A Tủa này, thực lòng tôi rất tò mò khi biết bạn tốt nghiệp cử nhân ngành Luật kinh tế, sau đó trở về quê làm Phó trưởng Công an xã, rồi hiện đang là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, cơ duyên nào đưa bạn trở thành một “Đại sứ du lịch” của bản làng?
– Năm 2017 sau khi tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế của Đại học Luật Hà Nội, tôi cũng từng có thời gian làm việc ở Thủ đô với mức lương tương đối khá. Nhưng theo tiếng gọi của gia đình tôi đã quyết định trở về Phình Hồ.
Ở vùng cao có được tấm bằng đại học là hãnh diện lắm. Được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ tôi được tín nhiệm làm Phó trưởng Công an xã, rồi hiện tại là Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã. Trong thời gian này, tôi may mắn được đi nhiều nơi như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, nhận thấy người dân bản địa họ làm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng rất thành công. Nhìn sang Suối Giàng, huyện Văn Chấn ngay gần Phình Hồ thôi họ cũng đã làm du lịch rất tốt. Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao Phình Hồ quê hương mình có tiềm năng, lợi thế, đặc biệt sở hữu kho báu 200ha trà shan tuyết cổ thụ lại không thể làm được du lịch được. Phải chăng đây là lý do khiến cái nghèo cứ đeo đẳng người dân bản mình từ đời này sang đời khác?
Từ những trăn trở sau ấy, tôi đã tham mưu cho lãnh đạo xã và bản thân cũng nghĩ ra nhiều hướng để phát triển du lịch quê hương. Tuy nhiên, do là người dân tộc miền núi, khó tiếp cận khoa học công nghệ nên hai ba năm liền tôi loay hoay tìm cách làm du lịch trải nghiệm nhưng đều thất bại.
Về sau, tôi bắt đầu đưa những hình ảnh quê hương lên mạng để “dẫn lối” cho những người mê phượt. Dần dần, tôi mày mò tìm hiểu cách làm các video ngắn hấp dẫn để đưa lên mạng xã hội. Thậm chí, tôi quyết định xuống Hà Nội để học làm TikTok.
Năm 2023, tôi có giới thiệu và kết nối với một số người bạn ở thành phố Yên Bái lên Phình Hồ để góp vốn đầu tư làm du lịch. Được sự đồng ý của các cấp chính quyền, sau một thời gian xây dựng, điểm săn mây “Laucamping” cũng ra đời. Đây được xem là điểm nhấn mỗi khi khách du lịch đến với Phình Hồ.
Từ những video đăng tải ban đầu trên kênh TikTok “A Tủa Phình Hồ”, may mắn đã thu hút nhiều người xem và thích thú, đã được mọi người nồng nhiệt đón nhận.
Có lẽ điều thu hút nhiều người xem và đến với Phình Hồ nói chung và huyện Trạm Tấu nói riêng, đó là sự chân thực, giản dị, mộc mạc trong cách thể hiện trong các video, cũng như đặc sắc về văn hóa, khung cảnh thiên nhiên được tạo hóa ban tặng cho Phình Hồ đã thu hút được nhiều lượt xem đến vậy.
Quả thực nếu không biết đến kênh TikTok “A Tủa Phình Hồ”, tôi cũng không thể biết ở Yên Bái lại có một điểm du lịch đẹp mê hồn đến vậy. Trở lại thời gian của 1 năm trước A Tủa có nghĩ Phình Hồ lại được biết đến rộng rãi khắp cả nước và đón hàng nghìn lượt khách du lịch?
– Đúng thật là bản thân tôi và bà con ở Phình Hồ có trong mơ cũng không thể tưởng tượng được sức lan tỏa mạnh mẽ từ những video tôi đăng tải. Nếu như trước đây, Phình Hồ theo đúng nghĩa “chìm đắm” trong nghèo và lạc hậu. Nhưng giờ đây, khi được nhiều người biết đến Phình Hồ đã đón rất nhiều lượt khách nước ngoài và các vùng miền đến thăm quan, du lịch, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Như anh biết đấy, Phình Hồ nằm ở độ cao từ 900 – 1.500m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ, 90% người dân sinh sống chủ yếu là đồng bào Mông nên khí hậu quanh năm mát mẻ, đứng ở điểm săn mây có thể nhìn thấy toàn bộ cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ)… tiềm năng lắm nhưng do trước kia người dân chưa biết cách quảng bá thôi.
