Sáng 15/7, trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) Phạm Xuân Vinh cho biết, sau thành công của mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất rau và trồng cây su su tại thảo nguyên Bùi Hui, xã Ba Trang.
Hiện chính quyền huyện đã có chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc, xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển nhân rộng diện tích những cây trồng này.
Một góc mô hình trồng bắp cải ở thảo nguyên Bùi Hui, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Văn Tân.
Được biết, vào khoảng giữa tháng 4/2024, sau 6 tháng triển khai, huyện Ba Tơ đã tổ chức tổng kết mô hình ứng dụng phân hữu cơ Nano trong sản xuất rau và trồng cây su su tại thảo nguyên Bùi Hui, thôn Bùi Hui, xã Ba Trang.
Trên diện tích 9.000m2, huyện Ba Tơ thực hiện trồng 3 loại rau, củ có nguồn gốc xứ lạnh, gồm bắp cải, súp lơ, cây su su. Trong số này, riêng súp lơ khoảng 3.000m2/4 hộ tham gia; cây su su 6.000m2/5 hộ tham gia.
Tổng kinh phí để thực hiện mô hình gần 94 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 88 triệu đồng, phần còn lại của người dân góp vốn. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đại diện chính quyền huyện Ba Tơ cho biết, để mô hình đạt kết quả đề ra, địa phương yêu cầu số hộ tham gia, tuân thủ chặt những yêu cầu về kỹ thuật trong các khâu, như sử dụng phân hữu cơ Nano để bón.
Ngành chức năng khuyến cáo thêm, tuyệt đối không sử dụng các loại phân chuồng chưa ủ; thường xuyên vệ sinh vườn rau; sử dụng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh hợp lý.
Một vấn đề đáng chú ý khác, đó là mỗi hộ gia đình phải có một cuốn sổ ghi chép đầy đủ quá trình sản xuất, ghi rõ số lượng và loại giống; ngày gieo, lượng phân bón, ngày bón, ngày thu hoạch… để thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Cán bộ huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) kiểm tra mô hình triển khai tại thảo nguyên Bùi Hui. Ảnh: Văn Tân.
Nhờ tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn của huyện, nên số hộ tham gia trồng bắp cải, súp lơ, cây su su của mô hình, đã thực hiện tốt chăm sóc phần diện tích đã trồng của gia đình.
Nhờ vậy dù gieo trồng vào thời điểm không thuận lợi nhưng 100% bắp cải, súp lơ, cây su su và kết quả thu hoạch mang lại đều cho năng suất khá, với lợi nhuận mang về được trên 20 triệu đồng.
Chị Phạm Thị Vê, một trong số các thành viên tham gia mô hình bộc bạch, trồng mấy loại cây này bán rất được giá. Vì vậy mong thời gian đến, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhiều hơn.
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, thực tế chứng minh, cây bắp cải, súp lơ, su su bước đầu tỏ ra rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của thảo nguyên Bùi Hui, hứa hẹn mở ra hướng đi mới, góp phần đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, do phương pháp canh tác truyền thống lâu nay của bà con vẫn còn lạc hậu, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên trước mắt huyện sẽ nhân rộng từng bước một để mô hình phát triển bền vững.
“Cùng với số đã tham gia, huyện sẽ chọn một số hộ tiêu biểu để hướng dẫn và hỗ trợ, tăng dần diện tích; đồng thời tìm kiếm và kết nối thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra cho bà con”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh nói thêm.
Thảo nguyên Bùi Hui, xứ sở của sim rừng và điểm du lịch “ẩn mình” ở Quảng Ngãi
Vùng núi thôn Bùi Hui, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, nằm trên độ cao gần 700m so với mặt nước biển, có diện tích rộng hàng chục ha phẳng phiu đến bất ngờ, với đồng cỏ xanh mướt.
Chính sự đặc biệt như vậy nên Bùi Hui được biết đến là thảo nguyên “độc nhất vô nhị” ở Quảng Ngãi. Nơi đây còn được ví là xứ sim rừng của tỉnh này.
Thời gian gần đây, thảo nguyên Bùi Hui đã trở thành điểm đến của những người yêu thiên nhiên, thích “săn” mây và muốn tận hưởng bầu không khí trong lành của núi rừng.
Leave a Reply