Không chủ quan với nguy cơ do chấn thương sọ não ở trẻ nhỏ

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa phẫu thuật cấp cứu thành công cho bệnh nhi 7 tuổi bị chấn thương sọ não nguy kịch do tai nạn giao thông. 

Đáng chú ý, trẻ nhập viện trong tình trạng tri giác tỉnh hoàn toàn, đau đầu kèm sưng nề bầm tím vùng mặt, nhãn cầu phải lồi nhẹ sau tai nạn giao thông. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não có tụ máu ngoài màng cứng vùng trán thái dương phải (chỗ đo dày nhất 27mm, đè đẩy vào nhu mô não lân cận, não thất bên phải, đường giữa lệch trái 4mm); vỡ xương trán – thái dương phải, thành trên và trong ổ mắt phải. 

Căn cứ kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng các bác sĩ đánh giá tiên lượng gần về khả năng máu tụ có thể tăng lên nhanh chóng.

Sau khi nhập viện khoảng 2 tiếng, tri giác bệnh nhi bắt đầu giảm điểm, bệnh nhi được chỉ định chụp Ctscanner sọ não lần 2 đánh giá tiến triển tổn thương. Kết quả phim chụp máu tụ tăng lên nhiều so với phim chụp ban đầu. 

Các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa Ngoại thần kinh – Nhi – Gây mê hồi sức. Kết luận hội chẩn liên khoa với chẩn đoán: Chấn thương sọ não tụ máu ngoài màng cứng trán thái dương phải, vỡ trán – thái dương phải, tiên lượng nặng, và được chỉ định can thiệp phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ, cầm máu. 

Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu, lấy bỏ toàn bộ khối máu tụ, cầm máu, đặt dẫn lưu.

img

Trẻ bị chấn thương sọ não điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy

Bác sĩ Khúc Văn Trung, khoa Ngoại Thần kinh – Lồng ngực, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Chấn thương sọ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở trẻ em. Với các thương tổn lần lượt bao gồm các tổn thương ở da đầu, hộp sọ và não tương đương với chấn thương ở người lớn nhưng khác nhau về sinh lý bệnh và cách xử trí. 

Sự khác biệt là do sự thay đổi cấu trúc liên quan đến tuổi tác, cơ chế chấn thương, đặc điểm thể chất và sự khó khăn trong việc đánh giá thần kinh ở trẻ em. Da đầu có nhiều mạch máu và có thể là nguyên nhân gây mất máu nguy hiểm.

Dù mất một lượng máu nhỏ cũng có thể dẫn đến sốc mất máu ở trẻ sơ sinh, và trẻ mới biết đi, và tình trạng đó có thể xảy ra mà không có chảy máu bên ngoài rõ ràng.

Trường hợp bệnh nhi này, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật nhanh nhất, ngay sau khi đặt ra chỉ định can thiệp để loại bỏ khối máu tụ, cầm máu hạn chế tổn thương thần kinh thứ phát. 

Yêu cầu đặt ra cho ca phẫu thuật cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chính xác của các chuyên khoa Ngoại, gây mê hồi sức. Hậu phẫu cần có sự phối hợp của chuyên khoa hồi sức tích cực nhi khoa để an thần thở máy và hồi sức tích cực sau mổ”. 

Theo bác sĩ Trung, chấn thương sọ não ở trẻ thường xảy ra do tai nạn trong sinh hoạt hoặc giao thông. Chấn thương sọ não ở trẻ em xảy ra khi có một tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào đầu trẻ dẫn tới các tổn thương tùy thuộc vào cường độ va chạm. 

Các hình thức chấn thương sọ não ở trẻ thường gặp như:

Chấn động não: đây là mức độ nhẹ nhất, bệnh nhân chỉ bị chấn động não do lực va đập nhẹ và có thể hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn.

Nứt sọ: Đây là tình trạng đầu bị va đập tương đối mạch làm nứt phần xương sọ.

Dập não: là tình trạng va đập mạnh hơn gây tổn thương nặng nề đến tổ chức não bên trong hộp sọ.

Tụ máu các loại: là tình trạng va đập rất mạnh làm tổn thương và đứt các mạch máu bên trong họp sọ và não gây chảy máu tạo máu tụ. Tình trạng này bắt buộc phải phẫu thuật lấy máu tụ kịp thời nếu chậm người bệnh sẽ tử vong.

