Xác nhận nhập học nhưng muốn từ bỏ để xét tuyển bổ sung
Sau thời gian các trường đại học công bố điểm chuẩn, các thí sinh sẽ xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên Hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT.
Sau khi hoàn thành khâu xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống của Bộ, thí sinh cần thực hiện nhập học theo thời gian nhập học trực tuyến cũng như trực tiếp của từng trường đại học để tiến hành các bước tiếp theo. Thí sinh phải thực hiện xong việc xác nhận nhập học trực tuyến mới được nhập học tại các trường đại học. Nếu không hoàn hành khâu xác nhận nhập học trực tuyến 2024 trên Hệ thống của Bộ, coi như thí sinh từ chối cơ hội trúng tuyển.
Thí sinh Nguyễn Lan Phương (Hà Tĩnh) cho biết đã đăng ký 2 nguyện vọng xét tuyển vào ngành Giáo dục mầm non tại hai trường đại học và trúng tuyển nguyện vọng 2 tại một trường đại học ở Hà Nội nhưng hiện tại em muốn chuyển về học tập gần quê hoặc một trường đại học cùng khu vực.
“Vừa rồi em tìm hiểu thì được biết trường đại học ở tỉnh có xét tuyển bổ sung ngành Giáo dục mầm non. Em đã trúng tuyển rồi và xác nhận nhập học rồi mà vẫn muốn xét tuyển bổ sung thì có được không”, Lan Phương đặt câu hỏi.
Chị Hoàng Thu (phụ huynh ở Phú Thọ) cho biết, con chị đã trúng tuyển theo phương thức xét học bạ ngành Điều dưỡng tại Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), nhưng con gái đột ngột thay đổi ý kiến muốn về học ở trường đại học công lập ở phía Bắc. Chị Thu băn khoăn, con chị có thể không nhập học và tham gia xét tuyển bổ sung không. Đây cũng là câu hỏi của nhiều thí sinh, phụ huynh khi gửi tới các trường đại học hoặc xuất hiện trong các chương trình tư vấn tuyển sinh.
Theo thông tin từ Bộ GDĐT, các đợt tuyển sinh bổ sung của các trường đại học sẽ kéo dài đến tháng 12/2024, chia thành nhiều đợt.
Sau bước xác nhận nhập học, thí sinh còn các bước tiếp theo như nhập học tại trường đại học, đóng lệ phí, học phí…Thí sinh chỉ chính thức trúng tuyển khi nộp đủ hồ sơ nhập học và đã đóng tiền học phí, các khoản chi phí khác mà nhà trường yêu cầu.
Trường hợp thí sinh đã xác nhận trên hệ thống nhưng không làm thủ tục nhập học và cũng không đóng lệ, học phí thì coi như cũng không trúng tuyển đợt 1.
Chuyên gia cảnh báo điều gì?
Tại cuộc tư vấn “Còn cơ hội xét tuyển đợt bổ sung?” diễn ra mới đây, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho thí sinh cũng như những cảnh báo về việc trúng tuyển nhưng không nhập học.
Theo các chuyên gia, khi xét tuyển bổ sung, hầu như chỉ tiêu các trường đã đủ, có trường chỉ thiếu một ít chỉ tiêu, như vậy dễ dẫn đến tỉ lệ chọi cao và câu chuyện “nước lên, thuyền lên”, điểm số đợt bổ sung cao hơn đợt đầu.
Dành lời khuyên thêm tới thí sinh, TS Võ Thanh Hải – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết: “Năm ngoái có khoảng 15% thí sinh không xác không nhận nhập học với nhiều lý do. Việc này là do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể trường ở xa nhà, có thể học phí vượt quá khả năng của gia đình thí sinh, tuy nhiên, thí sinh lưu ý về quyền từ chối nhập học”.
Theo TS Võ Thanh Hải, Bộ GDĐT yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trên hệ thống từ ngày 19/8 đến chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8, sau thời gian này nếu thí sinh không xác nhận nhập học, coi như thí sinh từ chối quyền nhập học. Sau ngày 27/8, thí sinh không được phép quay lại cơ sở giáo dục (đã từ chối nhập học trước đó) để xin xác nhận nhập học lại.
“Nếu không xác nhận nhập học, thí sinh xét nguyện vọng bổ sung nhưng lưu ý điểm trúng tuyển ở đợt bổ sung sẽ lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn đợt 1. Nếu điểm của các em chỉ bằng điểm chuẩn đợt 1 thì các em có thể trúng tuyển, nhưng nên cân nhắc, và nên nộp ở vài trường. Mặc dù theo Bộ GDĐT thời gian các trường xét tuyển bổ sung là từ 28/8 nhưng cơ sở đại học quyết định thời gian xét tuyển bổ sung, thí sinh phải theo dõi thời gian từ các trường. Nếu điểm cao hơn điểm chuẩn đợt 1 thì cơ hội trúng tuyển của các em nhiều hơn”, TS Võ Thanh Hải nói.
Với những thí sinh trúng tuyển ngành mình không yêu thích, ThS. Phạm Doãn Nguyên – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM cho hay, thí sinh hãy xem còn cơ hội xét tuyển bổ sung hay không. Tuy nhiên, thí sinh cần hết sức cân nhắc trước khi quyết định nhập học hay từ chối nhập học để xét bổ sung.
Leave a Reply