Đường Vành đai 3 qua nhiều địa phương chậm tiến độ
Dự án thành phần 3 đường Vành đai 3 qua Đồng Nai đã thi công được hơn 1 năm. Dự án dài 11,2km; tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ.
Đến nay, dự án chỉ mới giải ngân được khoảng 13% kế hoạch vốn năm 2024 và đang bị ảnh hưởng tiến độ do vướng mặt bằng và thiếu cát san lấp.
Ban Quản lý dự án cho biết đã đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời hoàn thành các thủ tục pháp lý để các mỏ đủ điều kiện khai thác cát cung cấp cho dự án.
Ban Quản lý cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai tháo gỡ vướng mắc để các mỏ thương mại ở địa phương sớm được khai thác cung cấp vật liệu đất đắp cho dự án.
Tại Bình Dương, dự án thành phần 5, xây dựng đường Vành đai 3 qua Bình Dương giải ngân đạt hơn 28,6%.
Trong đó, gói thầu xây lắp 1, khởi công ngày 31/5/2024, hiện đang tiếp cận mặt bằng và hoàn thiện thủ tục thiết kế bản vẽ thi công. Gói thầu xây lắp 2 đạt 23% so với khối lượng thực hiện hợp đồng; gói thầu xây lắp 3 mới đạt 6,81%; và gói thầu xây lắp 4 đạt 42,1%.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương, khó khăn lớn nhất của dự án là thiếu khoảng hơn 600.200 m3 cát san lấp để bảo đảm hoàn thành tiến độ.
Ông Trần Việt Hùng – Giám đốc Ban Quản lý cho biết, tổng nhu cầu cát đắp của dự án thành phần 5 là hơn 700.200m3. Tuy nhiên, các mỏ hiện hữu đang khai thác chỉ cung được ứng khoảng 100.000m3.
Khối lượng cát mà các nhà thầu nỗ lực huy động về công trường cũng chỉ khoảng 1.000m3/ngày, chưa đáp ứng nhu cầu của dự án.
Cần sớm bù giá mua cát Campuchia cho đường Vành đai 3
Ông Trần Việt Hùng cho biết, Ban Quản lý dự án tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP.HCM tiếp tục làm việc với các tỉnh ở ĐBSCL sớm giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác.
Thế nhưng, tình hình cung cấp cát san lấp cho vành đai 3 qua TP.HCM cũng không khả quan hơn.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đường vành đai 3 qua TP.HCM tiếp tục thiếu cát trầm trọng. Nếu đến tháng 8/2024 vẫn chưa có cát đắp thì khó bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.
Đường vành đai 3 qua TP.HCM còn thiếu đến 1,5 triệu m3. Trong khi các mỏ cát ở ĐBSCL chỉ đáp ứng được 500.000 m3, còn thiếu 1 triệu m3 cát.
TP.HCM đã nhiều lần làm việc với các tỉnh có mỏ cát ở ĐBSCL song các tỉnh này cũng chỉ đủ sức cung cấp cát cho các dự án cao tốc trong khu vực, khó tăng thêm công suất khai thác cung ứng cho đường vành đai 3.
TP.HCM đã có đề xuất mua cát từ Campuchia cho dự án đường vành đai 3 nhưng đang bị vướng về giá.
Nguồn cát này khi đưa về tới công trường có giá 360.000 đồng/m3, cao hơn giá trong hợp đồng là 240.000 đồng/m3. Như vậy, 1 triệu m3 cát mua từ Campuchia tương ứng chênh lệch 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên so sánh với tổng chi phí xây dựng đường vành đai 3 qua TP.HCM là 22.400 tỷ đồng, phần chênh lệch phải bù giá chỉ hơn 0,5% tổng giá trị phần xây lắp.
Ông Mãi cho rằng, để đảm bảo đúng tiến độ và lợi ích mà dự án mang lại khi hoàn thành thì phần chênh lệch này không phải là lớn, trong khi cát từ Campuchia có chất lượng tốt.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có giao TP.HCM nghiên cứu về việc mua cát từ Campuchia, nhưng nếu có vướng mắc như phải bù giá thì phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cho chủ trương để thực hiện.
Leave a Reply