Một người bạn của tôi ở Trạm Tấu bảo, vài chục năm trước Phình Hồ như vùng đất sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, đói nghèo, lạc hậu và đắm chìm trong khói thuốc phiện. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 80%, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại. Để thuyết phục người dân chuyển hướng sang làm du lịch, chắc hẳn A Tủa vấp phải không ít khó khăn?
– Không hề dễ dàng! Như anh biết đấy, lợi thế, tiềm năng là vậy nhưng nhận thức của bà con còn lạc hậu lắm. Ở Phình Hồ đã có ai đứng lên làm du lịch bao giờ đâu. Thời điểm ấy tôi hô hào mọi người tham gia thì không ai tin mình sẽ làm được nên mọi người không ủng hộ. Nhiều người còn ghen ghét, tránh mặt khi mình đến vận động. Nhưng người đồng bào vùng cao là vậy, họ thật thà lắm, nhưng nếu mình làm thành công, họ nhìn thấy và thay đổi nhận thức rất nhanh, còn nếu thất bại mình bị coi là kẻ bốc phét, lừa dối bản làng.
Ngoài những người không đồng tình tôi vẫn nhận được sự ủng hộ của một số người, trong đó có đồng chí Bí thư Đảng ủy xã và đặc biệt là gia đình, vợ con luôn tin tưởng. Bằng những cố gắng, nỗ lực, từ một nơi “4 không”, “Laucamping” giờ đây đã có đường, điện, nước và internet, trở thành một trong những điểm săn mây hấp dẫn nhất miền Bắc.
Từ khi điểm săn mây “Laucamping” đi vào hoạt động dịp 30/4 năm ngoái, Phình Hồ được biết đến nhiều hơn. Điều quan trọng nhất, khách du lịch đến đây không chỉ để săn mây, mà họ còn trải nghiệm cuộc sống của đồng bào người Mông, khám phá văn hóa, ẩm thực… từ đó, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Đây là niềm vui lớn nhất đến thời điểm này ít nhiều tôi đã làm được cho người dân bản mình.
Nhận thấy làm du lịch mang lại hiệu quả, nên nhiều hộ đã đăng ký liên kết làm du lịch. Hiện, đã có khoảng 400 hộ gia đình tham gia, họ trồng rau, nuôi lợn, gà đen, chế biến chè shan tuyết… phục vụ khách du lịch mỗi khi đến Phình Hồ.
Vừa là một “Anh cán bộ xã”, lại đảm nhiệm thêm vai trò “Đại sứ du lịch”, A Tủa đã cân bằng thời gian ra sao để làm tốt hai công việc này?
– Ngoài thời gian bắt buộc phải đến trụ sở ngày thứ 2 và thứ 5, thời gian còn lại tôi lại rong ruổi đến các bản làng, tìm hiểu, trò chuyện với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó tham mưu cho cấp trên.
Ngoài ra, tôi và các bạn ở “Laucamping” cũng giành thời gian để đi quảng bá đặc sản trà shan tuyết, tìm kiếm thêm thị trường, tìm đầu ra ổn định cho các hộ trồng trà và nông sản cho bà con.
Đa số những bình luận trên kênh TikTok của A Tủa phần lớn dành những lời khen về Phình Hồ, người dân bản địa và cả bạn nữa, nhưng tôi cũng thấy không hiếm người nói rằng: “Lúc nào cũng khoe mình là cán bộ xã”, hay “mượn hình ảnh của cụ Sùng Sấu Cua, 103 tuổi để PR về mình”. A Tủa nói gì về những bình luận này?
– Tôi nghĩ, một khi đã đăng tải hình ảnh nào đó lên mạng xã hội thì cũng có người khen nhưng cũng khó tránh khỏi những lời góp ý thẳng thắn hoặc chê bai. Nhưng là một cán bộ xã vùng cao, tôi chỉ mong muốn lấy uy tín của mình để khẳng định những hình ảnh về quê hương đều là chân thực và lột tả hết được những gì tiềm năng mà Phình Hồ đang có đến mọi người.
Còn mọi người cho rằng tôi “mượn hình ảnh của cụ Sùng Sấu Cua, 103 tuổi để PR cho mình” thì hoàn toàn không phải. Ở Phình Hồ, bất kỳ ai từ người lớn đến trẻ nhỏ đều biết cụ là người gắn bó lâu đời nhất với cây trà shan tuyết, cụ hiểu giá trị và những thăng trầm của cây trà ở đã trải qua. Bởi vậy, người dân ở Phình Hồ luôn coi cụ là nhân chứng nhân thế kỷ giữ hồn chè shan tuyết. Đặc biệt, cách sao trà bằng tay của cụ trên chiếc chảo đang còn nóng ran, cho ra thứ trà tuyệt hảo, vì thế để lan tỏa hình ảnh những cây trà cổ thụ và cách chế biến trà shan tuyết hàng trăm năm tuổi đến với mọi người thì không ai khác là cụ Sùng Sấu Cua. Nếu điều này càng lan tỏa rộng rãi, được mọi người đón nhận thì được hưởng lợi là những hộ dân trồng trà.
Nhân nói về cụ Sùng Sấu Cua và những “cụ” trà shan tuyết hàng trăm năm tuổi, cây trà chắc hẳn đã gắn bó như “máu thịt” với người dân Phình Hồ?
– Cây trà shan tuyết nằm ở núi cao, quanh năm mây mù, khí hậu ôn hoà nên phát triển hoàn toàn tự nhiên, được hấp thụ những gì tinh tuý nhất của đất trời nên có hương vị rất riêng, không nơi nào có được. Và cụ Sùng Sấu Cua là biểu tượng cho sự trường tồn của cây trà ở Phình Hồ.
Cụ Cua kể lại với tôi rằng, từ khi biết cầm roi đuổi trâu đi chăn thả đã thấy những cây trà shan tuyết mọc xanh tốt khắp các triền đồi. Nhận thấy loại cây này có thân gỗ lớn, lớp vỏ giống như mốc trắng, cao đến hàng chục mét, tán lá rộng nên người dân giữ lại nhằm chống xói mòn đất. Lá trà ủ nước uống thấy thanh mát nên các hộ bảo nhau thu về sử dụng hàng ngày chứ chẳng ai biết giá trị đích thực của nó như thế nào.
Khi người Pháp chiếm đóng Yên Bái, nhận thấy những cây trà tưởng như hoang dại nhưng lại là thức uống tuyệt vời mà đất trời ban tặng, các quan Pháp chỉ đạo thư ký (người Việt làm phiên dịch) vào từng bản thu mua toàn bộ trà đã sao khô của người dân với giá 1 hào/kg hoặc đổi lấy gạo, muối.
Hòa bình lập lại, cái đói, nghèo vẫn bủa vây khắp Phình Hồ. Những cây trà shan tuyết chứng kiến tất cả, dang rộng vòng tay mình, tạo thành điểm tựa vững chắc để người dân Phình Hồ bám víu, đèo bòng nhau qua từng cơn bĩ cực.
Khi ấy cụ Cua cùng với đám trai tráng trong bản hàng ngày lặn lội từ sớm tinh mơ, cầm đuốc, đeo gùi lên núi hái trà, mỗi người thi nhau vác những bó củi lớn về làm chất đốt sao trà. Khi có thành phẩm lại khẩn trương khăn gói vượt núi, băng rừng đưa xuống thị xã Nghĩa Lộ bán cho người Thái hoặc đổi lấy gạo, muối… mang về. Thời ấy chưa có cân, trà được đóng thành các bọc nhỏ theo ước lượng, người mua căn cứ vào đó trả lại lượng gạo, muối tương đương. Sau này mới đươc quy đổi thành 5 hào/kg (trà khô).
Gắn bó với cây trà cổ thụ shan tuyết bao đời nay, hầu hết người dân ở Phình Hồ đều trồng, chăm sóc và bảo vệ như một thứ tài sản quan trọng của gia đình. Hộ ít có vài cây, hộ nhiều vài chục cây, thậm chí có hộ có cả trăm cây. Đời này qua đời khác, những cây trà shan tuyết cổ thụ đã trở thành nguồn sinh kế lâu bền cho người dân.
Toàn xã hiện có 200ha trà shan tuyết, với 300.000 cây tuổi đời hàng trăm năm tuổi, tập trung ở các thôn Tà Chử, Phình Hồ, Chí Lư. Trà ở đây sạch, an toàn vì bà con không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu. Nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù đã tạo cho trà shan tuyết mang chỉ dẫn địa lý Phình Hồ có những đặc điểm riêng biệt, đó là, lá trà xanh có cánh to, đều, xoăn chặt, lộ tuyết, mùi thơm mạnh, đặc trưng.
Hiện nay, ở Phình Hồ cũng đã thành lập một tổ hợp tác sản xuất trà shan tuyết với 11 hộ, đặt ra quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đã và đang cung cấp sản phẩm cho khách du lịch tại địa phương. Với giá bán trà búp tươi hiện tại là 25.000 đồng/kg, trà shan tuyết đang là nguồn thu nhập chính, tạo việc làm, thu nhập cho gần 200 hộ dân trong xã.
Vậy còn cách sao trà shan tuyết bằng tay trên chiếc chảo đang nóng ran của cụ Sùng Sấu Cua thì sao? Nghe thôi mà đã thấy cả một câu chuyện đầy thú vị rồi phải không A Tủa.
– Vâng, đúng vậy. Cụ vẫn chia sẻ lại với thế hệ trẻ ở Phình Hồ rằng, để có những búp chè shan tuyết chất lượng phải trèo lên tận ngọn cây cao vút, tỉ mẩn chọn từng tôm để hái. Trà tươi mang về dù được nhiều hay ít cũng phải đưa vào sao ngay vì nếu để lâu sẽ bị héo, chua. Quá trình sao trà phải cực kỳ bình tĩnh, đảm bảo đủ thời gian và độ chính xác gần như tuyệt đối. Củi sao trà phải là những cây gỗ chắc thịt, không dùng gỗ pơ mu vì mùi gỗ sẽ làm mất hương vị của trà. Ngoài ra, tránh để vỏ ni lông, bao bì… rơi vào bếp tạo mùi khét trong quá trình sao.
Từng loại trà thành phẩm có cách sao khác nhau. Hồng trà khi mang về phải để lá tươi héo mới vò, ủ qua đêm cho lên men rồi mới đưa vào sao. Bạch trà chỉ dùng những búp non được bao phủ bởi lớp lông mao trắng, quá trình chế biến không vò, chậm rãi, vì nếu làm héo, khô trong điều kiện quá nóng chè sẽ trở thành màu đỏ, còn ở điều kiện quá lạnh sẽ trở thành màu đen…
Mỗi người có một bí kíp sao riêng, nhưng cách sao của cụ Cua rất đặc biệt, thông thường một mẻ phải sao trong thời gian từ 3 đến 4 tiếng. Ban đầu để lửa to, khi nóng chảo gang chỉ dùng hơi nóng từ than. Một kinh nghiệm mà đến nay cụ vẫn truyền lại cho các con là khi chưa thể ước lượng được nhiệt độ của chảo gang thì dựa vào độ cháy của thanh củi. Nghĩa là các khúc củi được chặt với kích thước bằng nhau, lần đầu củi cháy đến đâu sẽ cho trà vào đảo thì các lần sau cũng sẽ làm như thế.
Đứng ở “Laucamping” – đỉnh cao nhất của Phình Hồ, điều làm tôi ấn tượng không phải là cánh đồng Mường Lò hay cảnh sắc mây trời, thay vào đó là sự cuốn hút từ “Phiên chợ trên mây” và vườn cúc hoạ mi. Xuất phát từ đâu mà A Tủa lại có ý tưởng này?
– Những thời điểm đầu tiên “Laucamping” đi vào hoạt động, đón những đoàn du khách đầu tiên, họ đến đây chỉ với mong muốn duy nhất là săn mây. Nhưng mây không phải lúc nào cũng có, còn phải phụ thuộc vào thời tiết. Bởi vậy, để kéo du khách ở lại lâu hơn, hiểu sâu hơn về văn hóa của đồng bào vùng cao, chúng tôi đã quyết định làm một phiên chợ vào hai ngày cuối tuần. Ở đó có những món ăn và nông sản đặc sản của vùng cao. Quả thực, sau khi “phiên chợ trên mây” được mở du khách đến Phình Hồ đã nhiều và lâu hơn hẳn. Còn đối với vườn cúc họa mi, đây là công sức của nhiều bà con trong bản. Sau 2 tháng kể từ khi trồng, vườn cúc hoạ mi đã nở rộ tạo nên một khung cảnh rất đẹp và thơ mộng ngay cạnh biển mây bồng bềnh, tạo nên một địa điểm check-in vô cùng lý tưởng.
Với những giá trị mà du lịch mang lại cho người dân ở Phình Hồ, nhìn lại hành trình đã qua A Tủa có suy nghĩ gì?
– Thành quả này là sự đóng góp của tất cả bà con ở Phình Hồ chứ không phải ai nhiều, ai ít. Mỗi người một chút, một chút công sức mới có được thành công của ngày hôm nay.
Hơn 1 năm qua, Phình Hồ được nhiều người trong nước và quốc tế biết tới. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cảm thấy mình vẫn còn phải cố gắng và cố gắng thật nhiều hơn nữa. Không có bà con thì “Laucamping” cũng khó có thể tồn tại. Bởi vậy, việc liên kết với bà con làm du lịch có vai trò vô cùng quan trọng, yếu tố sống còn. Và tôi vẫn rất ấn tượng với câu nói của của tỷ phú Warren Buffett “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Đây như là động lực để tôi và bà con phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Tôi biết rằng nhiều nơi của Tây Bắc, không ít bạn trẻ cũng đang làm du lịch. Để chọn cho mình một con đường đi không bị trùng lặp, A Tủa và bà con ở Phình Hồ đã chuẩn bị những gì cho những ngày sắp tới?
– Điều này tôi và bà con cũng đã nghĩ tới. Không phải ai làm du lịch cũng thành công và một phần thất bại là do cách làm bị tương đồng, ít điểm nhấn, khách du lịch có thể đến một lần những sẽ không bao giờ trở lại. Anh cũng biết đấy, Trạm Tấu không chỉ có Phình Hồ mà còn có rất nhiều điểm du lịch khác như: Cu Vai, Tà Chì Nhù (xã Xà Hồ), Tà Xùa (xã Bản Công), suối khoáng nóng (Hát Lừu), thác Háng Đề Chơ (xã Làng Nhì)… Chính bởi vậy, trong thời gian sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức liên kết với các điểm du lịch ấy, tạo thành một tour và Phình Hồ là một những điểm du lịch khi đến với Trạm Tấu.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quảng bá bản sắc văn hóa của đồng bào cũng như thương hiệu trà shan tuyết Phình Hồ đến với đông đảo du khách và người dân trên cả nước, từ đó tạo sinh kế bền vững. Ngoài ra, cũng sẽ kết hợp với các đơn vị làm sự kiện, kết nối với ca sĩ, người nổi tiếng để tổ chức các đêm nhạc ngay tại “Laucamping”.
A Tủa bây giờ đã là một người nổi tiếng trên TikTok với kênh “A Tủa Phình Hồ” đạt hơn 200.000 lượt theo dõi. Bạn sẽ gì để lan tỏa cách làm TikTok một cách lành mạnh, truyền tải những câu chuyện hay, hình ảnh đẹp đến với nhiều người hơn nữa?
– Cùng với các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Instagram, TikTok trở thành một nơi tiềm năng để các bạn trẻ khai thác, quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa dân tộc, vùng miền. Tuy nhiên, để trở thành những “Tiktoker” lan tỏa những giá trị tốt đẹp thì những sản phẩm sáng tạo trên kênh TikTok phải thực sự phong phú và độc lạ. Để quảng bá hình ảnh quê hương, cũng như văn hóa, ẩm thực vùng cao, nếu như chỉ riêng bản thân em thì rất nhỏ bé. Bởi vậy, thời gian qua em đã hướng dẫn nhiều bạn trẻ ở Trạm Tấu thành lập kênh TikTok cũng như một số nền tảng mạng xã hội khác.
Tôi nghĩ rằng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số luôn chứa đựng những giá trị tốt đẹp. Nếu không được đẩy mạnh quảng bá, những giá trị ấy sẽ thiếu sức lan tỏa và dần mai một. Không phải ai cũng có điều kiện lên tận vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu văn hóa của bà con. Do đó, việc làm video quảng bá như vậy sẽ giúp mọi người dù chỉ lướt điện thoại vẫn có thể hiểu ít nhiều về văn hóa, đời sống vùng cao, tạo sự kết nối giữa cộng đồng các dân tộc. Xa hơn là đưa văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Trong thời gian vừa qua, tôi đã vinh dự được tham gia nhiều chương trình về quảng bá du lịch trên nền tảng số. Tại đây, tôi đã được gặp nhiều TikToker nổi tiếng trong cả nước, đã học hỏi được rất nhiều từ họ. Mới đây, tôi cũng được mời tham gia Diễn đàn tiếng nói tuổi trẻ – hành động của Đoàn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức để chia sẻ về cách làm TikTok và giới thiệu, quảng bá du lịch cũng như đặc sản chè shan tuyết của Yên Bái đến với đoàn viên thanh niên cả nước. Tôi hy vọng rằng từ những việc làm nhỏ bé của tôi sẽ lan tỏa đến nhiều các bạn trẻ, truyền những năng lượng tích cực thông qua các nền tảng xã hội.
Cảm ơn những chia sẻ của A Tủa!
Leave a Reply