Tôi không được phép “bồng bột” nữa

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

Từng có 10 năm làm báo, lý do gì khiến anh chuyển sang làm biên kịch, một con đường khác hẳn?

– Tôi tự nhận thấy mình là một người thích lắng nghe và thích kể chuyện. Khi còn viết báo, đến một lúc tôi cảm thấy đến mình không còn có thể viết hay được nữa, chắc đã phát huy đến tận cùng tiềm năng của mình trong lĩnh vực đó rồi. Khi nhìn thấy một bài báo và tự thấy: Sao mình lại viết dở như vậy, thì mình thấy đến lúc phải bước vào một con đường mới.

Biên kịch là cuộc chơi cực kỳ hấp dẫn. Nếu báo chí là đơn vị tính bằng ngàn chữ thì kịch bản là câu chuyện của hàng chục, hàng trăm ngàn chữ. Báo chí là cách viết theo cấu trúc khá đơn giản thì phim là một đại công trình, giống như nhiều bánh răng đan cài vào nhau. Trong kịch bản phim, sửa một chi tiết là tất cả những cái khác đều phải sửa theo, đòi hỏi một tư duy logic nhiều hơn.

Trước đây tôi là người sống rất cảm xúc, có gì viết ra nhưng kịch bản không cho phép mình làm việc đó. Nó vẫn cho phép mình có cảm xúc nhưng khi đặt bút viết thì đó là câu chuyện của toán học, của khoa học. Mấy ông biên kịch không lãng mạn như nhà văn, vì nhà văn có thể bay bổng, có thể dùng một chương để miêu tả khuôn mặt người phụ nữ, nhưng điện ảnh thì không như vậy.

Từ bộ phim đầu tiên “30 chưa phải là Tết” đến bộ phim mới nhất “Mai”, con đường đi của anh có những gì đáng nhớ?

– “30 chưa phải là Tết” được đánh giá là một bộ phim không thành công như kỳ vọng. Lúc đó sự kết hợp giữa đạo diễn Quang Huy và diễn viên Trường Giang, hai con người đang ở trên đỉnh cao, kỳ vọng sẽ tạo ra một “quả bom” đã không được như mong đợi. Bộ phim không bị thua lỗ, vẫn có lời nhưng tôi đánh giá chưa đạt như tiềm năng vốn có của nó. Tuy nhiên, là một biên kịch, với tôi đó là một phim thành công, vì thành công của biên kịch là thấy được sáng tạo của mình ở trên màn hình. Tôi đã học được rất nhiều bài học từ kịch bản đó. Đó là một kịch bản đầu tay, có rất nhiều cái ngây thơ, dễ thương và những phản hồi “nản lòng” đó đã giúp mình lớn lên. Chúng ta đều lớn lên sau những lời chê và vấp ngã.

Một bộ phim cũng có nhiều ý kiến trái chiều là “Em và Trịnh”. Trước khi làm biên kịch phim về Trịnh Công Sơn, tôi đã nghe rất nhiều nhạc của Trịnh Công Sơn, từng phỏng vấn rất nhiều người liên quan đến cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Để có kịch bản đó, tôi đã phải gặp rất nhiều người là “nàng thơ”, là bạn của ông, các anh chị ông trong gia đình.

Khi có các tranh cãi, ban đầu tôi cũng buồn, nhất là khi mà người ta lôi tên biên kịch ra nói, nhưng tôi xác định rất rõ ràng: Có 4 bộ phim: Một bộ phim trên giấy của ông biên kịch, một bộ phim trong lúc quay, một bộ phim trong phòng dựng và một phim trong lòng khán giả. Khi một bộ phim bước ra với công chúng thì nó là của công chúng, công chúng được quyền chê, khen, thích, không thích, góp ý, và mình đón nhận những góp ý đó, chỉ trừ những góp ý quá mức tấn công vào cá nhân thì thôi, còn lại thì mình sẽ nghe, nghe thôi chứ không buồn.

Thời gian đó buồn cười lắm, cứ có bất kỳ bài viết nào chê bộ phim là tụi bạn tôi sẽ tag tôi vô đó để tôi đọc. Sau này khi đóng facebook rồi thì tụi nó chụp màn hình gửi vào nhóm, bắt tôi đọc cho bằng được. Hành động đó ban đầu cũng khiến tôi bực mình, nhưng sau một thời gian thấy nó như một dạng bài tập để mình thấy được những lời khen và lời chê như nhau.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

“Tiệc trăng máu” anh chỉ viết trong một tuần, còn “Mai” mất đến 3 năm. Vì sao “Mai” lại được chăm chút kỹ hơn như vậy?

– “Tiệc trăng máu” đã là một kịch bản rất hay rồi, tôi remake từ một bộ phim của Ý, có tham khảo thêm kịch bản của Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, cấu trúc đã rất vững vàng, mọi thứ đã có sẵn. Nó giống như đi vào một căn nhà đã xong hết rồi, đơn giản mình chỉ cần “thiết kế nội thất”: Viết thoại, chỉnh chi tiết cho Việt Nam hơn, với tôi việc đó không khó, vì bản thân tôi từng là một dịch giả.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

Nhưng “Mai” là quá trình phải đi làm từ đầu, xây từ nền móng ban đầu, mà trong quá trình sáng tạo, xây dựng nền móng là mất thời gian nhất.

“Mai” bắt đầu bằng một câu như thế này, nghe câu đó thôi là tôi đã muốn làm dự án này rồi, Trấn Thành nói: “Mai” kể về một cô gái single mom (mẹ đơn thân-PV) làm nghề massage, chịu nhiều thua thiệt, không muốn mở lòng với ai nữa, rồi gặp và yêu một anh chàng bad boy. Cái khó nhất, tôi nghĩ không chỉ của biên kịch mà của cả đạo diễn, diễn viên là làm sao cho khán giả tin được hai người nay có thể yêu nhau được. Nhân vật Sâu – bad boy – được xây dựng là một thiếu gia con nhà giàu, có thể chỉ cần một cái liếc mắt trong quán bar là đưa một cô gái lên giường, anh ta có rất nhiều người tình, tại sao anh ta lại phải lòng một cô gái như Mai, lại còn yêu say đắm như vậy? Tôi phải trả lời được câu hỏi đó, vì phim của mình là phim tình yêu, nếu không làm cho người xem tin được rằng hai người này yêu nhau thì phim sẽ gãy.

Một khó khăn nữa là tôi có thể tưởng tượng được sự kỳ thị của mọi người dành cho một cô gái massage, một cô gái đẹp, làm trong một ngành rất nhạy cảm. Nhưng tôi lại không tưởng tượng được một anh chàng bad boy, đẹp trai, sát gái sẽ như thế nào. Thời gian đó tôi tưởng tượng rồi viết đi viết lại mà không ưng ý, thế là tôi đi gặp tất cả những bad boy mà mình biết, hẹn họ phỏng vấn, gọi điện trao đổi, đặt cho họ tình huống xảy ra như vậy, bạn sẽ như thế nào, nói những câu gì… Nhờ những anh chàng đẹp trai đó mà dần dần tôi xây dựng được nhân vật Sâu.

Anh viết kịch bản phim ở đủ thể loại, từ phim thiếu nhi đến tiểu sử, tình yêu…, anh có nghĩ mình đang “phủ sóng” ở quá nhiều thể loại?

– Tôi mới vào ngành phim được 4 năm nên trân trọng tất cả các cơ hội đến với mình, muốn được trải nghiệm, được học hỏi các đàn anh lớn trong nghề. Tôi nghĩ mình rất may mắn và không có gì phải tiếc nuối, được làm việc với các anh Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Fan xi nê, Charlie Nguyễn… toàn những đạo diễn giỏi. Mỗi lần làm việc là mình lại học được thêm những bài học mới từ họ.

Thử thách của người sáng tạo là thích va đầu vào những thứ khó khăn, bởi từ khó khăn đó mới bộc lộ ra sự sáng tạo. Nếu cứ chỉ làm những thứ nhẹ nhàng, dễ dàng thì sự sáng tạo sẽ bị mòn đi. Cái gì càng khó mà khi làm được thì cảm giác thành công càng tuyệt vời.

Việc viết kịch bản sẽ ngày càng khó hơn, nhất là khán giả bây giờ đang “khó tính” hơn. Ngày xưa, một bộ phim “coi được” là được rồi, bây giờ khán giả tiếp xúc với nhiều phim nước ngoài, yêu cầu của họ đã khắt khe hơn. Chính bản thân mình cũng tự yêu cầu khắt khe hơn với chính mình.

Ban đầu tôi đến với nghề bằng một tâm thế rất hồn nhiên, thấy cái gì cũng dễ hết. Nhưng càng làm, càng đào sâu tìm hiểu, đọc nhiều sách thì càng cảm thấy khó hơn, quá trình sáng tác của mình lâu hơn. Ví dụ như phim “Mai” tôi phải mất 3 năm mới viết xong. Trong thời gian đó, Trấn Thành đã kịp đi quay phim “Nhà bà Nữ”, phát hành, có doanh thu rồi mới quay lại “Mai”.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

“Mai” có phải là kịch bản tâm đắc nhất của anh?

– Tôi vẫn luôn nói, kịch bản tâm đắc nhất là kịch bản mình đang viết. Hiện tôi đang viết một kịch bản, nó được xây trong rất nhiều năm, hy vọng sẽ sớm trình làng trong năm nay.

Theo anh, công việc biên kịch có thu hút được giới trẻ hay không?

– Lần gần đây nhất tôi có tổ chức một workshop về biên kịch, có bán vé và hết rất nhanh, chứng tỏ sự quan tâm về biên kịch đang tăng lên, có lẽ một phần từ tin đồn là Trấn Thành sẵn sàng trả 2 tỷ đồng cho một kịch bản. Hôm đó tôi quan sát thấy có rất nhiều người muốn kể chuyện nhưng họ không biết kể như thế nào, cấu trúc một kịch bản ra sao.

Bây giờ làm biên kịch đỡ hơn rất nhiều so với vài năm trước đó. Khi tôi mới vào nghề, chỗ dạy học cũng ít, sách vở cũng ít, bây giờ thì trường dạy biên kịch rất nhiều, các đầu sách cũng xuất hiện nhiều nên các bạn biên kịch sẽ được trao nhiều cơ hội hơn.

Hồi trước phim rất ít, giờ một năm Việt Nam sản xuất rất nhiều phim, không chỉ phim điện ảnh mà còn mini series, phim chiếu youtube… nên nếu các bạn biên kịch có tiềm năng, có tài năng, có sự trau dồi, nỗ lực thì tôi tin các bạn sẽ đi con đường ngắn hơn rất mình, rất rộng mở.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

Khi xem phim Việt Nam, nhiều người hay nhận xét diễn viên này “diễn như kịch”, “nói như kịch”, là do li diễn viên hay lỗi biên kịch không viết được câu thoại hay?

– Với tôi, kịch là một loại hình đỉnh cao. Trên thế giới, những diễn viên hàng đầu đi đóng phim nhưng hàng năm họ vẫn quay về diễn trên sân khấu kịch, bởi sân khấu là nơi trui rèn, thử lửa, là nơi cho họ trưởng thành về diễn xuất. Hiện nay đang có sự hạ thấp sân khấu nên mới có các câu như “ôi cái thằng này nó diễn kịch quá”, “ôi diễn viên gì mà cải lương thế”…

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

Cải lương, nguyên bản của nó là cải tiến, đổi mới, là “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”, nghĩa là làm mới, nhưng lại được dùng theo nghĩa hơi tiêu cực khiến những người yêu sân khấu rất buồn. Mọi người khen diễn xuất tự nhiên của Trấn Thành, cô Hồng Đào, cô Lê Giang, cô Ngọc Giàu ở đâu ra? Tất cả đều từ sân khấu mà ra, nên không được nói là diễn viên diễn “kịch quá, sân khấu quá”. Diễn xuất của diễn viên không đạt là lỗi của đạo diễn chỉ đạo diễn xuất.

Một lời thoại hay phải là lời mà nhân vật đó muốn nói chứ không phải là ông đạo diễn muốn diễn viên đọc câu thoại đó. Đó phải là câu nói mà nội tâm nhân vật muốn nói ra. Để có câu thoại hay, người biên kịch phải nghiên cứu rất sâu về nhân vật của mình. Đó không chỉ là một nhân vật đơn lẻ, mà có cả một lịch sử, có quá khứ, có suy nghĩ: Anh ta là con của ai? Ba mẹ là ai, còn sống hay ly dị? Ông bà của anh là ai? Học trường gì, có bồ chưa?…

Người diễn viên khi đọc kịch bản phải có sự tưởng tượng, sự hoá thân, sự đầu tư cho nghề. Ví dụ như Phương Anh Đào muốn vào vai Mai, cô phải đi đến những chỗ massage, xem người ta làm, coi cách người ta suy nghĩ, cách họ nói chuyện. Nếu người biên kịch xây được một nhân vật tốt, người diễn viên đào sâu đầu tư tốt, hai cái đó khớp lại cùng sự chỉ đạo của đạo diễn thì sẽ ra được những lời thoại hay. Chỉ cần thiếu một trong những yếu tố đó thì sẽ dở thôi.

Bình có sự so sánh nào về các diễn viên hiện nay và thế hệ diễn viên “cây đa cây đề” trong lịch sử điện ảnh Việt Nam?

– Những diễn viên trước đây như cô Lê Khanh, Lê Vân… họ là diễn viên, nhưng ngày nay chúng ta rất khó minh định đâu là một diễn viên và đâu là một ngôi sao giải trí. Chi Pu đóng rất hay, diễn rất tốt, nhưng tách ra thì cô cũng là một người mẫu, ca sĩ và rất nhiều diễn viên khác trong showbiz cũng vậy. Họ đang sống trong một thời kỳ mà mỗi diễn viên là một KOL trên mạng, họ có 2 cuộc đời: Cuộc đời trên mạng và cuộc đời thực. Việc họ xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng đôi khi làm mất đi sự thu hút, háo hức muốn nhìn thấy diễn viên đó trên màn ảnh.

Tôi không có cơ hội được làm việc nhiều với các cô chú thế hệ trước nhưng mình thấy các diễn viên hiện nay đang ở một giai đoạn rất đẹp, rất chín muồi. Lớp nổi tiếng chưa hết nóng thì đã có một lớp mới rất tài năng, tất cả những diễn viên đó chỉ cần một kịch bản để họ bật lên, toả sáng. Trước khi Phương Anh Đào là Mai, tôi tin chắc rằng Phương Anh Đào là một ngôi sao, cô chỉ chờ một điểm để bật lên. Mai chính là điểm đó, và Phương Anh Đào đã bay lên, đã rất sáng, mặc dù tất cả các phim trước đó không ai có thể nói Phương Anh Đào là một diễn viên dở.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

Nhắc đến sân khấu truyền thống, những lùm xùm quanh talkshow “Trăm năm sân khấu” có làm giảm bớt nhiệt huyết cũng như tình yêu của anh với sân khấu?

– Sau 4 tập lên sóng, chương trình talkshow/podcast Trăm năm sân khấu vướng phải chỉ trích từ cộng đồng mạng lẫn một số nghệ sĩ, chỉ ra sự thiếu tế nhị của người dẫn chương trình. Sau lùm xùm đó, tâm huyết của tôi không giảm mà còn yêu hơn. Những người làm sân khấu tin vào tổ nghề, tổ nghiệp. Tôi tin những va vấp đó chỉ là bài kiểm tra xem làm những việc này anh đã sẵn sàng chưa, đã đủ mạnh chưa? Không thể vì những điều đó mà mình ngừng lại được. Tất nhiên là có buồn, vì những lùm xùm trên mạng không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà ảnh hưởng cả bố mẹ tôi, nhưng ngồi nói chuyện thì bố mẹ cũng hiểu.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

“Trăm năm sân khấu” là một dự án lớn, podcast chỉ là một cấu phần rất nhỏ. Tôi có nói có thể hình ảnh của tôi trên chương trình tạo ra những khó chịu cho khán giả thì tôi rút khỏi podcast, tìm những người MC mới, dẫn chương trình mới để podcast có thể quay trở lại. Trong thời gian đó tôi sẽ đi gầy dựng những kịch bản cho sân khấu hoặc cho phim ảnh nhưng lấy chủ đề là sân khấu.

Việc viết kịch bản rất lâu, rất mất thời gian nên trong thời gian mình viết những kịch bản cho sân khấu hoặc kịch bản phim về sân khấu thì người ta bảo ông này bỏ chạy không làm nữa. Không, tôi vẫn làm, những cuộc gặp vẫn diễn ra, dự án vẫn đang diễn ra. Tôi hy vọng mọi người sẽ sớm gặp lại “Trăm năm sân khấu” trong một diện mạo khác, hình hài khác.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, có quá nhiều thứ hấp dẫn giới trẻ như hiện nay thì sân khấu cạnh tranh thế nào để “hút” các bạn trẻ?

– Tôi tin trong mỗi một con người Việt Nam đều có sân khấu trong đó, các bạn chưa quan tâm đến sân khấu chứ không phải không quan tâm. Các bạn trẻ hiện nay khi đã quan tâm đến sân khấu thì họ có một cái nhìn rất sâu sắc, chính mình khi nói chuyện với họ mình còn bất ngờ. Với những bạn chưa quan tâm sân khấu, thì mình là thế hệ đàn anh, có các cô chú nói cho họ hiểu. Phải biến sân khấu thành nơi các bạn trẻ muốn tới chứ không thể nào mình ngồi trách “quên hết sân khấu truyền thống rồi, giờ toàn tiktoker, youtuber”.

Muốn họ tiếp nhận sân khấu thì phải làm cho sân khấu lung linh hơn. Tôi nhớ cảm giác lần đầu tiên đến sân khấu, nhìn tấm màn đỏ, tò mò cái gì đang chờ mình sau tấm màn đó. Bây giờ các bạn có còn cảm xúc đó không? Có còn sự háo hức tò mò đó không?

Thực tế trong cải lương vẫn còn nhiều nghệ sĩ hát nhép, cảnh trí không còn đẹp, có chiều sâu như xưa vì những người thiết kế sân khấu giỏi nhất không có truyền nhân. Đây là vấn đề vĩ mô, cần sự chung tay của rất nhiều người. Podcast “Trăm năm sân khấu” chỉ là một sự góp sức nhỏ để sân khấu có thể duy trì, bước qua được khúc cua và tiếp tục phát triển. Tôi có niềm tin đó, năm vừa rồi là năm mà nhiều sân khấu bắt đầu sáng đèn trở lại, thậm chí có sân khấu mở mới.

Để thu hút các bạn trẻ đến với sân khấu, văn hoá truyền thống, âm nhạc dân tộc, cách tốt nhất là lắng nghe. Tại sao không mở những cuộc toạ đàm để các bạn trẻ được nói lên tiếng nói của mình? Hiện nay là các anh chị, cô chú đến trường nói cho các em nghe là sân khấu tốt đẹp như thế nào, tại sao chúng ta không thử nghe ngược lại: “Tại sao các em không thích sân khấu? Các em có muốn sân khấu thay đổi như thế nào không?”. Mình lắng nghe ngược lại thì sẽ biết giới trẻ thích gì.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

Vì sao anh quyết định bỏ cái tên Bình Bồng Bột, vốn đã trở thành một thương hiệu?

– Chi Pu từng nói: Từ hôm nay hãy gọi tôi là ca sĩ. Tôi rất ngưỡng mộ Chi Pu vì cô dám đặt ra một con đường hoàn toàn mới, cô biết con đường đó rất chông gai, rất vất vả, vẫn quyết tâm đi, không dừng lại, chỉ đi lên mà thôi. Đến hôm nay mọi người cũng thấy Chi Pu đã đạt được gì từ quyết tâm đó. Tôi cũng nhìn thấy được rằng, trên con đường đó, mình không được phép bồng bột nữa, không được có những phát ngôn gây tranh cãi nữa, cái tên Bình Bồng Bột không được phép ở đó nữa.

Tôi tưởng tượng trong tương lai mình làm một vở diễn trên sân khấu hay một bộ phim mà ở đó những người cộng sự của mình là nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, là tiến sĩ, giáo sư, nhà giáo dục, những người có học hàm học vị cao, được xã hội coi trọng, cái tên Bình Bồng Bột đứng kế tên của họ sẽ là một sự thiếu tôn trọng.

Vì thế, đã đến lúc phải dừng lại, dù cái tên Bình Bồng Bột đã cho mình một nhận diện, giúp mình có được cuộc sống tốt hơn, nhận được nhiều yêu thương. Bỏ cái tên đó rất khó khăn nhưng tôi biết đây là bước cần thiết để mình làm những dự án tốt hơn, là một cam kết về sự nghiêm túc khi làm việc với các vị tiền bối.

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép

Ôm đồm từ viết kịch bản đến viết sách, dch sách, hình như Bình có rất nhiều đam mê?

– Tôi là người rất tham lam, khi thích cái gì thì không từ bỏ cái cũ, chỉ đơn giản là thêm vào thôi. Có những lúc tôi vừa viết kịch bản vừa dịch sách, viết sách, đi họp những dự án sáng tạo, nhưng không thấy mệt. Khi thấy vui thì sẽ không mệt, bắt tôi ngồi chơi mới thấy mệt.

Tôi vẫn đang duy trì việc viết sách, cũng mới dịch xong bản thảo cuốn “Hành trình người viết”, Phương Nam books đang biên tập. Cuốn sách này rất đặc thù, dành riêng cho dân viết lách, sáng tạo. Với những người thích đọc tiểu thuyết, sau khi đọc cuốn sách này thì họ sẽ đọc tiểu thuyết với một con mắt khác, sâu sắc hơn.

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, liệu có khi nào anh thấy nản lòng trước khó khăn của những khởi đầu mới?

– Khi bước sang con đường mới, nếu mình nghĩ nó là khó khăn thì sẽ là khó khăn. Ngày nghỉ làm báo, từ ngoài nhìn vào thấy tôi được cộng tác với nhiều báo lớn, thu nhập tốt, được đãi ngộ, anh em yêu mến, chỉ có khùng mới bỏ nhưng mình không dối mình được, mình phải thay đổi. Tôi tin bất kỳ ai cũng cảm nhận được bản thân rất rõ, nhìn ra được giới hạn của mình, nhưng ai cũng có nỗi sợ: Sợ thất bại, sợ bị đánh giá, sợ phải lao ra một môi trường không biết. Nhưng nếu một con cá thấy sợ thì không bao giờ được nhìn thấy đại dương bao la, mặc dù ẩn giấu nhiều nguy hiểm nhưng cũng có rất nhiều cái tươi đẹp đang chờ.

Cuộc sống này rất công bằng, cho mình nhiều thứ thì đương nhiên cũng có nhiều hiểm hoạ, nhưng nếu chỉ nhìn vào những hiểm hoạ, bị cầm tù bởi nỗi sợ thì sẽ khước từ đi biết bao nhiêu điều tốt đẹp ở bên ngoài kia. Điều này cần sự dũng cảm, và phần thưởng cho sự dũng cảm là rất lớn.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Tôi không được phép


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *