Khi Quang Huy sinh ra ở khu văn công Cầu Giấy, những năm thập niên 70, 80 xa xưa, Cầu Giấy vẫn là một huyện ngoại thành và điều kiện phát triển còn thua xa những nhộn nhịp của khu vực nội thành. Nhưng 4 tuổi bé Huy được bố mẹ gửi vào nội thành ở cùng ông bà nội trên phố Phó Đức Chính (Ba Đình, Hà Nội) đến năm lớp 6, Quang Huy về Cầu Giấy sống cùng bố mẹ. Năm lớp 6, bắt đầu vào học THCS thì Quang Huy trở về khu văn công Cầu Giấy sống với bố mẹ, do người chú khi ấy đã từ Liên Xô trở về. Mỗi ngày cậu bé Huy 12 tuổi đều học cách nấu những món ăn đơn giản, để bố mẹ đi làm về mệt chỉ nấu thức ăn. Chiều ra nhà trẻ đón em, chơi với em đợi bố mẹ đi làm về.
Điều đặc biệt là những năm tháng học tiểu học Mạc Đĩnh Chi, Quang Huy đứng số 1 ở lớp. Nhưng khi về ngoại thành Cầu Giấy, thì cú sốc giáng xuống Quang Huy không phải là thay đổi môi trường sống mà chính là bị các bạn học cùng trang lứa dù ở ngoại thành học giỏi vượt mình, đẩy Quang Huy xuống vị trí thứ 6 trong lớp.
Năm Huy 7 tuổi, bố đã dẫn anh ra sân Hàng Đẫy xem bóng đá. Tuổi thơ của Huy đầy đủ, bố mẹ mua sách truyện cho anh đọc hàng tuần, sách là một thế giới tuyệt vời xâm lăng tuổi thơ của Quang Huy thật mãnh liệt khi đó. Quang Huy tâm sự: “Tôi rất chăm đọc sách và học rất tốt những môn tự nhiên từ nhỏ. Đặc biệt trời phú cho tôi có trí nhớ tốt. Khi đọc truyện hoặc xem một trận bóng hay, tôi luôn nhớ những dữ liệu quan trọng của trận đấu từ lối đá và kỹ thuật của từng đội, cầu thủ xuất sắc.. Thi thoảng các bạn gặp tôi hay bảo tôi kể về trận bóng, tôi có thể tường thuật ngon lành diễn biến trận đấu bằng ngôn ngữ của một đứa “ngấm” từ việc đọc sách và trải nghiệm thơ trẻ đầu đời”.
Sở thích cậu bé Quang Huy khi ấy là truyện trinh thám của Agatha Christie, Sherlock Holmes, George Simenon và các tác phẩm của Alexandre Dumas, 4 tác giả này Quang Huy nghiền ngẫm đọc gần như trọn bộ. Những cuốn sách Quang Huy thích nhất hồi bé là: Hoàng tử bé, Chiếc khuy đồng, Trung phong chết trước lúc bình minh, Những tấm lòng cao cả, Ông già và biển cả & Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer. Những cuốn sách đề cao tinh thần dũng cảm, trí tuệ và sự khám phá của con người nhỏ bé, hữu hạn trước thế giới mênh mông. Thế giới trong trang sách mỗi khi khép lại, trong tâm hồn Quang Huy lại mở ra những chân trời rộng lớn hơn: “Đó là một cậu bé ham đọc sách đã giúp tôi dám ước mơ và không sợ hãi trước sự lựa chọn của mình sau này. Đọc sách giúp vốn sống của tôi được nâng lên cùng những trải nghiệm. Nhờ đọc sách, tôi thấy cuộc đời mình hạnh phúc biết bao! Tôi thầm cảm ơn bố mẹ đã định hướng cho tôi trở thành một con người của hôm nay”.
Lúc trở về Cầu Giấy sống cùng bố mẹ, Quang Huy học ở trường THCS Dịch Vọng, Hà Nội. Chính vì ngấm vị đắng của việc tụt hạng xuống thứ 6 của lớp, cậu học sinh “nội thành” khi ấy khiêm nhường nhận ra rằng vị trí địa lý không quyết định được trình độ học vấn. Học THCS thì được học tiếng Nga, sang THPT (cấp 3), Quang Huy học tiếng Pháp, anh từng đi thi học sinh giỏi tiếng Pháp cấp thành phố. Thế nhưng vì mặc định thời bao cấp rằng đã là con trai thì phải học giỏi khối A (Toán – Lý – Hóa) nên Quang Huy chọn Đại học Tổng Hợp.
