Cận cảnh các hiện vật cổ lạ mắt bằng vàng ròng khi đào khảo cổ ở một di chỉ tại Lâm Đồng

Bí ẩn từ những phế tích đền tháp và dấu ấn của văn hóa Đông Sơn

Ở Lâm Đồng, ngoài các di chỉ khảo cổ thời tiền sử và mộ táng, còn tìm thấy cả những phế tích kiến trúc dạng đền tháp và mộ tháp, cùng những hiện vật đặc sắc mang đậm dấu ấn của văn hóa Đông Sơn mà trước đây nhiều người cứ ngỡ rằng chỉ tập trung ở phía Bắc Việt Nam.

Hiện nay, tại Lâm Đồng, có hai khu di tích khảo cổ dạng di tích kiến trúc (chỉ còn là phế tích) đã được phát hiện và khai quật đó là Khu Di tích khảo cổ học Cát Tiên hay còn gọi là “Thánh địa Cát Tiên” và Di tích khảo cổ học Proh.

Thánh địa Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên là tên gọi để chỉ Khu Di tích khảo cổ học Cát Tiên được phát hiện vào năm 1985. Đây là một quần thể di tích kiến trúc tôn giáo rộng lớn nằm trong các thung lũng kế tiếp nhau được bao quanh bởi những dải đồi thấp kéo dài. 

Khu thánh địa được phân bố dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai với chiều dài khoảng 15 km từ thị trấn Đồng Nai đến xã Quảng Ngãi, thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.Trong đó tập trung đậm đặc nhất là ở 2 xã Đức Phổ và Quảng Ngãi (tại đây có tới 7 cụm di tích với nhiều di tích đơn lẻ).

Qua 8 lần khai quật chính thức từ năm 1994 đến năm 2006 đã làm lộ rõ các thành phần kiến trúc (chỉ còn là phế tích). 

Đó là các dạng đền tháp và mộ tháp, hệ thống dẫn nước với các sàn gạch liên kết giữa các kiến trúc tháp phân bố trong khu vực. Theo nhận định của các nhà khoa học thì đây là một khu thánh địa với nhiều đền thờ mang đậm tính Ấn giáo của cư dân cổ đã từng tồn tại trên vùng đất Cát Tiên – Lâm Đồng.

img

Một số hiện vật vàng được phát hiện tại Di tích khảo cổ Cát Tiên. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lâm Đồng

Hiện vật thu được từ các đợt khai quật cũng khá phong phú và độc đáo.

Về kim loại: có tới hàng trăm mảnh kim loại màu vàng chạm khắc hình nam thần, nữ thần, những con vật linh, linh vật, chữ viết và một số Linga nhỏ bằng kim loại vàng, bạc. 

Đặc biệt, có một hộp bạc chạm nổi hình sư tử, xung quanh trang trí hoa lá rất lạ chưa từng gặp ở Việt Nam. Theo nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ thì hiện vật này có thể có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà hay Bắc Ấn (?).

Hiện vật bằng đồng cũng có rất nhiều, bao gồm: đĩa, cốc, bát chân cao, chân đèn, mặt tượng, vòng đồng có núm tròn chạy vòng quanh, hiện vật đồng hình ống,…

Hiện vật gốm thu được gồm có các loại bát chân cao, “nồi, bình có vòi, cà ràng mang đặc điểm của gốm tiền sử Đông Nam Bộ”( 1). Đặc biệt, có một chum gốm và một vò gốm được chôn theo dạng mộ chum, mộ vò.

Hiện vật bằng đá cũng có rất nhiều và được ghè đẽo chạm khắc rất tinh tế, sắc sảo. Trong đó đặc trưng nhất là các ngẫu tượng Linga – Yoni với nhiều kích cỡ và được chế tác từ nhiều loại đá khác nhau. 

Tiêu biểu nhất là bộ ngẫu tượng Linga -Yoni bằng đá xám (Linga dài 2,1 m, đường kính 0,7 m; Yoni vuông mỗi cạnh dài 2,6 m) ước nặng khoảng 4 tấn. Bộ Linga – Yoni này không những được xác nhận là bộ Linga – Yoni lớn nhất Việt Nam mà còn lớn nhất Đông Nam Á. 

Ngoài ra còn có một Linga bằng đá thạch anh nặng 3,435 kg. Đây cùng là Linga bằng đá bán quí lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay.

Ngoài các ngẫu tượng Linga – Yoni ở Cát Tiên còn tìm thấy các tượng thần Ganesa, Uma, các trụ cửa, mi cửa bằng đá xám có chạm khắc vân mây xoắn, hoa lá cách điệu rất đẹp. 

Đặc biệt, trong đợt khai quật lần thứ 6, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một “con triện” bằng đá có quai cầm dạng tròn dẹt dày khoảng 2-3 cm, có đường kính 13 cm. Trên mặt triện có khắc hoa văn, chữ cổ (?) rất tinh xảo.

Cùng với việc phát hiện các loại hình kiến trúc, những hiện vật thu được qua các đợt khai quật đã cho thấy tính đa dạng, phong phú của khu di tích này.

Điều đó cho phép các nhà khoa học bước đầu nhận định rằng “Quần thể di tích Cát Tiên có qui mô rất lớn mang đặc điểm của một quốc gia cổ, có sự phát triển khá sớm, có quan hệ rộng rãi với nhiều nền văn hóa ở vùng Nam Đông Dương và thế giới bên ngoài. Niên đại của di tích được đoán định khoảng thế kỷ IV – IX sau công nguyên”( 2).

Thánh địa Cát Tiên (Khu Di tích khảo cổ học Cát Tiên) đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1997; được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 31/12/2014.

img

Vòng lục lạc trong bộ sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn phát hiện khi khai quật khảo cổ tại Lâm Đồng. Ảnh: Đ.B.N

Di tích khảo cổ Proh

Cụm di tích kiến trúc Proh được phân bố dọc theo thung lũng Proh – K’Đơn thuộc xã Proh, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Di tích được phát hiện trong một cuộc điều tra khảo cổ học vào năm 1998. Cuộc khai quật đầu năm 1999 đã làm xuất lộ hai cụm di tích Proh I và Proh II (chỉ còn là phế tích).

Di tích Proh I là một kiến trúc đền thờ bằng gạch có bình đồ hình chữ nhật, kích thước 17,5 m x 5,5 m, nằm trên một gò đất lớn cao khoảng 10 m so với mặt đất canh tác.

Di tích Proh II nằm trên gò đất cao 2 m so với mặt đất canh tác. Với diện tích khai quật khoảng 372 m2 đã xuất lộ một phế tích nền kiến trúc bằng gạch được bao bọc bởi bờ tường có độ cao thấp khác nhau. 

Đây cũng là dạng kiến trúc đền thờ có bình đồ hình chữ nhật được xây dựng trên mô hình ngẫu tượng Yoni. 

Tại di tích này đã phát hiện được một số di vật: chân đèn thờ, âu gốm, đĩa gốm, bi gốm, chóp trụ trang trí bằng gốm, đặc biệt phát hiện một hộp gốm và một bình sứ có tráng men, 1 đôi bông tai bằng vàng, mảnh vàng, khối bạc cùng các mảnh đá quý (mặt nhẫn?), dọi xe chỉ, tinh thể thạch anh..

Di tích khảo cổ Proh có nhiều điểm tương đồng với các di tích kiến trúc của Khu Thánh địa Cát Tiên. Đây cùng dạng đền thờ của cư dân theo đạo Bà-la-môn có niên đại khoảng thế kỷ XII-XIV

Ngoài các di tích – phế tích đền tháp, mộ tháp được phát hiện ở trên, tại một số địa phương trên địa bàn Lâm Đồng người ta còn phát hiện được các hiện vật mang đậm dấu ấn của nền văn hóa Đông Sơn (mà các nhà nghiên cứu vẫn gọi là văn hóa Đông Sơn Nam) như Trống đồng Đông Sơn (loại 1-Heger1) có niên đại cách ngày nay từ 2.000 – 25.000 năm. 

Một sưu tập đồ đồng gồm 76 hiện vật trong đó có cả gương đồng, dao, nhiều lục lạc có kích thước to nhỏ khác nhau, vòng trang sức có trang trí hoa văn theo motip văn hóa Đông Sơn rất sắc sảo và ấn tượng. Tất cả các hiện vật trên đều được người dân phát hiện một cách tình cờ trong lúc làm nương rẫy tại huyện Lâm Hà và huyện Đạ Huoai.

Tóm lại, từ những phát hiện khảo cổ học trên đất Lâm Đồng từ thời tiền sử đến sơ sử, với hàng ngàn hiện vật, di vật khảo cổ vô cùng quí giá được phát hiện và đưa lên từ lòng đất, đã góp phần minh chứng mảnh đất này có thể là một trong những “cái nôi của loài người”, qua sự xuất hiện của những di chỉ xưởng chế tác công cụ đồ đá, khuôn đúc rìu đồng thời tiền sử. 

Đặc biệt là những bộ thạch cầm (đàn đá) đồ sộ được người tiền sử chế tác với kỹ thuật rất tinh xảo và được xếp vào loại đàn đá đẹp bậc nhất phát hiện tại Việt Nam.

Mảnh đất này cũng từng tồn tại một nền văn hóa cổ xưa tiếp nối văn hóa Phù Nam, đó là Khu Thánh địa Cát Tiên nổi tiếng có niên đại cách ngày nay trên 1.000 năm. 

Với những phế tích đền tháp, mộ tháp cùng dấu ấn văn hóa qua các sưu tập mảnh vàng chạm khắc hình nam thần, nữ thần, vật thờ Linga – Yoni, tượng đá,… Nhưng sự tồn tại và biến mất đầy bí ẩn của chủ nhân khu thánh địa vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ, đang chờ các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, giải mã.

Ghi chú: (1), (2) Theo tài liệu “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật lần thứ 6 Di tích khảo cổ học Cát Tiên của các tiến sĩ Đào Lin Côn và Bùi Chí Hoàng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *