Từ chuyện của Ánh Viên
Thể thao Việt Nam lần thứ hai liên tiếp trắng tay ở Olympic. Thành tích không huy chương mang đến sự thất vọng cho người hâm mộ nước nhà nhưng bản chất không hề bất ngờ với giới chuyên môn.
Một lý do quen thuộc được đưa ra sau mỗi lần trắng tay ở Olympic, hay không tốt ở Asiad là “tiền đâu”, tức thiếu sự đầu tư lớn. Đúng vậy, thể thao Việt Nam thua thiệt nhiều nước về sự đầu tư tiền bạc, hệ thống cơ sở vật chất, thể thao học đường… Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Trường hợp VĐV giỏi được đầu tư trọng điểm và đầu tư về tiền bạc thì liệu có được thành tích Olympic?
Câu chuyện của Ánh Viên là ví dụ thiết thực. Ánh Viên (15 tuổi) đã có xuất phát điểm với 2 HCB SEA Games 2011 và đạt chuẩn B Olympic ở nội dung 200 m bơi ngửa sau đó một năm. Ánh Viên nhận được sự đầu tư để sang Mỹ tập dài hạn và người theo xuyên suốt là HLV Đặng Anh Tuấn. Thành tích của Ánh Viên rực rỡ với 3 HCV ở SEA Games năm 2013, sau đó gây choáng cho cả Đông Nam Á với 8 HCV SEA Games năm 2015. Nhưng Ánh Viên không thể vào chung kết tranh huy chương tại Olympic 2016, dù từng là kỷ lục gia với HCV Olympic trẻ năm 2014. Ánh Viên suýt vào chung kết nội dung 400 m hỗn hợp cá nhân nữ, kém 0,31 giây so với Emily Overholt – người xếp cuối trong danh sách 8 VĐV vào chung kết. Thành tích của Ánh Viên đi xuống và xin rời đội tuyển ở tuổi 25.
Cụ thể, thành tích của Ánh Viên bắt đầu đi xuống kể từ sau Olympic 2016 và 8 HCV SEA Games năm 2017 không phản ánh đúng sự phát triển của cô gái người Cần Thơ. Dường như ngành thể thao bỏ quên điều quan trọng về Ánh Viên, đó là sự đầu tư để hướng ra châu lục và Olympic, mà phần lớn chỉ tập giành vinh quang ở khu vực. Nếu có sự điều chỉnh phù hợp thì Ánh Viên đã không phải liên tục bơi dàn trải nhiều nội dung ở các kỳ SEA Games để “gặt vàng”, còn nội dung mũi nhọn sa sút đầy đáng tiếc.
Nhìn từ tiềm năng ban đầu của Ánh Viên thì nhiều ý kiến tiếc nuối khi thể thao Việt Nam để vuột mất một siêu tài năng có thể nghĩ về kỳ tích Olympic.
Câu hỏi đặt ra: Một VĐV trẻ có tài năng thuộc diện đặc biệt nhất, có sự đầu tư lớn và dài hạn trong nhiều năm nhưng không thể vươn tầm Olympic, nguyên nhân ở đâu?
Có con người giỏi, tiền bạc và kế hoạch dài hạn mà không thành công thì nguyên nhân phải do quá trình thực hiện, định hướng cho sự phát triển của Ánh Viên. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Đến 18 tỷ đồng cho “tiểu Ánh Viên”
Câu chuyện VĐV được đầu tư lớn không chỉ riêng Ánh Viên mà còn có một số VĐV khác. Kình ngư Hoàng Qúy Phước đi tập huấn nước ngoài nhưng không thành công như kỳ vọng, bởi phát sinh nhiều vấn đề nên Phước phải trở lại Việt Nam. Cựu kình ngư Kim Tuyến từng có 6 tháng đi Mỹ tập cùng Ánh Viên và muốn xin nghỉ.
Câu chuyện của kình ngư Nguyễn Diệp Phương Trâm là lăng kính cụ thể để nói về chuyện tiền bạc và thành tích. Vì mọi thứ đi đúng thì Phương Trâm còn nhận được sự đầu tư đến hết năm nay.
Trong thời điểm “vàng” của môn bơi với nhiều mẩu chuyện nói về “siêu kình ngư” Ánh Viên, cô gái 14 tuổi Nguyễn Diệp Phương Trâm nổi lên như hiện tượng đặc biệt và có biệt danh “tiểu Ánh Viên”. Phương Trâm bắt đầu nhận được sự quan tâm từ SEA Games năm 2015 và một doanh nghiệp tài trợ số tiền khoảng 18 tỷ đồng (năm 2016 đến hết năm 2024).
Kế hoạch dài hạn dành cho Phương Trâm bao gồm: Nỗ lực, phấn đấu nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản sau: Đoạt ít nhất 1 HCV ở SEA Games 2017 và đoạt nhiều HCV các kỳ SEA Games từ 2019 đến 2023, có huy chương Asiad 2018 và Olympic trẻ, hướng tới mục tiêu tham dự các kỳ Olympic.
Tuy nhiên, chuyến đi Mỹ trở thành “ác mộng” cho Phương Trâm chỉ sau 6 tháng. Phương Trâm đã không còn là chính mình, muốn giã từ đường bơi. Lý do “tiểu Ánh” bị tăng cân và chấn thương khi tập ở Mỹ, trong khi còn quá trẻ để có thể chịu đựng được tình cảnh một mình nơi đất khách quê người cùng một HLV. Phương Trâm mất một thời gian dài để tìm lại chính mình nhưng không thể nào chạm tay vào vinh quang ở SEA Games.
Trong những lần tác nghiệp gặp lại Phương Trâm, tôi đều cảm thấy tiếc nuối cho em. Câu chuyện của “tiểu Ánh Viên” là bài học cho thể thao Việt Nam. Vì không xác định được hết các yếu tố trợ lực cho VĐV thì chuyến đi xuất ngoại có thể trở thành bi kịch.
Từ câu chuyện của “tiểu Ánh Viên” có thể thấy rằng: Nếu có sự đầu tư lớn, môi trường nước ngoài, VĐV tiềm năng thì vẫn chưa đủ để nghĩ đến thành công trong thể thao đỉnh cao. Đây là bài toán tương lai của thể thao Việt Nam để giảm tối thiểu sự thất bại trong các khoản đầu tư lớn cho VĐV.
Leave a Reply