Quang Huy tâm sự: “Lúc bắt đầu vào đại học, kinh tế gia đình tôi bắt đầu đi xuống. Tôi vẫn mê đọc sách nhưng đã thích ứng từ mua sách, truyện sang thuê sách truyện. Tôi càng ý thức tự lập hơn, chỉ xin tiền khi thực sự cần thiết, không để bố mẹ phải suy nghĩ nhiều về mình”. Anh chọn sống chậm hơn, chăm chút nhiều hơn đời sống tinh thần, sức khỏe của bản thân và gia đình. Anh chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ sau bữa cơm ngồi uống trà đàm đạo với bố về bóng đá, về các vấn đề chính trị xã hội không biết chán. Những buổi uống trà ấy gắn kết tình cảm hai cha con đi qua bao biến thiên của cuộc sống bằng tâm hồn vui vẻ nhưng đong đầy hạnh phúc gia đình, đó là cách bố mẹ đã hướng tôi đến một cảm xúc bình yên mà không nhàm chán, sau những đam mê”.
Một lần nhạc sĩ Vũ Thảo trở về từ cơ quan đài truyền hình Việt Nam (VTV), ông tâm sự với con trai: “Bên đài truyền hình đang tuyển bình luận viên thể thao, con có muốn thử sức không bố giới thiệu cho chú Vũ Huy Hùng?”.Thế là cuộc gặp đầu tiên với chú BLV Vũ Huy Hùng là một bài tập về nhà có tựa đề: “Có cúp C1 đang diễn ra, Huy hãy bình luận về đội Ajax Amsterdam rồi đem bài test đến đây. Chú thử cả khả năng viết và đọc của Huy”.
Hai hôm sau đến gặp chú Hùng, vừa thích thú lại vừa hồi hộp, sau khi thử giọng Huy, chú Hùng nhận xét: “Cháu viết tốt nhưng giọng đọc còn hơi trẻ con, chất giọng được. Tuy nhiên cháu phải thử sức ở nhiều môn thể thao, không riêng bóng đá”.
Quang Huy sau khi ngồi vị trí bình luận viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), anh đã nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ thể thao yêu thích. Đài từ của anh khỏe khoắn, cảm xúc tiết chế tốt, đặc biệt am hiểu sâu rộng của Quang Huy ở nhiều lĩnh vực được rèn giũa từ những tháng năm miệt mài thuê sách đọc.
Trở thành bình luận viên nhưng Quang Huy cũng phải nếm không ít lần tai nạn nghề nghiệp vì cái nghề nói trực tiếp và không có cơ hội sửa sai này, mỗi lần vấp ngã là một lần tích lũy kinh nghiệm. Quang Huy kể: “Vì quen với giải bóng đá người lớn, có lần bình luận cho giải bóng đá nhi đồng, tôi vô tình gọi các em nhỏ là “các anh”, sau khi phát hiện ra lỗi sai của thói quen đó, tôi giật mình nhưng đã nhanh chữa lại bằng cách đưa ra một câu bình luận mà nhiều người vẫn còn nhớ: Vâng! Chỉ vài năm nữa thôi những cầu thủ nhí này sẽ trưởng thành và chúng tôi phải gọi các cầu thủ là “các anh” đấy”.
Một lần khác, trong trận tường thuật giải bóng đá ở Công quốc Monaco, khi ấy nhà vua Rainer đã qua đời, vị hoàng tử ngồi ở ghế hạng A trên sân đã trở thành nhà vua nhưng bình luận viên Quang Huy vẫn gọi ông là hoàng tử. Lẽ ra lúc ấy anh phải cập nhật những tư liệu xã hội cơ bản này nhưng anh đã bỏ lỡ. Sau lời bình luận thiếu sót đó, dù được mọi người cảm thông nhưng anh không ngừng nhắc bản thân phải học nữa, học mãi thay vì “phô diễn” sự hiểu biết của bản thân.
Còn một chuyện hi hữu trong nghề nữa là dịp euro năm 2000, có cầu thủ bị đau ở đội hình xuất phát nhưng bình luận viên Quang Huy lại không phát hiện ra. Đội bóng đã thay cầu thủ ấy bằng một cầu thủ khác ở đội hình chính thức trên sân. Thời điểm ấy internet chưa phát triển, lỗi do chủ quan nhưng lòng tự trọng nghề nghiệp khiến anh cảm thấy xấu hổ cho tình huống ấy vô cùng và luôn nhắc nhở bản thân phải rút ra những bài học sau mỗi lần gặp sự cố đáng tiếc như thế.
Trong nghề bình luận viên, Quang Huy ảnh hưởng lớn từ bình luận viên Vũ Huy Hùng, bình luận viên Trần Tiến Đức (con trai bác Trần Duy Hưng, nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội). Sau này anh cũng nhận ra, phong cách của hai tiền bối ấy cũng mang đậm dấu ấn của BLV Liên xô cũ Pereturin, một phong cách đĩnh đạc cùng nền tảng kiến thức xã hội vững chãi. Vũ Quang Huy và Trịnh Long Vũ đã biết nhau từ năm 1993 – 1994 khi còn đang là những cậu sinh viên trẻ mới ra trường, Quang Huy sinh hoạt trong nhóm nhạc Libration (bao gồm nhiều nhóm nhạc Rock nước ngoài, cấp độ nặng hơn), Long Vũ thì ở nhóm Desire (Desire chuyên chơi nhạc Beatles), hai nhóm này tập trung những sinh viên trẻ đam mê âm nhạc, thường tụ tập trên quán cà phê Bà Bích, phố Đinh Tiên Hoàng để chia sẻ những đồng điệu của tâm hồn và sở thích. Hai người “biết” nhau nhưng lại chưa thân. Đến khi vô Đài truyền hình Việt Nam, cả hai mới nhận ra đã từng gặp nhau trong một quán cà phê hừng hực tuổi thanh xuân khi đó.
Cả hai chạm trán nhau ở đài trong công việc bình luận viên, một Quang Huy “cổ điển, chậm rãi”, một Long Vũ “vui vẻ, hài hước” nhưng kết hợp với nhau khá ăn ý vì cùng có nền tảng tri thức rất vững chãi của những năm tháng học hành, đọc sách, thưởng thức âm nhạc miệt mài thời học sinh, sinh viên. Sự “bù đắp” cho nhau của hai bình luận viên sinh năm 1974 khi ấy, thực sự tạo nên miếng ghép hoàn hảo khiến chương trình bình luận đầy vui vẻ, hấp dẫn. Cả hai đều có đam mê nhóm nhạc Beatles và Rush. Vì thế sau mỗi buổi đi làm về, hai chàng thanh niên độc thân chưa vợ, chưa người yêu sẽ về nhà Quang Huy hoặc Long Vũ. Có khi nổi hứng sẽ ghé quán nào đó ăn uống rồi tìm nơi thưởng thức âm nhạc. Hai gã trai của vũ trụ VTV khi ấy tìm được tiếng nói chung trong âm nhạc, là âm nhạc chứ không phải một thứ vật chất xa xỉ nào đã gắn hết hai tâm hồn họ với nhau.
Bình luận viên Quang Huy kể: “Sau 6 năm gắn bó với nhau cùng những nhóm nhạc huyền thoại cả hai đều say mê thì năm 2000 Long Vũ kết hôn. Từ đó Long Vũ không còn thời gian bay nhảy cùng người bạn thân sau mỗi giờ tan tầm nữa. Nhưng tình bạn của tôi và Long Vũ vẫn thân thiết và gắn kết trong công việc đến tận bây giờ, không nhàm chán”.
Thu nhập của Quang Huy thập niên 90 ở đài VTV, anh không nhớ chính xác là bao nhiêu? Nhưng sống độc thân thì số tiền khi ấy khá thoải mái cho anh “nhâm nhi” thời trai trẻ hay đi xem ca nhạc ở nhà hát lớn và triển lãm Giảng Võ cùng Trịnh Long Vũ.
Trịnh Long Vũ ở VTV1, Quang Huy ở VTV3, hai bên có 10 năm cộng tác chéo với nhau nhiều chương trình thể thao. Sau này Quang Huy sang VTC thì Long Vũ sang VTV cap. Hiện Quang Huy cùng lên sóng với Long Vũ trong chương trình thứ tư hàng tuần: Nhà vô địch. Ngoài ra hai người bạn sinh năm 1974 còn chơi chung nhau trong nhóm hội Golf T74. Nhưng nhắc đến Long Vũ, Quang Huy vẫn nhấn mạnh rằng trước và sau, âm nhạc vẫn là sợi dây kết nối tâm hồn hai người, một thanh niên nghiêm túc và một chàng trai hài hước. Nhưng cả hai có điểm chung, đều thấy lâng lâng như đang bay lên một tầng cảm xúc nào đó thật giống nhau, để cùng bên nhau một thời trai trẻ, đắm say nhóm Beatles huyền thoại, âm nhạc đã vun đắp buồn vui trong một tình bạn 3 thập kỷ, quãng thời gian không phải là ngắn.
Bình luận viên Quang Huy cho biết thế hệ của anh và những người đi trước, trước khi là bình luận viên đều là những người yêu thể thao. Dù họ có thuyên chuyển làm những công việc khác thì họ vẫn yêu và trăn trở với thể thao rất nhiều. Thời của bình luận viên Quang Huy khi ấy khá lạc hậu, thông tin bị hạn chế do chưa có internet, vì thế để làm công việc này những bình luận viên như anh phải tích lũy kiến thức tự nhiên mới làm tốt công việc được. Bây giờ có internet, chỉ một cú click chuột là bình luận viên đã nắm được những kiến thức cơ bản của một trận đấu, giải đấu kể cả ở nước ngoài. Vì thế bình luận viên thời nay có thể làm tròn vai nếu bạn có bộ lọc tốt và nhanh nhạy.
Thế hệ của Quang Huy, tình yêu với thể thao có gì đó khá cực đoan, tất cả những gì thuộc về thể thao đều rất khó khước từ, cả những chương trình gián tiếp. Mỗi chiều chủ nhật, có chương trình thể thao của Liên Xô, anh có đi đâu sẽ sắp xếp đi buổi sáng, buổi chiều là chỉ ngồi ở nhà đợi đến giờ mở tivi xem. Bình luận viên Quang Huy chia sẻ: “Với tôi, cực đoan nghề nghiệp thì sẽ để lại dấu ấn cho khán giả, bình luận thể thao cũng là một môn nghệ thuật, đòi hỏi có sự bay bổng nhất định. Một trận đấu mà đều đều, thiếu điểm nhấn nhưng bình luận viên có kiến thức sâu rộng và tích lũy thì sẽ khác”.
Điều đặc biệt trong một trận đấu có thể sẽ xuất hiện một hình ảnh đột xuất không có trong kịch bản, sự liên tưởng của bình luận viên rất quan trọng khi ấy. Về sự liên tưởng khi đã có tích luỹ tự nhiên sẽ rất dễ tạo được đường link giữa các thông tin, BLV Quang Huy chia sẻ: “Ví dụ gần đây tôi rất tâm đắc với một ý mà nhiều báo trích dẫn là Quang Hải sang Pháp có nhiều thuận lợi. Bởi người Pháp khi nói về Việt Nam không chỉ là Điện Biên Phủ. Từ nhiều năm trước đã có những trí thức Việt Nam học tập, làm việc ở Pháp được cụ Hồ mời về tham gia kháng chiến và giúp cho đất nước lâu dài. Gần đây chúng ta vẫn có những nhân tài sống và làm việc ở Pháp trong nhiều lĩnh vực. Bởi thế người Pháp có thể chưa biết nhiều về bóng đá Việt Nam nhưng với họ giúp cho một cầu thủ Việt Nam toả sáng trên đất Pháp cũng là một thách thức mang lại nhiều thú vị”.
Liên tưởng chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp bình luận viên có một phép so sánh giúp khán giả trên sân có một câu chuyện thêm màu sắc, cuốn hút theo những đường bóng chuyền trên sân của cầu thủ. Ví dụ trong một pha xử lý bóng của cầu thủ, bình luận viên nhớ lại trong một trận đấu trước đó, cầu thủ cũng có pha xử lý bóng như vậy hoặc pha xử lý bóng này giống một cầu thủ nào đó trong nước hoặc trên thế giới, từng gây ấn tượng khó quên với người xem.
Hiện nay, có nhiều bình luận viên trẻ mang màu sắc tươi mới cho thể thao, chia sẻ về điều này, bình luận viên Quang Huy tâm sự: “Tôi cho rằng việc gì cũng có gốc gác của nó. Có người thích lối bình luận của Quang Huy và có người lại thích lối bình luận quá khích một chút. Mọi người sẽ nói xem ông này bình luận lãng mạn, hứng thú hơn. Dù bạn có bay bổng cỡ nào thì bóng đá vẫn là cốt lõi của chương trình bình luận, nếu không đúng như vậy thì bạn là trợ hứng viên, chứ không phải bình luận viên nữa”.
Theo bình luận viên Quang Huy, 22 cầu thủ trên sân đã là những chiếc áo đẹp, người bình luận viên chỉ cần là một chiếc mắc áo treo chiếc áo lên đúng thời điểm, đúng vị trí là đủ.
Chia sẻ về công việc bình luận viên, Quang Huy cũng cho biết: “Nhiều người hỏi bình luận viên có cần biết đá bóng không? Tôi nghĩ là bình luận viên không thể chưa đá bóng bao giờ, có thể đá không giỏi, nhưng cần phải trải nghiệm mới có sự đồng cảm những gì đang xảy ra trên sân”.
Rất nhiều người hỏi bình luận viên Quang Huy về phép so sánh giữa U23 Việt Nam lứa Nhâm Mạnh Dũng và Quang Hải để tìm ra “độ vênh” nào đó. Nhưng với Quang Huy anh không thích sự so sánh giữa các thế hệ, thế hệ bóng đá trẻ để “ươm mầm” cho những cây mạnh mẽ, dẻo dai, khỏe khoắn, họ là lứa cầu thủ trưởng thành trong ĐTQG. Ngay cả những người hiểu biết về bóng đá nhất, chẳng mấy ai nhớ được đội nào vô địch Olympic nhiều nhất đâu. Ưu điểm của U23 lứa Quang Hải là được cọ xát nhiều, dạn dày kinh nghiệm. Dù thế nào những cầu thủ mới bao giờ cũng tạo nên sự đột phá. U23 lứa sau hoàn toàn mới nhưng họ có khát khao muốn bước ra ngoài ánh sáng để khẳng định vị thế của mình trong tương lai. Mỗi một lứa cầu thủ sẽ có những điểm sáng riêng cần được ghi nhận.
BLV Quang Huy chia sẻ: “AFF năm nay, Việt Nam là ứng viên sáng giá cho chức vô địch. Có thể ông Park sẽ tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ ra sân nhưng cũng có thể phút chót ông Park sẽ chọn cầu thủ kinh nghiệm. Những cầu thủ mới bao giờ cũng sẽ tạo nên sự đột phá, tươi trẻ làm cho không khí đội bóng nâng lên”.
HLV Park Hang-seo thời gian qua cho thấy nhiệt huyết, vận son của ông vẫn còn. Với cách làm căn cơ của ông Park trong giai đoạn vừa rồi dù chưa thể lên được tầm cao mới. Nhưng kể cả ĐT Việt Nam lên tầm cao rồi thì ông Park dù có mưu lược và thực dụng vẫn chưa thể đảm bảo đội bóng vừa đá đẹp, vừa chiến thắng. Với cách đá mưu lược đưa đối phương vào bẫy, lối đá của ông Park chỉ cần lơ là thì đối phương sẽ bị thủng lưới ngay lập tức.
HLV Gong Oh-kyun là một người làm bóng trẻ tốt, đầy cảm xúc, bay bổng. Nhưng khi dẫn ĐTQG chắc chắn ông sẽ khác. BLV Quang Huy tin rằng hai ông huấn luyện viên người Hàn sẽ có những trao đổi chuyên môn với nhau trong giai đoạn này.
Đối với bình luận viên Quang Huy, trận thắng mùng 1 Tết nguyên đán 2022 trước ĐT Trung Quốc thuộc vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á của ĐT Việt Nam đem đến cho anh cảm xúc hưng phấn khi bình luận. Bởi đó là một chiến thắng rất quan trọng, một lần nữa khẳng định rằng hướng đi của ông Park rất đúng. Đó là một chiến thắng mang ý nghĩa như một bước tiến dài, qua mỗi trận đấu các cầu thủ đều có tiến bộ rõ rệt.
Với các bình luận viên khó xử nhất là khi đội nhà bị thủng lưới, không hô cũng dở mà hô cũng dở: “Theo như tôi tìm hiểu, các bình luận viên châu Âu và Nam Mỹ họ cũng bị trùng giọng xuống khi đội nhà bị lọt lưới, tuy nhiên cũng không nên cực đoan đến mức khi đội bạn ghi bàn thì không nói gì cả. Ít nhất cũng nói một câu, chẳng hạn: “Lưới chúng ta đã bị thủng rồi””.
Phương châm làm việc của anh là hãy yêu và làm tốt công việc của mình rồi những điều tốt đẹp sẽ đến.
Leave a Reply