Theo TS.Ngô Xuân Nam (ảnh)- Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng nông sản Việt Nam muốn giữ được thị trường EU thì người sản xuất (cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp) cần chủ động cập nhật thông tin, điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) ở mức thấp (0,01 ppm) để đáp ứng được quy định của EU trong thời gian tới.
Vừa qua, EU có thông báo quy định mới về thuốc bảo vệ thực vật, ông có thể thông tin cụ thể về vấn đề này?
– Phải khẳng định rằng, không riêng thị trường EU mà nhiều thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thời gian gần đây đều gia tăng việc thông báo lấy ý kiến các thành viên WTO về việc thay đổi các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Trung bình, hàng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 100 thông báo dự thảo và thông báo có hiệu lực.
Trước hết, chúng ta phải hiểu cho đúng: Đây là các thông báo dự thảo quy định thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đó là: Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid do EU thông báo ý kiến thành viên WTO, theo đó tùy từng sản phẩm cụ thể, mức MRL có thể tăng hoặc giảm hoặc giữ nguyên. Trong đó, có nhiều mức MRL giảm sâu đối với từng sản phẩm cụ thể. Chi tiết mức độ thay đổi, chúng tôi đã cập nhật trên website của Văn phòng SPS Việt Nam.
4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Âu đạt 2,55 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang châu Âu chiếm 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thời gian lấy ý kiến thành viên WTO là 60 ngày và ngày hết hạn góp ý đối với thông báo cuối cùng là: 12/9/2024. Thời gian EU áp dụng dự kiến từ tháng 2/2025.
Đáng chú ý, phạm vi áp dụng gồm tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực phẩm vào EU và kể cả nội khối EU, chứ không phải riêng cho Việt Nam như một số thông tin trên mạng xã hội.
Ông đánh giá mức độ ảnh hưởng của quy định mới của EU với các loại nông sản của Việt Nam khi nhập khẩu vào khối EU như thế nào? Những mặt hàng nào của Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp?
– Bất kỳ một thay đổi nào về quy định của thị trường cũng đều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, có thể thuận lợi hơn nếu nới lỏng mức MRL hoặc đòi hỏi chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ hơn nếu giảm mức MRL. Đối với các thông báo này của EU, tùy từng hoạt chất và tùy từng sản phẩm cụ thể đã được phía EU quy định rõ trong thông báo dự thảo.
Với thông báo mới của EU, sẽ có một số mặt hàng của Việt Nam chịu tác động. Ví dụ, đối với hoạt chất Zoxamide, dự kiến tăng trong cà chua (từ 0,5 – 2 ppm, tăng 4 lần), hành, tỏi (từ 0,02 – 0,7 ppm, tăng 35 lần); dự kiến giữ nguyên trong dưa chuột, dưa hấu, bí ngô (2 ppm), hạt tiêu (0,05 ppm).
Trong khi đó, mức dư lượng tối đa cho phép đối với hoạt chất Zoxamide lại dự kiến giảm ở nhóm quả có múi, nhóm hạt (bao gồm lạc, hạt điều, mắc ca…); nhóm quả lớn, vỏ không ăn được (quả bơ, chuối, xoài, đu đủ, dứa, ổi, sầu riêng và các loại quả khác); nhóm rau tươi hoặc đông lạnh, ớt chuông, đậu bắp, cải bắp, nhóm ngũ cốc (gạo…) từ 0,02 xuống 0,01, giảm 2 lần; đặc biệt đối với rau diếp, xà lách, cải bó xôi giảm từ 30 ppm xuống 0,01 ppm, tức giảm 3.000 lần.
Đối với hoạt chất Acetamiprid, EU dự kiến giữ nguyên trong trái cây họ cam quýt (0,9 ppm), dừa, hạt điều, hạt mắc ca (0,07 ppm)… Dự kiến giảm đối với các sản phẩm: Chuối, dưa chuột, bí xanh, dưa (melons), bí ngô, dưa hấu, cải bắp, rau cải bó xôi, cà chua, ớt chuông, ớt ngọt… giảm từ 2,5 đến 80 lần tùy từng sản phẩm.
Đối với 2 hoạt chất: Fenbuconazole và Penconazole, EU cũng đưa ra MRL đối với các nhóm quả có múi, nhóm hạt (lạc, điều, mắc ca…), nhóm quả lớn, vỏ không ăn được (quả bơ, chuối, xoài, đu đủ, dứa, ổi, sầu riêng và các loại quả khác), nhóm rau tươi hoặc đông lạnh, hành, tỏi, cà chua, ớt, đậu bắp, trà, cà phê, hạt tiêu, gạo, mật ong…
Có thể thấy tùy từng sản phẩm cụ thể hoặc tùy từng hoạt chất mà EU dự kiến thay đổi MRL, trong đó nhiều mức MRL giảm sâu liên quan đến nhiều sản phẩm mà Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU.
Trước những thay đổi này từ thị trường EU, ông có khuyến nghị đến doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
– Như tôi đã nói, những thay đổi của thị trường nhập khẩu là thường xuyên, liên tục, do vậy hàng nông sản Việt Nam muốn giữ được thị trường EU và nhiều thị trường khác thì người sản xuất (cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp) cần chủ động cập nhật thông tin, điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các MRL ở mức thấp (0,01 ppm) để đáp ứng được quy định của EU trong thời gian tới.
Vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp, cơ sở đóng gói, chế biến, hiệp hội, ngành hàng, cơ quan quản lý và địa phương tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào.
Văn phòng SPS Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ, cập nhật và minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm (thay đổi mức MRL, quy định về phụ gia thực phẩm…), các quy định về đối tượng kiểm dịch… của tất cả các thị trường để giúp các bên liên quan đáp ứng tốt nhất các quy định này.
Xin cảm ơn ông!
Leave a Reply