Chẳng ai ngờ anh nông dân Cà Mau lại có cách làm không giống ai, đem nghêu đi phơi ra đặc sản quá độc, lạ

Đặc sản mới lạ khô nghêu này được thị trường đón nhận, tiêu thụ mạnh, không chỉ mở ra hướng phát triển kinh tế của người dân, tăng giá trị nghêu thương phẩm mà còn làm phong phú thêm ẩm thực của vùng cực Nam Tổ quốc.

Anh Trương Long Châu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu Châu Ðại Dương, ấp Rạch Tàu, xã Ðất Mũi, là người đầu tiên thử nghiệm và chế biến thành công món khô nghêu. Theo anh Châu, những năm qua, việc nuôi nghêu vẫn còn khó khăn do nghêu nuôi chậm lớn, không đạt kích cỡ nên khó tiêu thụ và giá bán cũng thấp. 

Hơn nữa, bước vào vụ thu hoạch, lượng nghêu tươi sống lên đến hàng tấn mỗi ngày, nếu không tiêu thụ kịp thì nghêu bị chết, hao hụt, ảnh hưởng đến thu nhập của xã viên. Trăn trở tìm đầu ra cho nghêu thương phẩm, giải quyết sinh kế cho bà con xã viên, anh đã nảy ra ý tưởng làm khô.

Sau thời gian hơn 3 tháng anh Châu nghiên cứu, mày mò, sản phẩm khô nghêu được ra đời. Lúc đầu, anh đem biếu cho xã viên và bà con gần nhà dùng thử; được mọi người khen ngon, anh đăng tải trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán. 

Những đơn hàng đầu tiên xuất đi, tạo động lực để anh nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường. Hơn 2 năm qua, sản phẩm khô nghêu của anh Châu đã góp mặt trên các kệ hàng ở khắp các tỉnh, thành trong nước, thậm chí còn xuất bán cho thị trường nước ngoài theo đường tiểu ngạch.

Chẳng ai ngờ anh nông dân Cà Mau lại có cách làm không giống ai, đem nghêu đi phơi ra đặc sản quá độc, lạ- Ảnh 1.

Nhân công của HTX nuôi nghêu Châu Ðại Dương đang tách thịt nghêu để phơi khô.

Anh Châu cho rằng, sản phẩm khô nghêu giàu dinh dưỡng, có vị vừa ăn, dễ chế biến, có thể ăn kèm với nhiều món khác giống như tôm khô. So với làm tôm khô, cá khô thì món khô nghêu dễ làm và ít công đoạn hơn. 

Sau khi rửa sạch, nghêu tươi được ngâm khoảng 8 giờ để loại bỏ cát, sau đó luộc chín, tách lấy thịt và đem phơi. Nghêu thịt được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, sau khoảng 2 ngày là có thể dùng được. 40 kg nghêu tươi sẽ chế biến được 1 kg khô nghêu.

Hiện, mỗi tháng cơ sở anh Châu cung cấp từ 15-20 kg khô nghêu, giá bán 1,2 triệu đồng/kg. Sản phẩm được chế biến, bảo quản cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có đóng gói, hút chân không và dán tem nhãn của HTX. Ðể có đủ sản phẩm đáp ứng đơn hàng, anh thuê thêm 4-5 nhân công, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Hai tay thoăn thoắt tách thịt nghêu, chị Lê Hồng Em chia sẻ: “Nhà tôi ở kế bên, gần 2 năm nay, cứ cách 1, 2 ngày là tôi qua nhà anh Châu làm nghêu. Công lao động được trả theo giờ, mỗi ngày cũng được từ 200-250 ngàn đồng, giúp xoay xở chi tiêu sinh hoạt, nuôi con nhỏ đi học”.

Cũng như anh Châu, gần 2 năm nay, chị Hồng Kim Huệ, ấp Khai Long, xã Ðất Mũi, cũng tập tành làm khô nghêu. Từ chỗ làm ra để phục vụ bữa ăn trong nhà, nay món khô nghêu của chị được thị trường biết đến nhiều hơn, giúp gia đình có thêm thu nhập.

Chị Huệ phấn khởi cho hay, từ năm 2022 đến nay, sản phẩm khô nghêu của chị được góp mặt trưng bày trong các chương trình, sự kiện quảng bá sản phẩm, kích cầu du lịch của huyện, tỉnh. May mắn là được thực khách đón nhận, mua hết số lượng bày bán, nhiều người còn liên hệ đặt hàng thêm. Hiện mỗi tháng chị cung cấp từ 7-10 kg khô nghêu cho thị trường.

Chẳng ai ngờ anh nông dân Cà Mau lại có cách làm không giống ai, đem nghêu đi phơi ra đặc sản quá độc, lạ- Ảnh 2.

Nghêu sau khi luộc, tách vỏ, được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. (Trong ảnh: Chị Hồng Kim Huệ phơi nghêu).

Chị Huệ bộc bạch: “Cái khó hiện nay là đầu ra sản phẩm còn hạn chế bởi món ăn này vẫn còn khá mới mẻ đối với người tiêu dùng. Gia đình rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ngành chức năng để quảng bá, xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tạo thương hiệu cho nhiều người biết đến, giúp sản phẩm vươn xa hơn trong thời gian tới”.

Ông Lâm Quốc Trạch, Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, thông tin: “Trước mắt, địa phương sẽ tích cực hỗ trợ hộ dân xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; hướng dẫn thiết kế bao bì, nhãn mác; hỗ trợ tìm kiếm đầu ra. Ðồng thời, xã cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng các hộ làm nghề chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết, phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ gắn sao OCOP cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm phát triển bền vững mô hình”.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *