Cục trưởng Cục Trồng trọt: Sau ngập úng, nông dân cần gieo cấy giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ

Cục trưởng Cục Trồng trọt: Sau ngập úng, nông dân cần gieo cấy giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đề nghị các tỉnh, thành bị ảnh hưởng từ đợt mưa lớn gây ngập úng cần quyết liệt vào cuộc để tiêu úng cứu lúa mùa. Ảnh: TQ

Để tìm hiểu thêm về tình trạng ngập úng và giải pháp cứu lúa mùa, khôi phục sản xuất sâu đợt mưa lớn đang diễn ra tại các tỉnh miền Bắc, PV Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) xung quanh vấn đề này. 

Theo ghi nhận của Báo điện tử Dân Việt, do mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều diện tích lúa mùa mới gieo cấy ở các tỉnh miền Bắc bị ngập sâu trong nước đang có nguy cơ mất trắng, nông dân thiệt hại rất nặng, Cục Trồng trọt đã vào cuộc như thế nào, thưa ông?

– Qua nắm tình hình tại các địa phương, tôi nhận thấy một số tỉnh Nam Định, Ninh Bình… có diện tích lúa mùa mới gieo cấy bị ảnh hưởng nhiều từ đợt mưa lớn. 

Đến nay, các địa phương vẫn đang thống kê diện tích bị ngập úng, trong đó Nam Định có khá nhiều diện tích bị ảnh hưởng.

Cục Trồng trọt vẫn theo sát tình hình và luôn phối hợp cùng các địa phương để có biện pháp ứng phó kịp thời để phòng tránh, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Hiện, mưa vẫn đang diễn ra tại các tỉnh nên trong khoảng vài ngày nữa các tỉnh mới đánh giá thiệt hại và thông tin cụ thể về số lượng diện tích lúa mới gieo cấy bị ảnh hưởng.

Chúng tôi ghi nhận thực tế thấy rằng có nhiều địa phương ở Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam bị ngập úng dài ngày, có nhiều HTX sản xuất lúa trọng điểm ở đây đã xác định thiệt hại hàng tỷ đồng?

– Thời điểm nay, lãnh đạo các tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn, ngập úng đều như “ngồi trên đống lửa”, mọi người đã vào cuộc và cố gắng hết sức để chỉ đạo, đi thực tế cùng người dân tiêu nước chống úng.

Cục trưởng Cục Trồng trọt: Sau ngập úng, nông dân cần gieo cấy giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ- Ảnh 2.

Nhiều diện tích lúa mùa mới gieo cấy tại các huyện ở Ninh Bình vẫn ngập sâu trong nước. Ảnh: TQ

Cũng may là tại một số nơi ở Nam Định, chúng tôi cũng ghi nhận nước đang tiêu rất nhanh.

Đối với các diện tích lúa mùa mới gieo cấy bị hư hỏng sau ngập úng, nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ như thế nào?

-Các địa phương cần phải kiểm tra, rà soát và có đánh giá cụ thể về mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ hiệu quả cho người dân khôi phục lại sản xuất.

Có 2 phương án hỗ trợ. Thứ nhất là có văn bản hỗ trợ giống. Thứ 2 có văn bản hỗ trợ bằng tiền theo Nghị định 02 của Chính phủ (Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh).

Cục Trồng trọt có khuyến cáo như thế nào giúp nông dân khôi phục lại sản xuất kịp thời vụ sau thiệt hại?

-Trước mắt các tỉnh, thành bị ảnh hưởng trong đợt mưa lớn, ngập úng cần khẩn trương, huy động mọi biện pháp, phương án cần thiết để tiêu thoát nước, chống úng cho các diện tích lúa, hoa mầu. Theo đó, các địa phương cần phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời; có điều kiện tiêu triệt để nước đệm trên hệ thống “rút cạn lòng sông” đề phòng mưa lớn còn tiếp diễn.

Đối với các diện tích lúa mới gieo cấy bị ngập dài ngày, chúng ta cần có phương án hỗ trợ kịp thời và tuyên truyền để nông dân đưa các giống lúa ngắn ngày vào sản xuất mới đảm bảo được thời vụ. Đồng thời, các địa phương cần thống kê, tổng hợp số liệu thiệt hại để có văn bản hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ.

Tôi khẳng định, chúng ta rất sẵn giống lúa nên người dân không phải lo thiếu giống sản xuất, điều quan trọng là chúng ta phải linh hoạt và dùng các giống lúa ngắn ngày để gieo cấy lại cho kịp thời vụ.

Xin cảm ơn ông!

Nam Định, Ninh Bình mưa lớn gây ngập úng gần 50.000 ha lúa mùa

Theo Hệ thống đo mưa chuyên dùng Vrain, lượng mưa từ ngày 14/7 đến 07h ngày 18/7 ở Ninh Bình, Nam Định đều có mưa to đến rất to, từ 200 – 350 mm, một số nơi mưa lớn hơn như Đồng Sơn (Nam Định) 358 mm, Yên Lộc (Nam Định) xấp xỉ 400 mm, Yên Khánh (Ninh Bình) 382 mm.

Mưa lớn nhiều ngày đã gây ngập úng khoảng 10.293 ha lúa bị ngập úng ở tỉnh Ninh Bình, trong đó huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Gia Viễn, Yên Mô là những địa phương có diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Theo báo cáo từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định, trên toàn tỉnh có 37.368 ha lúa bị ngập úng do mưa lớn. Tập trung nhiều nhất ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Xuân Trường. Trong đó có hơn 27.000ha lúa bị ngập trắng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *