Hành động “lạ” của người đàn ông nghi ngờ “nuôi con tu hú”

Từng nhiều năm làm công tác xét nghiệm ADN, đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, hiện là cố vấn cao cấp tại GENTIS vẫn nhớ câu chuyện một gia đình đang hạnh phúc, con cái trưởng thành suýt đứng ngưỡng cửa tan vỡ hôn nhân. 

Đó là câu chuyện ông Hùng có 2 người con trai đều đã học xong đại học và đi làm. Con trai đầu tên Hoàng (25 tuổi) và con trai út tên Huy (23 tuổi). Cả hai đứa con của ông đều rất ngoan nên vợ chồng ông rất tự hào về con.

Xét nghiệm ADN: Hành động

Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, hiện là cố vấn cao cấp tại GENTIS đang kiểm tra kết quả xét nghiệm ADN. Ảnh: GENTIS

Một lần nọ, ông Hùng tình cờ xem được kết quả khám sức khỏe của hai con. Kết quả cho thấy mọi chỉ số đều bình thường, nhưng chỉ có kết quả máu là “bất thường”. 2 đứa con của ông Hùng một đứa nhóm máu A, một đứa nhóm máu O. Trong khi đó, ông nhóm máu A và vợ nhóm máu B.

Khi phát hiện ra nhóm máu của hai con khác nhau, ông Hùng đã suy nghĩ rất nhiều. Trong lòng bồn chồn không yên, ông nghi ngờ một trong hai đứa có thể không phải con ông và khả năng có thể ông là người “nuôi con tu hú”. Vì sau khi sinh xong đứa con đầu, hai vợ chồng ông có khoảng thời gian không hoà hợp. Khi có đứa con thứ 2 thì vợ chồng ông mới hòa thuận hơn.

Việc 2 đứa con khác nhóm máu nhau khiến cho thời gian gần đây gia đình ông có mâu thuẫn. Vợ chồng lời qua tiếng lại và ông Hùng muốn xét nghiệm ADN 2 đứa con, nhưng vợ ông thì cứ khóc nói ông “thất đức, con của mình mà nhìn không ra”. Thậm chí, có thời điểm vợ chồng đứng trước ngưỡng cửa tan vỡ gia đình vì lý do này.

Để giảng hòa cho bố mẹ, 2 con của ông Hùng đã bàn với bố cùng đi làm xét nghiệm ADN và người nhận kết quả là bố. Kết quả 2 hai anh em Hoàng và Huy đều là con trai ruột của ông Hùng. Khi được chuyên gia về di truyền tư vấn, giải thích, ông Hùng cảm thấy hối hận vô cùng vì đã nghi oan cho vợ. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, ông ngượng ngùng xé bỏ và xin lỗi hai con.

Đại tá Hà Quốc Khanh cho hay, với bất kể ai khi thấy nghi vấn về vấn đề huyết thống đều có những băn khoăn, lo lắng nhất định. Việc anh em ruột có thể không trùng nhóm máu điều này đã được chứng minh qua quy luật Mendel về di truyền học trong hệ thống nhóm máu.

Theo quy tắc trên, nhóm máu của bố mẹ kết hợp có thể tạo ra những nhóm máu khác nhau ở đời con. Do đó, nếu gia đình có hai con thì các con có thể mang nhóm máu khác nhau. Tuy nhiên, cũng có trường hợp các con có cùng nhóm máu với nhau và cùng nhóm máu với bố mẹ.

Theo ông Khanh, anh chị em ruột không cùng nhóm máu là điều bình thường. Đồng thời, chỉ dựa vào nhóm máu để xác định quan hệ huyết thống là chưa đủ cơ sở. Để biết chính xác nhất vẫn nên đi xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, anh chị em ruột chắc chắn sẽ mang cùng một nhóm máu với nhau. 

Cụ thể, trường hợp 1: Cả bố và mẹ đều cùng nhóm máu O; Trường hợp 2: Sinh đôi cùng trứng; Trường hợp 3: Bố, mẹ có cùng nhóm máu A và cùng kiểu gen AA, hoặc bố mẹ cùng nhóm máu A, bố có kiểu gen AA và mẹ có kiểu gen AO. Trong trường hợp này, các anh chị em ruột sẽ có nhóm máu giống nhau là nhóm A. 

Nguyên nhân là vì kiểu gen của con sẽ nhận mỗi bên bố mẹ 1 alen A tạo kiểu gen AA hoặc nhận ở bố 1 alen A, ở mẹ 1 alen A hoặc O tạo kiểu gen AA hoặc AO đều cho nhóm máu A. Tương tự với trường hợp bố mẹ có cùng nhóm máu B.

Từ trường hợp trên, ông Khanh khuyên các cặp vợ chồng nếu có nghi hoặc nhau hãy bình tĩnh xử lý mọi việc. Tránh vì nghi ngờ lẫn nhau dẫn đến tan vỡ gia đình, ảnh hưởng tâm lý con cái.

*Tên nhân vật đã được thay đổi!


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *