Trải qua 2 thế kỷ, kênh đào Vĩnh Tế (1824 – 2024) chắn đầu biên giới Việt Nam – Campuchia làm nhiệm vụ xác lập chủ quyền bờ cõi, bảo đảm an ninh, quốc phòng của Tổ quốc.
Đồng thời, con kênh bồi đắp phù sa cho nhiều ngàn héc-ta đất nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên, phát triển giao thương rộng khắp và cung cấp nguồn thủy sản dồi dào phục vụ đời sống người dân.
Vĩnh Tế là con kênh đào tay lớn thứ hai trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam.
Nhận định tổng quát về các kênh đào Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng, nhà văn Sơn Nam cho biết: “Trong lịch sử khai khẩn ĐBSCL, đầu tiên là kinh Bảo Định, nối sông Tiền qua Vàm Cỏ Tây, nối rạch Mỹ Tho qua ngọn rạch Vũng Cù, người đốc xuất là Nguyễn Cửu Vân (năm 1705).
Kênh Núi Sập là công trình thứ hai, theo thứ tự thời gian, kế đến kênh Vĩnh Tế, rồi kênh Vĩnh An từ Châu Đốc qua Tân Châu. Tóm lại, trong 4 con kênh đào thời Pháp chưa đến, vùng An Giang có đến 3, quan trọng nhất là kênh Vĩnh Tế”.
Kênh Vĩnh Tế đoạn qua địa phận tỉnh An Giang. Kênh Vĩnh Tế là con kênh đào nhân tạo lớn thứ 2 trong lịch sử phong kiến Việt Nam nối tỉnh An Giang với tỉnh Kiên Giang.
Theo sử sách triều Nguyễn, vào năm 1816, khi thành Châu Đốc đắp xong, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi.
Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”. Nhưng nhà vua chưa ra lệnh cho đào ngay vì ngại đây là vùng đất mới mở, Nhân dân còn cơ cực, lòng dân sẽ không yên.
Đến năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819), vua phát lệnh cho đào kênh với 3 mục tiêu nhằm phát triển đất nước, phòng giữ ngoài biên, người dân buôn bán. Vị trí con kênh “Ở phía Tây sông Châu Đốc, phía Tây Bắc huyện Tây Xuyên 28 dặm.
Sông rộng bảy trượng năm thước, sâu sáu thước, đo thẳng từ sau hào Đồn Hữu lên phía Tây vàm Ca Âm đến Kì Thọ là 250 dặm rưỡi, đặt tên là sông Vĩnh Tế, sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thụy, Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên lấy dân địa phương và dân phiên đào mở”.
Để chuẩn bị, tháng 7/1819, vua sai Trấn thủ Hà Tiên Mạc Công Du (cháu nội Mạc Thiên Tích) đo đường sông Châu Đốc đến sông Giang Thành, vẽ bản đồ để dâng lên. Đến tháng 9, vua thấy trấn Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp Chân Lạp nên muốn đào kênh nối liền phòng khi hữu sự. Khi đó, Đồng Phù là Chiêu Chùy (chức quan) của Chân Lạp sang chầu, vua cho vời đến hỏi ý kiến.
Đồng Phù tâu: “Nếu đào con sông ấy thì dân và vua của chúng tôi cũng đều được nhờ”. Sau đó, vua yêu cầu đo từ phía Tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm, Cây Báng, đến sông cũ hơn 200 dặm, tính công đào đất và lượng sức người, sai Trấn thủ Nguyễn Văn Thụy và Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên đốc suất dân phu 5.000 người và binh dân đồn Uy Viễn 500 người. Quan Đồng Phù quản suất dân Chân lạp 5.000 người, đến tháng 12 khởi công đào kênh.
Trong sách “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hâu Giang”, nhà văn Nguyễn Văn Hầu cho biết, kênh Vĩnh Tế thực hiện qua 3 đợt, nguồn nhân công gồm dân binh 2 nước, do quan phụ trách của hai bên thực hiện, địa hình kênh đào có nhiều đoạn sình lầy, đá ngầm.
Để phóng tiêu đào kênh được thẳng, đợi đêm đến quan chỉ huy cho người rẽ sậy, đốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn chỉnh những “cây sào lửa” cho thẳng hàng, người cắm tiêu cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cằm sào tìm đúng vị trí.
Theo sách, Thoại Ngọc Hầu huy động 5.000 nhân công là thường dân và binh lính, cùng 500 quân ở đồn Uy Viễn. Về phía Chân Lạp có 5.000 dân xâu và binh lính cũng được trưng dụng. Người Việt đào đoạn kênh dài 7.575 tầm trên nền đất cứng, người Khmer đào 18.704 tầm trên phần đất mềm.
Đến đợt 3, vào tháng 2/1824, chiều dài kênh còn lại 1.700 trượng kể từ cuối rạch Gianh Thành tới nơi đã đào xong. Đào đến đoạn cuối này có sự hỗ trợ tích cực của Phó Tổng trấn Trần Văn Năng và binh linh, dân xâu lên tới 25.000 người…
Đến năm 1824, kênh Vĩnh Tế hoàn thành, dài 205 dặm. Tính theo hệ mét, chiều dài con kênh là 88.560m đến 93.275m, nhiều sách báo thường dùng 91km. Đáng lưu ý, kênh này có cách hiểu về lý trình là 66,5km và 95,5km nên các sử liệu có sự khác biệt. Đặc biệt, sử Cao Miên, thư tịch Chân Lập nói sai về tên gọi kênh đào, chiều dài con kênh, thời gian đào kênh…
Với giá trị to lớn về kinh tế và vai trò chiến lược quan trọng về mặt quốc phòng, năm 1836 (Minh Mạng thứ 17), cho chạm hình tượng kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, là một đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh, thờ vua Gia Long đặt trước sân Thế miếu (Đại nội Huế). Ngày 28/5/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024)”.
Kênh Vĩnh Tế dẫn nước từ sông Châu Đốc, chạy dọc miền biên viễn Tây Nam, thông qua các kênh đào đan xen tống phèn ra biển, cung cấp nước ngọt, phù sa cho ruộng đồng. Hai bên bờ kênh, nhà người dân và đô thị sầm uất ngày càng nhiều, cuộc sống sung túc trải dài dọc theo biên giới.
Kênh này là công trình lớn với nhiều giá trị về quốc phòng, giao thông, thương mại, thủy lợi, cũng như là nông nghiệp và đang được phát huy cho đến ngày nay. Công lao của công trình to lớn này là của người dân, trong đó, công đầu do danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy hàng ngàn vạn người đào kênh bằng tay từ năm 1819 – 1824.
Từ “kênh mẹ” Vĩnh Tế, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định đào kênh T5 (kênh Võ Văn Kiệt) đưa nước ngọt xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra tới Biển Tây, góp phần quan trọng đưa sản lượng lúa của An Giang đứng tốp đầu của cả nước.
Leave a Reply