Nhiều người dân vẫn “nhẹ dạ cả tin”

Cụ thể, thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện cho nạn nhân, thông báo ứng dụng VNeID của họ bị lỗi. Sau đó, hướng dẫn họ tải ứng dụng sửa lỗi online. Sau khi nạn nhân cài đặt thì toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân bị chiếm đoạt. 

Các ứng dụng giả mạo này có tính năng thu thập thông tin cá nhân, kiểm soát, theo dõi, điều khiển điện thoại nạn nhân từ xa. Mục đích là đăng nhập tài khoản ngân hàng và tin nhắn mã OTP để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Nhức nhối nạn lừa đảo giả danh công an, báo lỗi VNeID chiếm đoạt hàng tỷ đồng: Nhiều người dân vẫn

Nhức nhối nạn lừa đảo giả danh công an, báo lỗi VNeID chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã liên tục đưa ra khuyến cáo nhưng vẫn có người dân nhẹ dạ cả tin sập bẫy đối tượng lừa đảo.

“Người dân cần tìm hiểu kỹ những thông tin về lừa đảo trực tuyến để tăng cường biện pháp bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội. Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử người dân nên đến trực tiếp Công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Vấn nạn lừa đảo mạo danh đang nhức nhối khi các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi. Ngoài lừa đảo giả danh công an, báo lỗi VNeID chiếm đoạt hàng tỷ đồng, tình trạng mạo danh cán bộ cục quản lý xuất nhập cảnh nhằm chiếm đoạt tài sản gần đây cũng nổi lên.

Mới đây, Công an TP Thủ Đức, TPHCM phát đi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh. Đây được xem là hình thức thuộc nhóm đối tượng giả danh cán bộ công an thông qua mạng xã hội, mạng viễn thông để thực hiện hành vi lừa đảo nhưng cách thức tinh vi hơn.

Các đối tượng thông qua mạng xã hội để tìm kiếm, tiếp cận với những người có nhu cầu xuất cảnh đi nước ngoài. Đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục nộp hồ sơ hộ chiếu, xin visa; yêu cầu nộp ảnh chân dung, ảnh chụp căn cước công dân để làm thủ tục. Chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng gửi lại cho nạn nhân ảnh chụp hộ chiếu, visa được xác định giả mạo kiểu cắt ghép, chỉnh sửa. Đối tượng thông báo cho nạn nhân biết về thời gian xuất cảnh, yêu cầu có mặt tại sân bay nhận giấy tờ.

Khi nạn nhân có lòng tin bước đầu thì các đối tượng tiếp tục gửi văn bản giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an, có nội dung “xác minh, chứng minh nguồn thu nhập và tài chính”, yêu cầu phải chuyển khoản tiền lớn vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để hoàn thiện hồ sơ và sẽ chuyển trả lại sau 30-40 phút. Nếu nạn nhân tin tưởng, thực hiện chuyển tiền thì bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt.

Theo đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về các hình thức và dấu hiệu nhận biết các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng. Khi tìm kiếm các dịch vụ trên mạng xã hội, người dân nên cẩn trọng và chọn lọc kỹ những tổ chức/doanh nghiệp uy tín. Xem xét lịch sử các bài đăng trên Fanpage; lời giới thiệu, thông tin và hình ảnh mà Fanpage cung cấp. Người dùng có thể yêu cầu xem giấy phép kinh doanh hoặc xem đánh giá của các khách hàng trước của Fanpage để nhận định mức độ uy tín.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *