Thành lập nhiều mô hình liên kết từ nguồn vốn Quỹ HTND
Thời điểm này, các thành viên Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng màu dưới chân ruộng Thành Thắng (ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ) đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Chị Thị Công, thành viên Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng màu, chia sẻ: “Nhiều năm trước, tôi trồng lúa nhưng năng suất và lợi nhuận không cao. Từ 6 năm nay, tôi chuyển sang trồng mướp trên diện tích 2 công đất. Giá mướp dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg và năng suất đạt bình quân khoảng 1 tấn/công mỗi vụ, giúp tôi thu lời từ 10-20 triệu đồng/công mỗi vụ”.
Theo chị Công, những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, chị đã được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND. Đầu năm 2024, chị tiếp tục được vay 30 triệu đồng để đầu tư mua phân và thuốc, giúp việc canh tác đạt hiệu quả hơn.
Với sự hỗ trợ đa dạng từ các cấp Hội ND, trên địa bàn TP. Cần Thơ, ngày càng có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, Hội ND TP.Cần Thơ có 73.586 hộ đăng ký tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Anh Dương Thành – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng màu dưới chân ruộng Thành Thắng, cho biết: “Chi hội hiện có 17 thành viên, chủ yếu là người dân tộc Khmer, tham gia trồng mướp, bầu… với diện tích 9,36ha. Đa số thành viên đã được tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND. Hằng năm, Hội Nông dân xã còn hỗ trợ các thành viên tham gia 2 đợt tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó giúp bà con nâng cao hiệu quả canh tác và gia tăng thu nhập.”
Xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, có 3 hợp tác xã (HTX), 5 tổ hợp tác, 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 3 chi hội nông dân nghề nghiệp. Thời gian qua, Hội ND xã luôn chú trọng việc quản lý và phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, giúp nông dân phát triển kinh tế. Thông qua nguồn vốn vay Quỹ HTND, Hội Nông dân xã đã phát vay 4 dự án cho 30 hộ nông dân thực hiện các mô hình trồng cây ăn trái, trồng màu dưới chân ruộng, với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Hội duy trì và quản lý 8 tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp 428 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ gần 17 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, toàn huyện có 18.179 hội viên nông dân. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang quản lý trên 8,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ 934 lượt hội viên vay vốn với mức phí 0,7%/tháng. Các cấp Hội cũng đã thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, duy trì và quản lý các tổ tiết kiệm và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Các cấp Hội Nông dân huyện thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; tăng cường hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản; liên kết với các doanh nghiệp giúp nông dân mua vật tư, máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm…
Hội Nông dân Cần Thơ hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân Cần Thơ đã quan tâm và đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế. Với tổng nguồn vốn trên 48,8 tỷ đồng, Ban điều hành Quỹ HTND thành phố đã triển khai xoay vòng nhiều dự án, giúp 11.844 lượt hội viên nông dân tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, Hội còn nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ 36.350 lượt hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 1.400 tỷ đồng.
Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân thành phố đã phối hợp tổ chức 12.540 cuộc tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 376.229 lượt nông dân; 6.041 cuộc hội thảo đầu bờ, tham quan mô hình, thu hút 201.513 lượt nông dân tham gia. Các cấp Hội còn quan tâm cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân; hỗ trợ nông dân các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản; quảng bá và phát triển thị trường tiêu thụ…
Trong giai đoạn 2018-2024, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở NNPTNT tổ chức 40 lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng ngắn hạn (kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật sản xuất lúa giống…) cho 1.205 lượt hội viên nông dân; phối hợp với Sở LĐTBXH tổ chức 496 lớp dạy nghề phi nông nghiệp ngắn hạn cho 17.516 học viên lao động nông thôn; tư vấn và giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho 7.463 người.
Leave a Reply