Nhắc tới Cồn Cỏ, ngoài khung cảnh hoang sơ và kỳ vĩ, du khách còn đặc biệt nhớ tới Cua đá – biểu tượng của đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Trị.
Video: Nuôi cua đá thương phẩm trên đảo Cồn Cỏ, huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.
Thời kháng chiến, cua đá được dùng làm thực phẩm nuôi sống cán bộ, chiến sĩ chiến đấu bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Tới thời bình, quần thể loài này dần bị suy giảm do tác động của con người. Tới năm 2004, sau khi huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập, để bảo tồn, cua đá đã được cấm săn bắt, khai thác dưới mọi hình thức.
Khi nguồn cung ngoài tự nhiên không được đáp ứng, người dân huyện đảo Cồn Cỏ đã mạnh dạn đưa giống cua đá về nuôi, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Cua đá được nuôi thương phẩm trên đảo Cồn Cỏ kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới.
Dẫn chúng tôi vào khu chuồng nuôi gần ngay đường kè biển, chị Hoàng Thị Lam (35 tuổi) cho hay: Năm 2016, lãnh đạo huyện đảo Cồn Cỏ tổ chức cho người dân ra Lý Sơn tham quan mô hình nuôi cua đá thương phẩm.
Nhìn đàn cua đá tại Quảng Ngãi phát triển mạnh trong môi trường nhân tạo, vợ chồng chị đã nhen nhóm ý định học tập và làm theo.
Nhưng phải tới tận 5 năm sau, khi cuộc sống ổn định hơn, gia đình chị mới quyết định vay vốn xây chuồng trại, mua con giống từ Lý Sơn triển khai.
“Vụ đầu tiên, chúng tôi đầu tư gần 100 triệu đồng, bao gồm khoảng 40 triệu tiền chuồng trại và 50 triệu tiền con giống.
Tuy nhiên, giai đoạn này, do chưa nắm bắt được tập tính loài nên bầy cua bị rụng càng nhiều. Bao nhiêu vốn liếng đều đổ sông, đổ bể”, vừa cầm vòi vệ sinh chuồng cua, chị Lam vừa chia sẻ.
Cua đá thương phẩm đòi hỏi môi trường sống cùng thức ăn sạch. Ngoài ra các yêu cầu khác như độ ẩm, độ mặn cũng cần được bảo đảm chính xác.
Không nản chí, vợ chồng chị vừa học hỏi thêm kiến thức, rút kinh nghiệm; đồng thời tiếp tục… vay tiền để tái đầu tư.
Chị cho hay, cua đá là loài rất khó nuôi. Vỏ cua có màu tím đậm, chân dài, càng ngắn. Chỉ cần chuồng trại bẩn một chút, chúng sẽ rụng càng. Chính vì vậy, chị đặt một cái tên khác cho cua đá là “loài cua ưa sạch sẽ”.
Chỉ tay vào 2 khoang chuồng được láng xi-măng và ốp gạch, chủ trại nuôi cho hay: Để tạo không gian sống cho cua, chị đã sử dụng những phiến đá biển, san hô xếp chồng lên nhau. Thông thường, cua trú ẩn ở dưới các hốc đá vì sẽ bò ra ngoài để ăn hoặc tắm.
Nước để tắm cho cua cũng phải là nước biển nguyên chất được chị mang về và cất trong thùng chứa. Hằng ngày, người nuôi sẽ phải tưới nước mặn vào chuồng 3 lần để cua được cấp ẩm và muối.
Bên cạnh đó, việc cho ăn và vệ sinh chuồng cũng phải được thực hiện thường xuyên. Thức ăn của cua đá là các loại rau xanh, chuối và cám… không có hóa chất được lấy từ môi trường tự nhiên.
Theo chị Lam, nếu được nuôi đúng cách, cua đá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện tại, giá bán ra cho mỗi ký cua đá thành phẩm dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng.
Ngoài việc nuôi dê, gà từ ngày mới ra đảo, gia đình chị Lam kinh doanh nhà hàng, bán các loại sản vật địa phương. Với món cua đá độc đáo, nhiều nhà hàng trong khu vực cũng ủng hộ gia đình chị.
“Chung quanh đảo có nhiều loại hàu, cá… nhưng tôi cũng muốn chủ động về nguồn hải sản tươi sống để cung cấp cho khách du lịch trên đảo.
Thịt cua đá tuy không nhiều như các giống cua thịt nhưng gạch rất nhiều và thơm vị thuốc bắc. Từ món ăn độc đáo này, chúng tôi cũng muốn góp phần khiến khách du lịch nhớ đến Cồn Cỏ nhiều hơn”, chị cho biết.
Thời gian tới đây, thay vì chỉ nuôi cua đá thương phẩm, gia đình chị Lam cũng dự định thử nghiệm nuôi cua bố mẹ để chủ động về nguồn giống.
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Cồn Cỏ cho biết, theo quy chế Quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên đảo sửa đổi và bổ sung vào năm 2012, cùng với kỳ đà, gà rừng, Ủy ban nhân dân huyện đảo Cồn Cỏ cấm người săn bắt và giết hại cua đá để bảo toàn số lượng cua đá trên đảo.
Do đó, việc nuôi loài hải sản này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách khi đến đảo. Đây cũng là một mô hình tạo sinh kế, mở ra thêm hướng phát triển kinh tế mới cho người dân huyện đảo Cồn Cỏ. Bên cạnh đó, việc nuôi cua được huyện quản lý chặt chẽ từ khi nhập giống về.
Leave a Reply