Đường sắt tốc độ cao phải dự báo được nhu cầu
Chia sẻ về đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ GTVT đã phối hợp với nhiều đoàn công tác của Chính phủ các bộ, ngành, chuyên gia, các cơ quan liên quan đi tham khảo học hỏi kinh nghiêm từ các nước đã xây dựng đường sắt tốc độ cao.
“Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có tuyến đường sắt tốc độ cao. Tại Trung Quốc, họ đã mất tới 10 năm họp bàn nghiên cứu tìm hiểu để làm đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh – Thượng Hải”, Thứ trưởng Huy chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Huy, trước khi Trung Quốc đầu tư đường sắt tốc độ cao, họ đã họp bàn nhiều lần, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đơn vị liên quan để ghi nhận và liệt kê hết các ý kiến. Có chuyên gia đưa ra ý kiến đầu tư đường sắt với tốc độ chạy tàu 250km/h, nhưng có ý kiến khác tàu phải chạy 350km/h, hay tàu chuyên chở hành khách và chở hàng,… Ông Huy cho biết, tất cả những ý kiến như vậy đều được Trung Quốc liệt kê cụ thể sau đó họ tổng hợp và phân tích.
“Sau 10 năm họp bàn cân đo đong đếm, Trung Quốc quyết định đầu tư đường sắt tốc độ cao với vận tốc chạy tàu 350km/h. Khi làm việc với phía Trung Quốc, tôi có hỏi tại sao thể? Thì nhận được câu trả lời, quan trọng nhất là phải dự báo được nhu cầu vận tải”, Thứ trưởng nói.
Qua đó, Thứ trưởng Huy nhấn mạnh: “Đầu tư đường sắt tốc độ cao cần phải dự báo được nhu cầu vận tải trong nước. Chúng ta phải tính toán chi phí logistics vận tải như thế nào?. Dựa vào phương thức vận tải nào có lợi thế hơn thì chúng ta sẽ phát huy phương thức vận tải đó”.
“Hiện nay, chúng ta đang tập trung về câu chuyện vận tải hàng hóa hay hành khách. Do đó, cần phải xem xét kỹ vận tải hàng hóa thông qua đường sắt hay hàng hải có chi phí rẻ hơn”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, đối với đường sắt xuyên lục địa theo hành lang Đông – Tây, đường sắt có chi phí rẻ nhất. Do vậy, tuyến đường sắt Đông – Tây được quy hoạch để chở hàng, nhưng Bắc – Nam lại không quy hoạch như vậy.
Đường sắt tốc độ cao có giá vé mức trung bình vé máy bay
Liên quan đến ý kiến cho rằng, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ngoài chở hành khách, cần thêm đối tượng là hàng hóa. Thứ trưởng Huy chia sẻ, khi ở trong hoàn cảnh nhất định vẫn cần phải chở hàng, tình huống khẩn cấp sẽ không chở khách mà chuyển sang chở hàng hóa.
Như vậy, sẽ tính toán tới phương án có lúc phải dừng vận tải hành khách để chở hàng hóa. Tuy nhiên, mục tiêu chính của đường sắt tốc độ cao vẫn là vận tải hành khách.
Về giá vé đi tàu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, sẽ được tính theo tỷ lệ trung bình của giá vé máy bay. Theo đó, giá vé tàu đường sắt sẽ bằng các mức trung bình của vé máy bay. Mức trung bình của vé máy bay được tính toán dựa trên giá vé của hai hãng bay phổ thông nhất là Vietjet và Vietnam Airlines.
“Để người dân có thể đi tàu đường sắt tốc độ cao, chúng tôi sẽ chia thành 3 hạng vé: Hạng vé thương gia có giá tương đương với vé máy bay thương gia phục vụ người có nhu cầu chất lượng cao; Hạng vé thứ 2 có giá tương đương 0,75% giá trung bình vé máy bay; Hạng vé thứ 3 có giá 0,45% giá vé trung bình của vé máy bay. Chúng tôi định hình ra từng hạng vé để người dân dễ tiếp cận, Thứ trưởng Huy nói.
Có quan điểm cho rằng, khoảng cách các ga 30km – 50km, trong khi đó tàu đường sắt tốc độ cao chạy với vận tốc 350km/h, điều này dẫn tới tình trạng “chạy chưa hết tốc độ đã dừng”. Thứ trưởng Huy thông tin, việc tổ chức chạy tàu không phải như quan điểm trên.
Ông Huy làm rõ: Tàu đường sắt tốc độ cao sẽ chạy xen kẽ nhau. Chẳng hạn, có 2 đoàn tàu chạy từ Hà Nội vào tới Đà Nẵng, sẽ có tàu dừng ở Hà Nam và tàu còn lại sẽ dừng ở Ninh Bình (tức là tàu sẽ dừng xen kẽ giữa các ga – PV).
“Bình quân giữa các điểm dừng khoảng 100km, nếu lượng khách đông có thể chạy 60 tàu/1 tiếng. Trên toàn tuyến đường sắt tốc độ cao với chiều dài hơn 1.500km có tới 24 nhà ga”, Thứ trưởng Huy nói về tổ chức chạy tàu.
Ngày 11/7, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận là phải đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược, hiện đại, hiệu quả theo đúng tinh thần Kết luận 49.
Theo đó, chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam có đầy đủ cơ sở chính trị (Kết luận 49 của Bộ Chính trị), cơ sở pháp lý (Nghị quyết số 103 của Quốc hội) và cơ sở thực tiễn (nhu cầu vận tải rất lớn, nhất là vận tải hành khách theo trục Bắc-Nam, chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với thế giới, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ).
Thủ tướng yêu cầu mục tiêu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Leave a Reply