Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi

Khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh trên các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai càng trở nên lung linh, huyền ảo. Chính vào thời điểm này, vẻ đẹp của chúng mới để lại ấn tượng khó quên.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 1.

Bầu trời đỏ rực nhìn từ cầu Bửu Hòa bắc qua sông Đồng Nai ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Minh Hạnh

Những cơn gió từ sông Đồng Nai luôn mang lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Vào mỗi buổi chiều khi nắng dần tắt, không khó để bắt gặp hình ảnh những cặp vợ chồng trung niên, những ông bà lớn tuổi đi dạo trên cầu. Trong khi đó, dòng người và xe cộ vẫn hối hả đi lại.

Những cây cầu không chỉ là công trình giao thông mà còn là chứng nhân lịch sử. Hai bên bờ sông, cảnh sắc đổi thay mỗi ngày, phản ánh sự phát triển không ngừng của thành phố từ những ngày đầu khai phá đến thời kỳ phát triển hiện đại.

Khi mặt trời dần khuất sau chân trời, ánh sáng vàng cam bao phủ cả một khu vực, tạo nên một không gian lãng mạn, yên bình.

Ngắm hoàng hôn trên cầu, người ta dễ dàng cảm nhận được sự thư thái, giải tỏa sau một ngày làm việc bận rộn. Những khoảnh khắc này mang lại cho người xem cảm giác gần gũi với thiên nhiên, giúp họ tạm quên đi những lo toan thường nhật.

Hãy cùng ngắm nhìn cảnh sắc hoàng hôn tuyệt đẹp trên những cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 2.

Khung cảnh cầu Hóa An bắc qua dòng sông Đồng Nai ở TP Biên Hòa lúc 5 giờ chiều khi nhìn từ công viên Nguyễn Văn Trị. Ảnh: Minh Hạnh.

Nằm sát bên công viên Nguyễn Văn Trị, cầu Hóa An là một điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng cho các bạn trẻ. Khi mặt trời lặn, ánh sáng rực rỡ chiếu xuống dòng sông, tạo nên một khung cảnh lãng mạn và yên bình.

Chiều chiều, người dân thường ra công viên hóng gió, tập thể dục. Những món ăn vặt như: cá viên chiên, bánh tráng nướng, trà chanh, sinh tố… là những món ăn được các bạn trẻ yêu thích, vừa ngồi thưởng thức, tâm sự, vừa ngắm view hoàng hôn tuyệt đẹp.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 3.

Những cụ già thích ra đây ngắm khung cảnh yên bình lúc hoàng hôn trên cầu Hóa An, thành phố Biên Hòa. Ảnh: Minh Hạnh

Cầu Hiệp Hòa, là cây cầu nối liền trung tâm thành phố với cù lao Hiệp Hòa. Sau khi cây cầu được khánh thành, người dân tiết kiệm rất nhiều thời gian di chuyển vào trung tâm thành phố. Từ cầu Hiệp Hòa có thể thấy được cầu Ghềnh ở phía đối diện.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 4.

Một góc cầu Hiệp Hòa bắc qua sông Đồng Nai vào buổi chiều tà. Ảnh: Minh Hạnh

Đi hết cầu Hiệp Hòa, rẽ trái sang đường Hà Huy Giáp là đến hai cây cầu cực kỳ khó đi, không dành cho những “tay lái yếu”, đó là cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 5.

Cầu Rạch Cát chỉ có một lối đi nhỏ cho xe 2 bánh. Ảnh: Minh Hạnh

Cầu Ghềnh, một trong những cây cầu biểu tượng của Biên Hòa, được xây dựng từ thời Pháp thuộc và đã trải qua nhiều biến cố. Cầu bắc qua sông Đồng Nai, nối liền cù lao Phố với trung tâm thành phố Biên Hòa, là một phần không thể thiếu của tuyến đường sắt Bắc – Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế của khu vực.

Tuy nhiên, cây cầu này hiện đang có nhiều cách gọi khác nhau.

Theo ý kiến của nhiều người dân Biên Hòa, đặc biệt là những người lớn tuổi sống ở cù lao Phố, việc gọi tên cầu là “cầu Ghềnh” chưa đúng và không ý nghĩa bằng tên gọi “cầu Gành” mà người dân nơi đây đã sử dụng hàng trăm năm qua.

Tên “cầu Gành” không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử mà còn phản ánh đúng bản sắc văn hóa địa phương, gắn liền với ký ức và cuộc sống của nhiều thế hệ cư dân nơi đây.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 6.

Những chuyến tàu hoả Bắc – Nam lưu thông qua cầu Ghềnh mỗi ngày. Ảnh: Minh Hạnh

Nằm song song với cầu Ghềnh là cầu Bửu Hòa. Cầu Bửu Hòa là tuyến giao thông quan trọng nối phường Bửu Hòa với các khu vực lân cận.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 7.

Hoàng hôn trên cầu Bửu Hòa. Ảnh: Minh Hạnh

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 8.

Ông Lê Thanh Hoan (ngụ phường Bửu Hòa) cùng đồng đạp nghỉ chân ngắm hoàng hôn trên cầu Bửu Hòa. Ảnh: Minh Hạnh

Ông Hoan chia sẻ, chiều nào đoàn xe đạp của ông cũng đạp quanh khu vực phường Bửu Hòa, Hiệp Hòa, Tân Vạn. Đến tầm 5h45, 6h là đạp đến cầu Bửu Hòa, cả đoàn sẽ dừng lại nghỉ ngơi lấy sức và ngắm hoàng hôn trên cầu.

Cầu An Hảo nằm tại vị trí ngã ba sông, là một trong những cây cầu mang lại tầm nhìn tuyệt đẹp tại Biên Hòa. Từ cây cầu này, người dân có thể ngắm xe và thuyền bè qua lại, thấp thoáng xa xa là cầu Đồng Nai.

Mỗi buổi chiều, rất đông người dân câu cá, hóng mát trên cầu, tạo nên một bức tranh toàn cảnh sống động.

Cảnh hoàng hôn đẹp hút hồn nhìn từ các cây cầu bắc qua sông Đồng Nai ở một vùng đất hơn 325 tuổi- Ảnh 9.

Vẻ đẹp của cầu An Hảo vào lúc mặt trời lặn. Ảnh: Minh Hạnh


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *