Có hay không nguy cơ bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở Nghệ An?

Ngày 10/7, lãnh đạo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An cho biết, hiện đã có kết quả xét nghiệm của 10 mẫu liên quan đến ca bệnh là nữ sinh P.T.C (trú tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) tử vong do bệnh bạch hầu. 

Đây là những trường hợp đã tiếp xúc trực tiếp với nữ bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu.

Có hay không nguy cơ bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở Nghệ An?- Ảnh 1.

Kết quả xét nghiệm PCR, 10 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với nữ bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu đều âm tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu). Ảnh: K.S

Theo đó, ngay sau khi nữ bệnh nhân tử vong và được xác định mắc bệnh bạch hầu, CDC Nghệ An đã tiến hành lấy 10 mẫu của 10 người có tiếp xúc trực tiếp với nữ sinh P.T.C. để xét nghiệm PCR. Kết quả cho thấy, cả 10 mẫu đều âm tính với vi khuẩn C.diphtheria (bạch hầu).

Bên cạnh đó, tất cả các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh đều được điều tra, rà soát và cách ly tốt, được sử dụng kháng sinh dự phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 10 người có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đều đã âm tính. Vì vậy nguy cơ bùng phát dịch gần như không còn.

Có hay không nguy cơ bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở Nghệ An?- Ảnh 2.

Công tác phun khử khuẩn tại các gia đình có người tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu đã được hoàn tất. Ảnh: K.S

Lãnh đạo CDC Nghệ An cho biết, người dân không nên hoang mang, lo lắng thái quá. Đặc biệt, cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm đúng lịch, đủ liều sẽ giúp phòng bệnh lâu dài.

Cũng theo lãnh đạo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm CDC Nghệ An, bệnh bạch hầu thường ủ bệnh trong vòng từ 2 đến 5 ngày. Đối với những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh P.T.C đến nay đã hơn 9 ngày.

Có hay không nguy cơ bùng phát dịch bệnh bạch hầu ở Nghệ An?- Ảnh 3.

Qua rà soát, có 119 trường hợp tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu. Ảnh: K.S

Đồng thời, công tác phun khử khuẩn tại các gia đình có người tiếp xúc với ca bệnh, bản Phà Khảo (xã Phà Đánh), Ký túc xá Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kỳ Sơn đều đã được hoàn tất. Những người có tiếp xúc với ca bệnh đều đã được cách ly y tế tại nhà trong vòng 14 ngày và được cấp phát thuốc, sử dụng kháng sinh dự phòng.

Trước đó vào ngày 24/6, nữ sinh P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị ở nhà nhưng không khỏi. Ngày 30/6, C. được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn điều trị. Ngày 4/7, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Tại đây, C. được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Đến 4h sáng 5/7, bệnh nhân tử vong và được hướng dẫn xử lý y tế.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *