Hoàng Anh Tuấn có chất giọng nhẹ nhàng, phong thái trẻ trung hơn rất nhiều so với lứa tuổi vì có lẽ dân thể thao nên ông ngoài huấn luyện học trò, cũng rèn luyện cho mình sức khỏe, vóc dáng khá phong độ. Không giống tưởng tượng về một huấn luyện viên từng trải qua muôn vàn cơn lên đồng của bóng đá cùng những điều bất ngờ từng gặp trong đời, ông là một người điềm đạm và nhẹ nhàng, có chút gì kỷ luật nghiêm khắc với chính mình. Như thói quen của một người thầy, ông Hoàng Anh Tuấn đến cuộc hẹn rất đúng giờ với thái độ khá cởi mở.
Huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn kể: “Năm 1982, sở TDTT Phú Khánh (Khánh Hòa – Phú Yên) mở lớp năng khiếu bóng đá. Khi ấy chỉ có hai đội, lứa thiếu niên và lứa trẻ. Mặc dù có trường nhưng không phải lúc nào cũng được tự do tập luyện, cầu thủ muốn tập là tự trèo vô sân. Năm 1984 thành lập trường năng khiếu gồm nhiều môn: Điền kinh, quần vợt, bơi lội. Cựu vận động viên bóng bàn Đoàn Kiến Quốc chính là lứa học viên đầu tiên của trường”.
Hoàng Anh Tuấn bồi hồi nhớ lại kỷ niệm cái thời gạo châu củi quế của nghiệp quần đùi áo số: “Hồi đó tôi ăn cơm nhà thì hàng tháng trường sẽ cấp cho tôi 21kg gạo, 2 kg đường, 2 hộp sữa và phụ cấp 3.000 đồng/1 ngày. Năm 1987 tôi tốt nghiệp khóa đầu trường Năng khiếu Bóng đá Phú Khánh. Sau khi đội bóng sàng lọc, dù còn ít tuổi nhưng tôi được chọn lên đội I (đội I là đội bóng chuyên nghiệp của tỉnh Khánh Hòa). Lúc ấy tôi còn khá trẻ”.
Ngay khi tốt nghiệp trường Năng khiếu Bóng đá Phú Khánh, Hoàng Anh Tuấn cùng các học viên đã trải qua cuộc thanh lọc để chọn cầu thủ có năng lực tốt nhất lên đội I. Khi ấy Hoàng Anh Tuấn mới 18 tuổi và việc trở thành cầu thủ đội I là điều rất may mắn. Bóng đá Khánh Hòa trồi sụt thất thường vì liên quan kinh tế. Có giải đấu không đá, vì ngày đó không có nhà tài trợ, đội bóng được bao cấp hoàn toàn.
Thời điểm này Hoàng Anh Tuấn quyết định xin đi học, ông thi vào trường Đại học Thể dục Thể Thao và Đại học Thủy sản Nha Trang. Con đường học hành của ông phải tạm dừng lại khi Câu lạc bộ bóng đá Khánh Hòa mời ông đá lại để giúp sức đội được lên hạng. Năm 34 tuổi khi đội lên hạng, ông vừa làm huấn luyện viên phó vừa xin đi học. Nhưng kết quả ông thi đỗ lần trước không được bảo lưu nên ông đành thi đại học tại chức chuyên ngành bóng đá tại Đại học Thể dục Thể thao. Đến năm 2007, ông tốt nghiệp và tiếp tục học các chứng chỉ huấn luyện trong bóng đá.
Nhìn Hoàng Anh Tuấn ngoài sân cỏ, khi ông không áp lực với thành bại trước đối thủ, ông trẻ và phong độ hơn rất nhiều so với tuổi 55. Con đường học hành của Hoàng Anh Tuấn không phải suôn sẻ dễ dàng vì khi ông thi đỗ đại học thì lại bỏ dở để về đá cho Khánh Hòa lên hạng. Lúc ấy ông cũng 32 tuổi rồi, vậy mà năm 34 tuổi khi Khánh Hòa lên hạng, ông vẫn đau đáu về bằng cấp nên lại tìm cách đi học. Nhưng không may kết quả ông thi đỗ trường Đại học Thể dục Thể thao TPHCM và Đại học Thủy Sản Nha Trang không còn bảo lưu kết quả. Không bỏ cuộc vì ông ý thức được rằng để đi đường dài, đường xa trong nghiệp cầm quân, ông phải có bằng cấp.
Cũng may những bằng cấp, chứng chỉ ông có đều do địa phương cấp kinh phí, các khóa học do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giới thiệu. Ông nhận thức rằng trong tương lai không xa, những trận bóng giao lưu với khu vực sẽ cởi mở hơn vì thế ngoại ngữ rất quan trọng. Ông trau dồi ngoại ngữ bằng nhiều cách, nhưng phần lớn là tự học và giao tiếp với thầy cô giáo bản địa. Năm 2005, ông được tham dự lớp giảng viên bóng đá FIFA tại Ấn Độ, Thụy Sĩ do giảng viên FIFA dạy. Cùng thời điểm này ông học cùng huấn luyện viên Phan Thanh Hùng. Năm 2006 – 2007 ông đi học tu nghiệp tại Đức, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Trung Quốc… năm nào ông cũng đi học và mỗi chuyến đi như thế, vốn sống và ngoại ngữ cùng những trải nghiệm chuyên môn cứ dày lên.
Để trở thành một nhà cầm quân lão luyện như hiện nay, Hoàng Anh Tuấn cũng bắt đầu từ vị trí trợ lý. Năm 2002, ông từng làm trợ lý cho huấn luyện viên Nguyễn Hồng Quang, Đặng Quốc Hùng. Sau nữa là huấn luyện viên Luciano năm 2003 (Brazil), Trần Bình Sự, Lê Hữu Tường, Ngọc Hảo. Chữ học luôn được ông coi trọng ngang với chữ hành. Chính cái ý thức ấy nên khi đi học về, với vốn ngoại ngữ cùng những bằng cấp có được, Hoàng Anh Tuấn luôn toát lên một khí chất tự tin trên sân cỏ theo cách rất riêng.
Năm 2007, còn 6 lượt cuối cùng tình thế đội bóng khó khăn, huấn luyện viên Lê Hữu Tường xin từ chức. Lãnh đạo Khatoco Khánh Hòa đề nghị Hoàng Anh Tuấn lên ngồi vị trí huấn luyện viên trưởng thay cho anh Lê Hữu Tường. Nghiệp cầm quân của Hoàng Anh Tuấn bắt đầu từ giây phút này. Ông xốc vác Khánh Hòa và hoàn thành nhiệm vụ trụ hạng. Cùng năm đó, Hoàng Anh Tuấn được mời làm huấn luyện viên trưởng U21 Khánh Hòa dự giải U21 báo Thanh Niên tổ chức tại Nha Trang, ông làm đến năm 2012. Trong giải này đội Khánh Hòa vô địch.
Sự nghiệp huấn luyện viên của Hoàng Anh Tuấn đang thăng hoa sau quãng đường dài dành cho học hành, quay lại vị trí huấn luyện viên trưởng cho đội bóng Khánh Hòa. Con đường danh vọng vốn không trải hoa hồng, ai cũng hiểu điều ấy, nhưng khi đối diện với câu chuyện đơn vị chủ quản Khatoco bán đội bóng Khánh Hòa cho Xi Măng Hải Phòng vì … hoàn cảnh khi đó, lòng người ở, kẻ đi như có một lát cắt rất ngọt, đau chìm, tiếng thở dài của người trong cuộc khi không còn lựa chọn nào khác. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cũng trải qua cảm xúc hoang mang như một người lữ hành đứng trước hai ngã rẽ đi và ở, lựa chọn nào cũng hụt hẫng, chênh vênh …
Năm 2012, tổng công ty Khánh Việt (Khatoco, đơn vị chủ quản nuôi đội bóng) quyết định chuyển giao đội bóng. Có những chuyện nội bộ sâu xa, một người chỉ làm chuyên môn như huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn không thể hiểu hết. Có điều với mức 40-50 tỷ/1 năm để nuôi đội bóng không phải là lớn và quá sức với một doanh nghiệp lớn. Nhưng quyết định là từ lãnh đạo, ông không còn lựa chọn nào khác là nắm bắt tình hình diễn biến cụ thể của đội bóng qua những cuộc họp với ban lãnh đạo.
Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn kể: “Thời điểm 2012, Xi Măng Hải Phòng xuống hạng, sự chuyển giao đội bóng Khánh Hòa cho Xi Măng Hải Phòng được hiểu đơn giản là Xi Măng Hải Phòng không được đá V.League. Nhưng cuộc chuyển giao đội bóng thành công thì Xi Măng Hải Phòng đang từ hoàn cảnh “bị loại khỏi V.League” thành “được đá V.League” theo luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Lúc đó rất nhiều cảm xúc vì cuộc chơi này không đơn thuần là chuyên môn. Ở cương vị vừa là huấn luyện viên, vừa là giám đốc kỹ thuật, để thương vụ chuyển giao này thành công, phải có 15 cầu thủ Khánh Hòa đã từng đá mùa trước gật đầu về đầu quân cho Hải Phòng”.
Cuộc họp lúc ấy vô cùng căng thẳng, vì nản lòng, một số cầu thủ đá ĐTQG khi ấy như Lê Tấn Tài, Võ Duy Nam, Trần Trọng Bình, Lê Hữu Chương là những cầu thủ đá tốt nhất của Khánh Hòa từ trước tới nay phản ứng gay gắt. Điều đáng tiếc với huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khi ấy, Khánh Hòa đang có những cầu thủ chơi tốt nhất tại thời điểm đó. Tuy nhiên ông là người ở giữa, suy nghĩ rất nhiều về “đứa con tinh thần” của mình đã chuyển giao như thế, đến một thương hiệu mới, rồi sau này mọi thứ sẽ ra sao? Ở góc độ ân tình với đơn vị chủ quản những năm tháng họ chăm lo cho đội bóng, ông phải gật đầu thì mới kéo được 15 học trò đá mùa trước theo mình sang Hải Phòng để làm “tân binh”.
Trong suy nghĩ trên đường xuôi vạn lý về Hải Phòng – thành phố Hoa Phượng đỏ, nhiều cảm xúc ngổn ngang đè nặng tâm trí của Hoàng Anh Tuấn. Hợp đồng với Xi Măng Hải Phòng có thời hạn 2 năm (2013 – 2014), suy nghĩ tích cực thì đời huấn luyện viên ở nhiều môi trường huấn luyện khác nhau cũng sẽ giúp huấn luyện viên củng cố chuyên môn nghề nghiệp vững chãi. Sau lượt đi năm đầu tiên Hoàng Anh Tuấn về với Hải Phòng, đội Xi Măng Hải Phòng đứng đầu bảng xếp hạng lượt đi giải V.League.
Theo quy chế bóng đá, đội bóng phải trực thuộc một công ty độc lập. Lúc ấy, Hoàng Anh Tuấn rút lui khi hợp đồng chưa hết hạn vì sự phức tạp của chuyên môn thời điểm đó. Ông lại khăn gói lên đường đi học 5 học kỳ 2014-2015 để lấy bằng Pro, ông muốn “refresh” lại cảm xúc cùng những thăng trầm bằng những trải nghiệm mới.
Đến với U19 Việt Nam, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn luôn có những lời gan ruột trong giáo án mỗi khi dạy học trò: Để trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, để đi xa hơn cùng trái bóng trên bản đồ khu vực và thế giới, thì luôn nằm lòng mấy điều: Kỷ luật, khát vọng, chăm chỉ. Đồng thời ông luôn nhắc học trò về sự nghiệt ngã cùng quy luật đào thải của bóng đá, thứ không dành cho người bi lụy hay yếu đuối.
Đối với cầu thủ, được gọi lên tuyển để chuẩn bị thi đấu cọ xát ở một giải đấu lớn trong khu vực, lúc đi hồ hởi hi vọng bao nhiêu, nhưng lúc huấn luyện viên chọn người đi, có thể cầu thủ đó lại nằm trong danh sách trả về. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn tâm sự: “Bóng đá rất nghiệt ngã, có khi gọi lên tuyển bị trả về. Các cầu thủ không đáp ứng đòi hỏi của huấn luyện viên khi đó nên trả về, chứ trong bóngđá không có yêu ghét, tất cả vì đội bóng, vì hướng tới sự nỗ lực chung nên tinh thần kỷ luật đặt lên hàng đầu”.
Để xây dựng một tập thể giàu sức chiến đấu và đoàn kết, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn ngay khi nhận nhiệm vụ đã lên đường đi tuyển sinh. Những cầu thủ mà ông nhận về từ những đội bóng trẻ như: Đoàn Văn Hậu (U17 CLB Hà Nội), Hồ Tấn Tài (Bình Định), Hà Đức Chinh, Quang Hải, Tiến Linh, Đình Trọng, Hoàng Đức, Trọng Đại, Bùi Tiến Dụng, Bùi Tiến Dũng…
Có trong tay lứa cầu thủ tiềm năng rực rỡ, cùng với việc nghiên cứu đối thủ qua truyền thông, mạng xã hội cùng những trận đấu của họ đã từng diễn ra trước đó, thậm chí những bài phân tích chuyên môn đội bóng… vậy nên khi đến với sân chơi quốc tế, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn ở thế chủ động, tự tin của một nhà cầm quân, dù mục tiêu chinh phục khi ấy thật sự còn khiến nhiều người hoài nghi.
Đứng trước bất kỳ giải đấu nào, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cũng đặt mục tiêu cùng học trò khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Đưa ra mục tiêu để cầu thủ phấn đấu hết mình khi có cơ hội được đá. Đội bóng U19 Việt Nam tham gia giải U19 Đông Nam Á của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn khi đó chỉ tập trung được 7 tuần, thời gian tập luyện chưa được nhiều. Năm đó dù được HCB nhưng rất nhiều thị phi ồn ã do thua Thái Lan 0 – 6. Về chỉ tiêu thì vượt chỉ tiêu nhưng truyền thông và người hâm mộ vẫn khó chấp nhận điều này khi thua đậm trước Thái Lan.
Sau giải đấu U19 Đông Nam Á, U19 Việt Nam của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn bắt đầu đá vòng loại U19 Châu Á vào tháng 10/2015 tại Myanmar. Sau trận thắng chủ nhà Myanmar, U19 Việt Nam giành vé dự vòng chung kết tại Bahrain tháng 10/2016. Đây là một bước ngoặt lớn với U19 Việt Nam.
Trước khi cầm quân đi Bahrain, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nghe lời gièm pha: “Đưa quân đi thì để thua ít thôi”. Ông im lặng vì những thị phi, tiêu cực, là một phần của đời cầu thủ, huấn luyện viên, không thể nào khác được. Ông cũng cho rằng tâm lý cầu thủ mới lớn U17, U18, phong độ vẫn còn chưa ổn định, nay chơi hay, mai chơi dở. Điều quan trọng nhất là khắc phục tâm lý tự ti của cầu thủ, thể lực mình không sợ dù thua thể hình người ta. Có người nói: “Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn bị điên”.
Lúc đến VCK U19 châu Á tại Bahrain, trong tay ông có ê-kíp rất mạnh. Ông Jurgen Gede (Giám đốc kỹ thuật người Đức), trợ lý Martin (người Đức) – vị huấn luyện viên thể lực rất rành về bóng đá Trung Á do đã từng làm việc tại đây, ban huấn luyện có HLV Trần Minh Quang, Đinh Hồng Vinh (GĐ Học viện Juventus) vv… Quan trọng hơn cả, danh sách học trò ông mang đi chinh chiến lần này có Trọng Đại, Tiến Linh, Bùi Tiến Dũng, Hoàng Đức, Hà Đức Chinh, Huỳnh Tấn Sinh, Phan Thanh Hậu… và rất nhiều cầu thủ chơi tốt khác.
Bước vào VCK giải U19 châu Á, U19 Việt Nam của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn thắng CHDCND Triều Tiên, hòa UAE, hòa Iraq trong thế trận chỉ còn 10 người khi Trọng Đại bị thẻ đỏ. Trận tứ kết với chủ nhà Bahrain vào ngày 25/10/2016, diễn ra lúc 12h30 đêm giờ Việt Nam khi ấy, U19 Việt Nam đã giành thắng quả cảm 1-0 để giành tấm vé dự U20 World Cup. Đêm lịch sử ấy, ông cùng các cầu thủ, thành viên BHL Việt Nam dường như mất ngủ. Hàng triệu khán giả Việt Nam cũng dường như mất ngủ. Bóng đá là vậy, đỉnh vinh quang hay vực sâu thành tích, chỉ cách nhau ở số bàn thắng vào lưới đối phương. Quy luật thành bại của nghiệp bóng đá tưởng chừng đơn giản mà nghiệt ngã vô cùng.
Có người nói huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn bị điên, vĩ cuồng khi dám mơ giấc mơ World Cup, một giấc mơ xa xỉ và đắt đỏ với cả người hâm mộ lẫn cầu thủ, người cầm quân, giới chuyên môn. Hoàng Anh Tuấn tâm sự: “Không phải mình mơ hồ về World Cup, là một nhà cầm quân, nghiên cứu rất kỹ về đối thủ, về sân chơi World Cup, nền tảng mình đang có là những cầu thủ chơi tốt, ê-kíp ban huấn luyện cũng là những người rất giàu kinh nghiệm”.
Lại nói về World Cup, lần đầu tiên những học trò tuổi đôi mươi đầy nhựa sống nhưng cũng đầy bỡ ngỡ, tâm lý những chàng trai mới lớn ấy được đến sân chơi World Cup, một sân chơi tầm vóc nhất với môn thể thao vua này để cọ xát và thử sức mình, ai cũng mang tâm lý háo hức, hào hứng nhưng cũng không tránh khỏi cảm xúc tự ti. Như Hoàng Đức sau cảm xúc đá trượt quả bóng cách khung thành 5m ở phút thứ 86 trong trận gặp U20 New ZeaLand, nỗi ám ảnh tiếc nuối dằn vặt chàng trai người Hải Dương này một thời gian dài.
Nhất là sự dày vò tâm lý của cổ động viên khi họ đặt quá nhiều cảm xúc trong trận đấu quy mô lớn như thế. Nhưng huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn lại cảm thông cho học trò, bởi đến được vòng chung kết với ông đã vượt chỉ tiêu mà ông đề ra với VFF. Sân chơi World Cup quá lớn, cuộc thử sức này là một lịch sử đẹp của bóng đá Việt Nam.
Trên sân 12.000 khán giả khi ấy, U20 Pháp là đội mạnh nhất khiến khán giả Việt Nam rất hào hứng. Đá với đội mạnh nhất là hạnh phúc rồi. Ba trận gặp U20 Pháp, U20 New Zealand, U20 Honduras có thể coi là ba trận đấu đáng nhớ trong đời cầm quân của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn. Đồng thời đó cũng là ba trận đấu lịch sử đối với cầu thủ Việt Nam.
Có một điều đặc biệt, đội tuyển U23 Việt Nam gặt hái được thành tựu từ vị trí á quân giải U23 châu Á 2018, vô địch SEA Games 30, 31 thời gian vừa qua, đa số lứa cầu thủ trong đội hình ấy đều đã từng có thời gian rất dài làm việc với huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, có dấu ấn sâu sắc từ nhà cầm quân người Khánh Hòa từ cấp độ U19, U20 và trưởng thành theo năm tháng.
Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Hầu hết học trò đã từng làm việc với tôi, họ đều giữ liên lạc. Có cầu thủ sau những giải đấu ấy rất thành danh, tỏa sáng trở thành một ngôi sao bóng đá thực thụ. Lúc học trò theo tôi, họ đều còn trẻ mới 17, 18 tuổi. Nhưng bây giờ họ đã 24, 25 tuổi cả rồi. Tre già măng mọc là lẽ tất yếu trong bóng đá”.
Trong một lần xem VCK U19 quốc gia diễn ra tại Nghệ An, đôi mắt tuyển sinh của thầy Hoàng Anh Tuấn đã nhìn thấy tài năng của cầu thủ Tiến Linh (Bexamex Bình Dương). Tiến Linh là mẫu trung phong hiện đại, có khả năng chơi hai chân, đánh đầu. Đặc điểm mà không huấn luyện viên nào có thể huấn luyện được là cách cầu thủ chọn vị trí ghi bàn. Trong chuyên môn, quyết định thành bại của cầu thủ là tốc độ.
Ông cũng nhìn ra tiềm năng rất lớn của Trần Đình Trọng, Hà Đức Chinh, Trần Thành, Nguyễn Quang Hải, Tấn Tài, Đoàn Văn Hậu. Trần Thành là người ghi bàn thắng duy nhất vào lưới Bahrain, giúp U19 Việt Nam lấy vé đi World Cup, nhưng tiếc là tiền đạo này đã sa sút trong vài năm trở lại đây vì chấn thương.
Nói về những cầu thủ nuôi ước mơ ra nước ngoài thi đấu, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn cho rằng, lựa chọn CLB nào phù hợp mới là quan trọng. Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Giấc mơ ra nước ngoài thi đấu, cầu thủ cần nghiên cứu kỹ nơi mình đến, văn hóa, lối chơi, triết lý bóng đá nơi mình lựa chọn thì mới khả thi thực hiện giấc mơ của mình. Chọn đúng CLB phù hợp sẽ phát huy được khả năng nếu không thì rất thiệt thòi”.
Bóng đá là con đường dài cho những xây đắp trong tương lai. Hiện nay huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn là giám đốc Học viện Bóng đá Phù Đổng, nơi gieo mầm những tài năng trẻ bóng đá lớn lên như cách ông làm cho U19 ĐTQG thời gian qua.
Đời người thầy như con tằm rút ruột nhả những sợi tơ vàng óng, tinh túy một đời đam mê, một đời tận hiến với bóng đá, để người hâm mộ và cầu thủ U19 Việt Nam cũng có một lần được mỉm cười mãn nguyện vì mình từng biết đến VCK World Cup, nơi ấy lá cờ đỏ Việt Nam tung bay phần phật trong gió, trên sân bóng Cheonan (Hàn Quốc) đầy kiêu hãnh, là sự thật chứ không phải giấc mơ.
Leave a Reply