Kiên Lương là một trong những huyện chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng xâm nhập mặn của tỉnh Kiên Giang.
Tình hình xâm nhập mặn, thường xuyên tại các tuyến kênh trên địa bàn các xã như: Hòa Điền, Kiên Bình, Bình Trị và thị trấn Kiên Lương.
Nhìn chung điều kiện tự nhiên của huyện Kiên Lương thuận lợi để phát triển nuôi trồng đa dạng các loài thủy sản.
Mặt khác thời gian qua mô hình luân canh lúa – tôm đã gặp những khó khăn nhất định của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và dịch bệnh, giá thành của tôm đang xu hướng tăng, làm giảm lợi nhuận của bà con nông dân.
Chính vì vậy cần thiết cần chuyển đổi, nghiên cứu thử nghiệm các đối tượng thủy sản phù hợp với điều kiện của vùng như luân canh với cây lúa.
Xuất phát từ tình hình trên, việc thực hiện dự án: “Xây dựng mô hình thử nghiệm nuôi luân canh cá chốt trắng (Mystus gulio F.Hamilton, 1822) – lúa tại huyện Kiên Lương” là rất cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nhận thấy được tầm quan trọng của vấn đề này Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang phê duyệt triển khai thực hiện dự án nêu trên do Phòng Kinh tế huyện Kiên lương chủ trì và Kỹ sư Phạm Công Nam làm chủ nhiệm.
Nhằm xây dựng các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế tại nông hộ, ổn định sinh kế của người dân, ngành chức năng đã lựa chọn đối tượng nuôi mới là cá chốt để nuôi thử nghiệm.
Đề tài được thực hiện trong nũa năm tại ấp Núi Mây, xã Bình Trị, với 2 hộ dân Nguyễn Chí Ngoãn và Trần Pha Lê tham gia. Đây là những hộ dân năng động, có điều kiện kinh tế, nhiệt tình chịu khó học hỏi và ao có sẵn.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi luân canh cá chốt trắng – trồng lúa tại xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Do là đối tượng nuôi mới nên trước khi thả giống, chủ nhiệm dự án tổ chức tập huấn cho 25 nông dân về kỹ thuật nuôi luân canh cá chốt trắng-lúa.
Sau 5 tháng nuôi để đánh giá kết quả và lấy ý kiến hoàn thiện qui trình nuôi cá chốt trắng –lúa, đã tổ chức được 1 cuộc hội thảo cho 30 đại biểu tham dự và cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện nhằm đánh giá và nhân rộng cho vùng nuôi trong huyện khi mô hình ứng dụng đạt kết quả.
Trong quá trình thực hiện mô hình từ khi thả giống đến lúc thu hoạch, cán bộ kỹ thuật phối hợp với hộ nuôi thường xuyên quan trắc môi trường nuôi, kiểm tra tình hình phát triển của cá.
Anh Nguyễn Chí Ngoãn chủ hộ nuôi cho biết: “Cá giống đem về khỏe mạnh, đồng đều về kích thước, màu sắc tươi sáng, bơi lội linh hoạt.
Do nhà đã có ao nuôi sẵn nên sau khi thu hoạch lúa tôi chỉ cải tạo ao, xử lý nguồn nước…suốt quá trình nuôi cá chốt tôi chưa phát hiện dấu hiệu của mầm bệnh”.
Trong thời gian 06 tháng nuôi Tôi đều ghi lại nhật ký theo dõi đầy đủ, tỷ lệ sống trung bình đạt 83%, lượng thức ăn công nghiệp trung bình 4.260 kg thức ăn, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) trung bình 1.36.
Cá chốt đạt trọng lượng 40 con/kg; thu hoạch cá chốt đạt sản lượng trung bình 3.112,5kg, giá cá chốt bán 70.000đồng/kg, tổng chi 151.945.000 đồng/ha.
Sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi cá đặc sản-cá chốt trắng trong ruộng đất lúa cho lợi nhuận trung bình 65.930.000 đồng/ha; giá thành trung bình đạt 48.817 đồng/kg; tỷ suất lợi nhuận đạt 43.4%.
Tôi thấy mô hình này đem lại lợi nhuận tương đối cao, đây là đối tượng có thể nuôi nhân rộng cho địa bàn xã Bình Trị nói riêng và cho huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang nói chung.
Cá chốt trắng đạt tỷ lệ sống cao, phù hợp với điều kiện tại xã địa phương. Nếu mô hình có triển khai thêm thì tôi đăng ký làm nữa.”
Bà Ong Kim Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) nhận xét cá chốt trắng là đối tượng nuôi mới trên địa bàn xã, cá dễ nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Vì vậy mô hình nuôi cá chốt thành công sẽ góp phần rất lớn cho việc tìm ra đối tượng nuôi mới của xã. Do đó, cần tạo điều kiện để nhân rộng mô hình, đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho hộ dân.
Leave a Reply