Theo các hộ nông dân trồng nhãn phát tài ở đây, vườn nhãn đã vào vụ thu hoạch từ hơn 1 tháng nay. Theo như hợp đồng đã ký, Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ P.B.H.T sẽ đến thu mua nhãn với giá 30.000 đồng/kg. Đến hẹn, bà con liên lạc nhiều lần với phía công ty thì không nhận được hồi âm. Nhà vườn đành ngậm ngùi nhìn vườn nhãn từ lúc chín rộ đến khi rơi rụng dần.
“Chúng tôi liên hệ với thương lái bên ngoài nhưng họ cũng không chịu thu mua, vì ngại màu da của giống nhãn này. Theo đó, nhãn phát tài khi chín da hơi nâu sậm, không sáng bóng, căng tròn nhưng thịt giòn và dày.
Bán không được cho thương lái, chúng tôi đành bán lẻ ở chợ hàng ngày nhưng cũng không được bao nhiêu. Mấy tuần nay, tôi nhờ người thân ở TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ tiếp, nhưng số lượng bán được mỗi ngày cũng chỉ vài chục ký” – bà Thuận (sinh năm 1968, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành) lo lắng.
Hàng tấn trái nhãn phát tài ở xã Vĩnh Nhuận (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đành bán lẻ, vì công ty không thu mua.
Từ đất lúa kém hiệu quả, vợ chồng bà Thuận quyết tâm chuyển đổi cây trồng. “Chúng tôi lên liếp trồng nhãn phát tài có công ty cung cấp cây giống với 280 gốc trên diện tích khoảng 7 công. Quá trình trồng, phía công ty cho người xuống hỗ trợ kỹ thuật, phân bón. Với giá 300.000 đồng/cây giống, phía nông dân chúng tôi đã thanh toán 70% giá trị hợp đồng từ phân bón, giống, 30% còn lại sẽ thanh toán sau khi thu hoạch. Gia đình tôi đã đầu tư vài trăm triệu đồng vào vườn nhãn này, mà giờ 5 – 7 tấn nhãn phải bán lẻ… Mới đây, vườn nhãn chín rộ, không bán công ty được, thương lái thì lắc đầu nên gần 2 tấn nhãn đã chín rụng” – vừa phụ chồng cắt nhãn kịp chuyến xe đi TP. Hồ Chí Minh, bà Thuận ngậm ngùi cho hay.
Cũng trồng 7 công nhãn phát tài với 280 gốc, bà Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1973, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Nhuận) cho biết: “Năng suất mùa này, vợ chồng tôi tạm tính có thể lên đến 7 – 8 tấn nhãn. Song, đến hẹn thu mua vẫn không thấy người của công ty đến. Giờ chúng tôi chỉ có đường bán chạy chợ và sự ủng hộ từ bà con nhưng số lượng cũng chẳng là bao. Ban đầu trồng, chúng tôi rất phấn khởi, vì cây phát triển khá tốt lại dễ chăm sóc. Năng suất trái cũng tỷ lệ thuận với sự phát triển của cây. Tưởng rằng sẽ thu được “quả ngọt”, ngờ đâu lại thành thế này…”.
Theo người dân, nhãn phát tài trồng 4 năm mới cho trái chiến. Quá trình trồng không cực công chăm sóc, cây khá thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên vùng đất này. Nếu như dự kiến, phía công ty thu mua thì giờ này, các nhà vườn xã Vĩnh Nhuận đã tất bật các công đoạn làm vườn, dưỡng cây, chuẩn bị cho mùa vụ sau. Nhưng giờ đây, với tình hình tiêu thụ nhỏ lẻ, bà con chán nản, không thiết tha trồng tiếp.
“Dự kiến, hơn 1 tháng nữa mới thu hoạch dứt điểm nhãn ở vườn. Mùa sau, chúng tôi sẽ không xử lý cho cây ra trái đồng loạt nữa mà chỉ tập trung vài chục gốc, xem tình hình thế nào mới dám tính tiếp” – bà Thuận trải lòng.
Chị Mai Thị Kim Quyên, khuyến nông viên xã Vĩnh Nhuận chia sẻ: “Địa bàn xã có khoảng 5 hộ trồng nhãn phát tài do công ty hỗ trợ cây giống với diện tích khoảng 4,6ha. Những ngày qua, UBND xã Vĩnh Nhuận hỗ trợ tiêu thụ nhãn cho bà con nông dân do thương lái không thu mua; đồng thời tích cực tìm nơi tiêu thụ nhãn giúp bà con”.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp An Giang Trương Thanh Thúy cho hay: “Trung tâm đang hỗ trợ bà con nông dân xã Vĩnh Nhuận tiêu thụ nhãn phát tài. Ngày đầu, chúng tôi chỉ hỗ trợ bán được 140kg nhãn. Giá 30.000 đồng/kg, người mua từ 3kg nhãn thì chúng tôi sẽ giao miễn phí trong nội ô TP. Long Xuyên. Với giá bán này, trung tâm không thu lợi nhuận, chỉ mong hỗ trợ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, sớm tìm được thương lái thu mua, gỡ khó cho nhà vườn!”.
Leave a Reply