Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng nêu giải pháp “chặn” tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”

Sáng ngày 12/7, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tiếp tục thực hiện chương trình của Kỳ họp thứ 16. Trong sáng cùng ngày, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đối với lãnh đạo các sở, ngành tại địa phương. Trong đó, một số đại biểu quan tâm đến việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và các giải pháp để đẩy lùi tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng nêu giải pháp “chặn” tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”- Ảnh 1.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 16 của HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo ông Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, trước Luật Quy hoạch, địa phương đã có quy hoạch cây trồng như cà phê, chè, sản xuất rau hoa và quy hoạch cây ăn quả. Khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thì Lâm Đồng không bỏ các quy hoạch về cây trồng trên mà vẫn tiếp tục áp dụng.

Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng nêu giải pháp “chặn” tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”- Ảnh 2.

Ông Hoàng Sỹ Bích – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng giải trình các vấn đề mà các đại biểu quan tâm, chất vấn.

“Trong thời gian vừa qua, trên cơ sở các đề án của Bộ NNPTNT thì chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 9 kế hoạch xác định định hướng phát triển các loại cây trồng cho từng vùng. Sau đó UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt và định hướng địa phương nào trồng cây gì, diện tích bao nhiêu.

Ngành nông nghiệp cũng đã khuyến cáo các địa phương, người dân không chạy theo tình trạng nông sản gì được giá là trồng loại cây đó. Chúng ta đã nghe về việc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” của người dân Lâm Đồng. Theo tôi, diện tích, sản lượng một loại cây trồng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì cũng chưa nói được điều gì về vấn đề thị trường”, ông Hoàng Sỹ Bích cho biết.

Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng nêu giải pháp “chặn” tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”- Ảnh 3.

Người dân huyện Bảo Lâm chặt bơ 034 để trồng các loại cây trồng khác có giá bán cao hơn trên thị trường.

Ông Bích cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai, hình thành được các chuỗi liên kết để tham gia vào chuỗi giá trị. Các chuỗi liên kết này sẽ được đảm bảo về mặt chất lượng, uy tín và có các doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân, đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong thời gian qua, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 32 chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất. Tính đến nay, Lâm Đồng đã hình thành 240 chuỗi liên kết, có sự tham gia của 108 hợp tác xã, 195 doanh nghiệp, 31.000 hộ liên kết, quy mô liên kết ngành trồng trọt trên 53.000ha với sản lượng 592.000 tấn, chăn nuôi trên 1 triệu con.

Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng nêu giải pháp “chặn” tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”- Ảnh 4.

Giá bơ 034 xuống thấp kỷ lục đã khiến cho người dân gặp khó khăn.

Ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp trong việc chứng nhận sản phẩm VietGAP, hữu cơ, chứng nhận 4C… Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư đầu tư các nhà máy chế biến đã được đẩy mạnh. Từ đó, các sản phẩm nông nghiệp tại Lâm Đồng được chứng nhận, đủ uy tín, chất lượng để cạnh tranh trên thị trường.

Liên quan đến tình trạng trên, Dân Việt đã thông tin, vừa qua tại huyện Bảo Lâm, khối lượng lớn bơ 034 của người dân tại địa phương phải bán với giá thấp. Có thời điểm giá bơ 034 chỉ đạt 3.000-4.000 đồng/kg mặc dù trước đó đã đạt từ 60.000 đến hơn 100.000 đồng/kg. Việc giá bơ xuống thấp đã khiến cho người dân địa phương bỏ bơ rụng đầy gốc, không bán được.

Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng nêu giải pháp “chặn” tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”- Ảnh 5.

Đến nay, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 32 chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Hải – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm cho biết: “Địa phương có chủ trương quy hoạch vùng trồng, trồng cây gì, xen cây gì để cho có sự bền vững mà thực chất người dân chạy theo thị trường rất nhiều. Cách đây vài năm trước thì chúng tôi đã có khuyến cáo về việc đổ xô trồng bơ thì chắc chắn sẽ bị động. Tuy nhiên, giá bơ trên thị trường khá cao nên, chính vì vậy việc cung vượt quá cầu đã khiến cho bơ không bán được hoặc có giá quá thấp”.

Trong khi đó, ông Lê Hùng Anh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm cho biết, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Lâm thực hiện hỗ trợ tiêu thụ bơ cho nông dân. Trong đó, có một công ty thu mua được trên 20 tấn với giá 11.000 đồng/kg nên đã phần nào giải quyết được khó khăn cho người dân địa phương.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *