Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm như Covid-19 không?

Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm như Covid-19 không?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Tương tự, tại Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.

 Ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt với nhóm chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc hiệu lực bảo vệ vaccine đã hết, nguy cơ tử vong trong trường hợp này là 10-20%.

Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm như Covid-19 không?- Ảnh 1.

119 trường hợp từng tiếp xúc với nữ bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu ở Nghệ An. Ảnh: K.S

“Tỉ lệ tử vong bệnh bạch hầu cao hơn nhiều so với Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm thấp hơn rất nhiều. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. 

Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Hoặc lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu. Bệnh có thể xuất hiện ở rải rác các vùng, nhưng không thể gây ra một đại dịch như Covid-19, vì vậy người dân cũng không nên quá lo lắng”, ông Cấp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, trước đây, bệnh bạch hầu rất phổ biến, các ca mắc xuất hiện ở cả khu vực thành phố, nông thôn nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số ca mắc đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh bạch hầu lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm như Covid-19 không?- Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC

Theo đó, người dân ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp như các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao nhiễm bệnh bạch hầu. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới quá trình tiêm chủng, khiến tỷ lệ tiêm phòng bệnh thấp, nhiều trường hợp không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ liều. Điều này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh bạch hầu ở người dân.

Bệnh bạch hầu nguy hiểm nhưng theo ông Phu, những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua cũng không nên quá lo lắng. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt vi khuẩn bạch hầu, giảm khả năng phát bệnh và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.

Để phòng bệnh bạch hầu, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine. Trẻ em cần được tiêm đúng lịch, đủ liều cơ bản sau đó thì tiêm nhắc lại theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế. Người lớn cần tiêm nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế có thể thực hiện các chiến dịch tiêm bổ sung…

“Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 5-10%, tỷ lệ này có thể cao hơn ở trẻ nhỏ. 

Vi khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn có thể sống tới 6 tháng. Vi khuẩn cũng có thể tồn tại lâu dài trên các đồ chơi của trẻ bị bệnh bạch hầu hoặc áo choàng của nhân viên y tế…”, ông Phu cảnh báo.

 Hai biến chứng nguy hiểm khi mắc bệnh bạch hầu 

Theo chuyên gia, bệnh bạch hầu gồm các thể: bạch hầu họng (chiếm 70% số ca mắc), bạch hầu thanh quản (chiếm 20-30% số ca mắc), bạch hầu mũi (chiếm 4% số ca mắc), bạch hầu mắt (chiếm 3-8% số ca mắc), bạch hầu da…

Bệnh bạch hầu có dễ lây nhiễm như Covid-19 không?- Ảnh 3.

Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu có giả mạc. Ảnh minh họa: BVCC

Những triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu là sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày mắc bệnh, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

Bệnh nhân có thể xuất hiện dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục bình thường.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, 2 biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu là: Biến chứng tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc lan rộng và biến chứng viêm cơ tim do nhiễm độc.

Đối với trường hợp bệnh nhân điều trị muộn bệnh bạch hầu, giả mạc phát triển và lan nhanh xuống phía dưới thanh quản, khí quản và phế quản sẽ gây tắc nghẽn đường hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng.

Biến chứng thứ 2 là viêm cơ tim do nhiễm độc. Bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu có nguy cơ cao gặp biến chứng viêm cơ tim, đặc biệt là khi các tổn thương tại chỗ lan rộng hoặc khi trì hoãn chỉ định kháng độc tố. Tỷ lệ viêm cơ tim ở bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu là 10-25%.

“Viêm cơ tim có thể xuất hiện rất sớm vào những ngày đầu tiên của bệnh hoặc muộn hơn, từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, đòi hỏi sự chăm sóc, theo dõi chặt chẽ, tỉ mỉ và điều trị tích cực”, TS.BS Lâm lưu ý.

Ngoài 2 biến chứng kể trên, bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu có thể gặp các biến chứng thần kinh muộn như: liệu khẩu, liệt vận động, liệt phần mềm của lưỡi, liệt cơ vận nhãn, liệt tứ chi (hiếm gặp)…

TS. BS Lâm khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu là tiêm vắc xin phòng bệnh. Người tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu cần tiêm một liều giải độc tố bạch hầu và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *