Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ từ 32 thành viên của liên minh – bao gồm Thụy Điển, quốc gia mới gia nhập NATO vào tháng 3 và Phần Lan, quốc gia gia nhập vào tháng 4/2023 — dự kiến sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Washington từ ngày 9 đến ngày 11/7.
Tuy nhiên, đáng chú ý là sự vắng mặt của Tổng thống Bulgaria, quốc gia đã là thành viên của NATO từ năm 2004. Cuối tháng trước, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã từ chối dẫn đầu hoặc tham gia phái đoàn Bulgaria dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Mỹ. Ông Radev – người được cho là có lập trường thân Nga – cho biết ông đã không được tham vấn về một tài liệu sẽ được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington nêu rõ lập trường chính thức của Bulgaria về cuộc chiến Nga-Ukraine và cam kết của liên minh trong việc giúp đỡ Kiev.
Tổng thống Radev, 61 tuổi đã nói rõ rằng, ông không ủng hộ việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, lập luận rằng sự hỗ trợ như vậy chỉ kéo dài xung đột. Ông thậm chí đã gọi những người ủng hộ sự hỗ trợ như vậy là “những kẻ hiếu chiến”.
Ông Radev cũng tiết lộ quyết định tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh NATO của ông là do sự khác biệt trong lập trường của ông với lập trường chính thức của Bulgaria và các cam kết của nước này liên quan đến cuộc chiến của Nga với Ukraine. Radev nhấn mạnh, ông không chấp nhận một số điều khoản trong lập trường khung được Hội đồng Bộ trưởng Bulgaria – cơ quan hành pháp hàng đầu của Bulgaria bao gồm thủ tướng và các bộ trưởng cấp cao khác – thông qua liên quan đến các cam kết của chính phủ về cuộc chiến ở Ukraine.
Với việc Tổng thống Radev từ chối dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, phái đoàn Bulgaria sẽ do quyền Thủ tướng Dimitar Glavchev dẫn đầu.
Nhiều người đã bày tỏ sự nhẹ nhõm khi Tổng thống Bulgaria Radev sẽ không đi cùng quyền Thủ tướng Glavchev tới Hội nghị thượng đỉnh NATO vì lo ngại ông – một cựu phi công không quân – có thể công khai bày tỏ quan điểm thân Điện Kremlin của mình.
Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Radev đặt câu hỏi rằng, tại sao lập trường khung được Hội đồng Bộ trưởng Bulgaria thông qua về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine lại không được tham vấn ý kiến Tổng thống trước. Đáp lại, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Atanas Zapryanov giải thích rằng lập trường chính thức không thể được công bố vì nó cũng chứa thông tin mật.
Trong khi đó, quyền Thủ tướng Glavchev hôm 1/7 tuyên bố, ông sẽ gửi lập trường chính thức của Bulgaria cho Cơ quan đăng ký thông tin mật của Quốc hội. Điều đó sẽ cho phép các đại biểu trong Quốc hội nắm được nội dung của nó. Ông cũng bác bỏ những cáo buộc rằng, văn bản này có thể đang đẩy Bulgaria vào chiến tranh.
Truyền thông Bulgaria dẫn tuyên bố của Văn phòng báo chí chính phủ cho biết, lập trường của Hội đồng Bộ trưởng bao gồm việc tái khẳng định sự hỗ trợ quân sự của Sofia dành cho Kiev cũng như Ukraine không nên bị buộc phải từ bỏ lãnh thổ để đàm phán hòa bình với Nga.
Về phần mình, Tổng thống Radev từ lâu đã lên tiếng hoài nghi về việc NATO hỗ trợ Ukraine và đã cố gắng ngăn chặn những nỗ lực như vậy, cho rằng nó sẽ chỉ làm gia tăng xung đột, một quan điểm được nhiều chính trị gia (được cho là thân Nga) ủng hộ, bao gồm cả Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Washington sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính, trong đó việc hỗ trợ các nỗ lực tự vệ của Ukraine là “chủ đề cấp bách nhất” trong chương trình nghị sự.
Leave a Reply