Người nuôi heo còn lo ngại
Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi heo, bà Nguyễn Thị Lụa (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Nhờ nuôi heo mà cuộc sống gia đình tôi khá hơn. Thời điểm nuôi heo thuận lợi, bình quân xuất bán ra thị trường hơn 70 con heo thịt/năm”.
Theo bà Lụa, những tháng qua, tuy giá heo hơi tăng cao, có thời điểm lên đến hơn 70.000 đồng/kg nhưng do lo ngại dịch tả heo châu Phi nên bà quyết định không tăng đàn.
Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi heo, cứ vào mùa mưa là dịch tả heo châu Phi lại bùng phát. Nguyên nhân có thể là virút lây lan từ dòng nước chảy từ trại này sang trại khác, từ hộ chăn nuôi này sang hộ chăn nuôi khác.
Cùng với đó, cũng có thể do người nuôi hoặc người lạ vô tình dính nước mưa nhiễm virút từ nơi có bệnh, sau đó mang vào khu vực chăn nuôi.
Người nuôi heo ở tỉnh Long An không tăng đàn do lo ngại dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi và biến động thị trường khó lường.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, hiện nay, nhiều hộ nuôi heo thận trọng trước tình hình dịch bệnh và giá cả, không tăng đàn. Do đó, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại chỉ khoảng 80.528 con, giảm 20.832 con so cùng kỳ.
Tăng cường các giải pháp bảo vệ đàn heo
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 39 hộ thuộc 24 xã của 7 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, tổng đàn phải tiêu hủy là 1.136 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 62.920,9kg.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An – Huỳnh Thị Kim Phượng, để bảo vệ đàn heo, phòng, chống tốt các dịch bệnh, Chi cục phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn người nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi, giết mổ;…
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến các loại dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.
“Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường,…” – bà Huỳnh Thị Kim Phượng khuyến cáo.
Leave a Reply