảo chìm đảo nổi. Quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la. Sinh ra ở Trường Sa em là con của biển, những chuyến tàu yêu thương mang hơi ấm đất liền” – tốp ca thiếu nhi đã “đốn tim” khán giả bằng những câu hát mở đầu như thế.
Tiếp tục “đãi khách”, tiết mục nhảy dân vũ của các chiến sĩ trong đội văn nghệ xung kích của đảo Trường Sa cũng gây sự hào hứng, cổ vũ nồng nhiệt của người xem. Trên nền nhạc bài hát “Tổ quốc gọi tên mình”, các chiến sĩ nhảy dân vũ với những động tác khoẻ khoắn, mạnh mẽ theo cách riêng mà chỉ lính Trường Sa mới có. Hình ảnh các chiến sỹ đặt tay lên trái tim khi lời hát “Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng. Ngọc đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Biết bao triệu mỗi người thao thức tiếng Việt Nam. Biết bao triệu người lấy thân mình che chở…” đã khiến tất cả mọi người bồi hồi, tim như nghẹn lại.
Kết thúc buổi giao lưu với bài hát “Nối vòng tay lớn”, các chiến sỹ cùng các nghệ sỹ, người dân, các thành viên đoàn công tác đã hoà vào làm một. Tất cả cùng nhau tạo thành một vòng tròn lớn rồi hát những lời hát đầy gắn bó giữa vùng biển đảo mênh mông của Tổ quốc.
Hơn 21 giờ cùng ngày, tàu KN 491 chở 200 thành viên đoàn công tác đã hú 3 hồi còi chào cảng, chào đảo Trường Sa để tiếp tục rẽ sóng đến với các điểm đảo, nhà giàn tiếp theo. Ở trên bờ, quân và dân đảo Trường Sa đứng thành 2 hàng vẫy tay chào. Lời các bài hát “Vì nhân dân quên mình”, “Khúc quân ca Trường Sa”, “Hát mãi khúc quân hành” được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa cất lên cũng là lúc tàu KN 491 từ từ rời cầu cảng. “Biển này là của ta! Đảo này là của ta! Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua” – các chiến sĩ đứng trên đảo hát vang và các thành viên đoàn công tác cũng cất lời theo.
“Trường Sa vì cả nước” – quân và dân đảo Trường Sa chào tạm biệt đoàn công tác. “Cả nước vì Trường Sa” – các thành viên đoàn công tác trên tàu KN 491 đáp lại. “Trường Sa vì Tổ quốc” – “Tổ quốc vì Trường Sa”, đó là những lời chào và lời đáp đầy xúc động của quân dân đảo Trường Sa và đoàn công tác.
Leave a Reply