Ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) là nơi có nghề trồng mai nu (cây mai chiếu thủy, cây mai nu mặt khỉ) nổi tiếng của huyện.
Nhiều nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa với mô hình trồng mai nu chiết cành, cây mai nu tạo hình, trong đó tiêu biểu có ông Huỳnh Văn Nghĩa.
Ông Nghĩa đã gắn bó với nghề trồng mai nu hơn 50 năm. “Loại cây kiểng cổ u nần khắp thân, rêu phong có sức hút lạ thường”, ông Nghĩa thổ lộ.
Theo ông Nghĩa, những u nần trên thân cây mai nu có hình dáng như mặt khỉ. Vì vậy, dân chơi cây kiểng đặt cho mai nu là mai nu mặt khỉ.
Ông Nghĩa cho biết, cây mai nu mặt khỉ rất dễ trồng. Người trồng chỉ cần chiết cành ghim xuống đất là cây tự phát triển.
Tuy nhiên, để tạo dáng, tạo hình cho cây mai nu thành sản phẩm nghệ thuật, người trồng phải có nghề. “Trồng mai nu rất công phu, từ cây nguyên liệu đến nuôi dưỡng, tạo hình, tạo dáng cho cây.
Cây mai nu mặt khỉ đã tạo hình hoàn chỉnh, theo nguyên tắc chơi kiểng cổ có giá trị rất cao.Trung bình, một cặp mai nu mặt khỉ đã hoàn chỉnh có thế có giá 60 – 80 triệu đồng”, ông Nghĩa cho biết.
Vườn trồng cây cảnh-cây chiếu thủy (cây mai nu, mai nu mặt khỉ) của gia đình ông Nghĩa, nông dân ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang).
Ông Nghĩa cho biết thêm, sản phẩm mai nu mặt khỉ giá trị ở chỗ có cây nhiều u nần và nốt u to.Theo ông Huỳnh Văn Nghĩa, để có những gốc mai nu u nần, người trồng mai nu rất kỳ công.
Người chơi kiểng sành điệu sẵn sàng trả giá rất cao đối với những gốc mai nu được trồng lâu năm, được tạo hình đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa triết lý.
Để có những gốc mai nu như ý muốn, người trồng phải mất 3 – 5 năm để trồng cây nguyên liệu. Khi gốc cây mai nu đạt kích cỡ, người trồng cho cây vô chậu.
Sau đó, người trồng mới chỉnh sửa, tạo dáng cho cây mai nu.Trong quá trình tạo hình, chỉnh dáng, người trồng định kỳ uốn cong thân để tạo hình, như: “Siêu phong bán nguyệt”, “Lá rụng về cội”, “Vô nữ bất thành mai” hay “Tam cương, ngũ thường”…
Ít nhất phải mất 5 năm người trồng cây cảnh đang hot này phải tỉ mỉ tạo hình, cây mai nu mới định hình dáng dấp.
“Tùy theo ý thích của người trồng mà tạo dáng cây. Tuy nhiên, phải đảm bảo nguyên tắc và triết lý tạo hình. Ví như, muốn thể hiện triết lý “Lá rụng về cội”, thì người trồng uốn ngọn cây mai nu chiếu thẳng xuống trùng với gốc mới đạt yêu cầu”, ông Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghĩa, tuy dễ trồng nhưng cây mai nu dễ bị sâu bệnh, như sâu đục thân. Nên người trồng phải thường xuyên thăm vườn.
Ở xã Thanh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang người trồng cây cảnh đem cây mai nu mặt khỉ (cây mai chiếu thủy) trồng dưới ruộng. Người dân đắp mô đất cao và trồng mai nu, xung quanh vẫn là nước.
Nếu cây mai nu bị bệnh phải phun xịt thuốc đặc trị. Ngoài ra, người trồng còn phải bón phân cân đối cho cây. Cây mai nu rất thích hợp phân hữu cơ, tro trấu, phân bò; cần tưới nước phù hợp, tránh cây bị mất nước.
Nhờ trồng mai nu, ông Huỳnh Văn Nghĩa, xã Thanh Nhựt, huyện Gò Công Tây đã có khu vườn với 6.000 m2 đất thu tiền tỷ.
Trồng mai nu trên nền đất ruộng
Hay như anh Trần Đông Liệt (45 tuổi), khu phố 3, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) đang sở hữu vườn mai chiếu thủy 5 năm tuổi, trị giá trên 2 tỷ đồng cho biết: Với diện tích gần 5.000 m2, hiện gia đình anh có khoảng 20.000 cây mai chiếu thủy lớn, nhỏ.
Theo giá trị trường hiện nay, các cây mai chiếu thủy hơn 3 năm tuổi hiện anh bán với giá 300.000 đồng/cây. Mai 5 năm tuổi 500.000 – 700.000 đồng/cây…
Theo anh Liệt, việc trồng mai chiếu thủy trên đất ruộng với quy mô lớn tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, giúp cây mai phát triển rất nhanh. Thông thường chỉ cần sau 1 năm, cây mai đã có nu và sau 3 năm đã đạt chuẩn cây nguyên liệu để đưa lên chậu tạo hình. Ngoài ra, anh còn bầu chiết nhánh bán cây giống.
Từ những gốc mai nguyên liệu trồng dưới ruộng, cùng với việc tìm mua các gốc mai chiếu thủy cổ thụ ở địa phương, anh đã uốn, tạo dáng, sửa rễ để tạo kiểng bonsai, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện anh còn khoảng trên 10 cặp mai chiếu thủy Bonsai đã thành hình, giá trị mỗi cặp giao động từ 30 – 50 triệu đồng.
Ở xã Long Vĩnh có anh Trần Trọng Tân (52 tuổi), sau khi xuất ngũ về địa phương, anh đã miệt mài lao động sản xuất, chọn cây trồng thích hợp trên đất lúa kém hiệu quả.
Tích cóp được số vốn, anh mạnh dạn trồng cây mai nu. Từ học hỏi kinh nghiệm cùng với niềm đam mê, anh “bén duyên” với cây mai nu đã hơn 30 năm. Hiện nay, vườn mai nu của anh với diện tích trồng mai nu gần 2 ha, hàng trăm cặp kiểng đã thành hình có giá trị hàng tỷ đồng.
Giờ đây, cây mai chiếu thủy không chỉ để làm đẹp cho ngôi nhà, hay để ngắm nhìn cho vui mắt mà nó còn mang lại thu nhập cao giúp phát triển kinh tế. Một số nhà vườn chuyển sang chơi mai Bonsai có dáng thế độc lạ, giá trị cả trăm triệu đồng phục vụ khách chơi dịp Tết.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) ông Trần Văn Luông, các tác phẩm mai nu bán giá khá cao. Bởi đây là những gốc mai nu đã trồng lâu năm và được tạo dáng độc đáo.
Cũng theo ông Luông, hiện trên địa bàn huyện Gò Công Tây có khá nhiều nông dân trồng mai nu để kinh doanh. Các xã tập trung trồng mai nu mặt khỉ nhiều như: Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Bình Nhì, Vĩnh Hựu và thị trấn Vĩnh Bình.
Nghề trồng mai nu đang phát triển mạnh tại huyện Gò Công Tây. Hiện, tại xã Thạnh Nhựt đã thành lập Tổ hợp tác kinh doanh hoa kiểng làng mai nu Thạnh Nhựt. Ngoài cung cấp cây mai nu giống, tổ hợp tác còn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng hoa, cây kiểng cho nông dân.
Hiện nay, UBND huyện Gò Công Tây đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép cho UBND huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) làm chủ sở hữu thương hiệu “Cây mai chiếu thủy nu Gò Công”.
Qua việc đăng ký thương hiệu cây mai thiếu thủy nu Gò Công giúp cho người dân trồng mai chiếu thủy nu được bảo vệ chính đáng và góp phần quảng bá, nâng cao giá trị cây mai chiếu thủy vùng đất Gò Công.
Leave a Reply