Nhận thấy đất đồi, bãi rộng, năm 2017, ông Hoàng Văn Thư, thôn Niêng, xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đầu tư chăn nuôi ngựa bạch-con đặc sản có đôi mắt đỏ, toàn thân màu trắng.
Ban đầu do chưa có vốn, ông chỉ đầu tư 3 con ngựa giống. Do đồng cỏ rộng, thức ăn dồi dào nên sau 2 năm, đàn ngựa trắng đã cho sinh sản lứa đầu tiên. Từ đó đến nay, đàn ngựa bạch gia đình ông cho phát triển tốt.
Hiện ông đang nuôi bán chăn thả 13 con ngựa bạch các loại, trong đó 7 con đang trong thời kỳ sinh sản, số còn lại là ngựa con và ngựa đực giống.
Bình quân, mỗi năm đàn ngựa đặc sản nhà ông cho sinh sản từ 4 đến 5 ngựa bạch con, sau 5 đến 6 tháng tuổi, ông xuất bán giống thu về gần 200 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Thư cho biết: chăn nuôi ngựa nói chung, ngựa bạch nói riêng có nhiều ưu điểm: dễ chăm sóc, ít dịch bệnh, giá trị kinh tế cao.
Ngoài chăn thả ngoài tự nhiên, mỗi gia đình có thể trồng cỏ voi tại vườn nhà để bổ sung dinh dưỡng cho đàn ngựa bạch.
Ông Hoàng Văn Thư, nông dân nuôi thành công loài ngựa bạch đặc sản ở xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đang chăm sóc đàn ngựa bạch.
Là xã vùng cao của huyện Lục Ngạn, Phong Vân có diện tích đồi bãi rộng, phù hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó có đàn ngựa.
Nhận thấy tiềm năng của địa phương cần được khai thác, trên cơ sở Đề án “Đẩy mạnh phát triển lợi thế chăn nuôi đại gia súc ở một số xã vùng Đông Bắc huyện Lục Ngạn, giai đoạn 2018- 2021”, xã Phong Vân đã xây dựng chương trình phát triển chăn nuôi.
Trong đó, khuyến khích người dân phát triển đàn ngựa bạch theo hướng hàng hóa, xây dựng trở thành sản phẩm đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Hiện nay toàn xã có gần 200 hộ chăn nuôi ngựa, với tổng đàn gần 1,6 nghìn con, trong đó trên 70% là ngựa bạch. Ngoài chăn nuôi thương phẩm, nhiều hộ còn cung cấp giống và các sản phẩm từ ngựa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Tận dụng đồng cỏ rộng, nhiều hộ nông dân xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) phát triển chăn nuôi ngựa hàng hóa, trong đó có ngựa bạch.
Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Phong Vân, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho biết: Để tăng tính kết nối, sản xuất tiêu thụ sản phẩm, mới đây, chính quyền xã Phong Vân đã vận động một số hộ chăn nuôi ngựa bạch ở địa phương thành lập HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp xã Phong Vân.
Đồng thời chỉ đạo cán bộ thú ý cơ sở tăng cường công tác phối hợp, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho người dân.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của huyện và các ngành chuyên môn, xã đã xây dựng chương trình phát triển đại gia súc, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đàn ngựa, tiến đến mục tiêu xây dựng các sản phẩm từ ngựa trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Từ mô hình chăn nuôi ngựa bạch, nhiều hộ dân ở xã vùng cao Phong Vân, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã thoát nghèo đang vươn lên làm giàu chính đáng.
Không chỉ vậy, mô hình chăn nuôi ngựa, trong đó có nuôi giống ngựa bạch đã góp phần hình thành nên vùng sản xuất hàng hóa, thay đổi tư duy sản xuất, hướng dần sản xuất từ manh mún sang bền vững, khép kín, từng bước giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Leave a Reply