“Khi nghi ngờ bé bị chấn thương sọ não hoặc sau té ngã bé bất tỉnh cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chụp CT-Scan sọ não. Tùy theo kết quả thăm khám và hình ảnh học các bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp”, bác sĩ Trung nói. 

Theo bác sĩ Trung, với các trường hợp nhẹ, bé có thể được theo dõi tại nhà kèm theo dặn dò về các dấu hiệu trở nặng ba mẹ cần theo dõi: quấy nhiều, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, co giật, chảy dịch máu hay dịch trong ở tai, mũi, yếu liệt,… Khi có một trong các dấu hiệu trên cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.

Với các trường hợp nặng, bé cần nhập viện theo dõi điều trị hay phẫu thuật điều trị và hồi sức chuyên sâu với sự phối hợp đa chuyên khoa trong và sau ra viện. 

“Việc phẫu thuật cấp cứu kịp thời, thành công đem lại cơ hội sống sót cho trẻ. Khâu hồi sức tích cực cho bệnh nhi rất cần thiết để theo dõi sát tình trạng, đảm bảo chỉ số sinh tồn ổn định, giảm tối thiểu những biến chứng có thể xảy ra liên quan đến hô hấp, tim mạch, nhiệt độ, thần kinh như: tăng áp lực nội sọ, tổn thương thứ phát do thiếu oxy não, phù não, giảm thông khí do ức chế thần kinh hô hấp, liệt hô hấp, tụt huyết áp do chảy máu qua vết mổ, qua dẫn lưu, hạ thân nhiệt đột ngột sau mổ, nhiễm khuẩn hậu phẫu…”, bác sĩ Bùi Đình Phóng, khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy nhận định. 

Triệu chứng trẻ bị chấn thương sọ não

Theo các bác sĩ, trẻ dễ bị ngã, va đập, tuy nhiên không phải lúc nào các triệu chứng chấn thương sọ não rõ ràng. Do đó, việc nhận biết triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ nhỏ để thăm khám, điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ tránh những biết chứng nặng nề.

Theo bác sĩ Phóng, triệu chứng chấn thương sọ não ở trẻ em có diễn biến tương đối phức tạp, có thể không xuất hiện ngay lập tức. Với những trẻ nhỏ chưa biết nói sẽ rất khó để nhận biết các biểu hiện, còn trẻ lớn có thể không mô tả chính xác những gì trẻ cảm thấy. 

Các triệu chứng chấn thương có thể kéo dài trong vài ngày, vài tuần hoặc lâu hơn, sau khi va đập mạnh, hoặc bị tai nạn, té ngã khiến vùng đầu bị tổn thương. 

Bác sĩ Phóng cho biết, khi trẻ bị chấn thương sọ não có thể gặp các dấu hiệu sau:

– Ngay sau ngã, trẻ bất tỉnh hơn 1 phút.

– Sau chấn thương, trẻ thường quấy khóc, đôi khi vật vã hoặc lừ đừ, rên rỉ và bỏ bú.

– Nhiều trẻ ngay sau khi ngã vẫn tỉnh táo nhưng sau đó một thời gian lại xuất hiện những dấu hiệu tri giác bất thường như ngủ nhiều, lơ mơ, tiếp xúc kém hoặc bất tỉnh hoàn toàn.

– Trẻ có thể buồn nôn hay nôn trên 5 lần trong một thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ sau khi ngã (mà trước đó trẻ bình thường), kể cả không ăn uống gì.

– Thóp của trẻ sau một thời gian chấn thương bị phồng, căng lên, kèm theo vẻ mặt xanh xao và than đau đầu.

– Trẻ bị chấn thương nhiều nơi, có máu chảy nhiều.

– Trong một số trường hợp, lỗ tai hay lỗ mũi trẻ có thể bị chảy máu hoặc chảy dịch trong vài giờ hay vài ngày sau tai nạn.

“Tùy vào tổn thương sọ não ở vị trí nào, chấn thương sọ não ở trẻ em sẽ để lại di chứng hoặc không. Trường hợp chấn thương rất nặng có thể gây ra di chứng động kinh hoặc yếu, liệt không hồi phục… Do đó, khi con bị ngã, va đập mạnh phần đầu, cha mẹ cần đưa con đi khám để phát hiện chấn thương sọ não kịp thời. Nếu chưa đưa con đi khám cũng cần theo dõi con để nhận biết các triệu chứng chấn thương sọ não nói trên”, bác sĩ Phóng cảnh báo. 


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *