“Chiến lược quá khứ” của NATO

"Chiến lược quá khứ" của NATO - Ảnh 1.

Tại cuộc gặp cấp cao thường niên năm nay của NATO diễn ra trong hai ngày 11 và 12/7 vừa qua ở thủ đô Vilnius của Lithuania, cả việc NATO chưa thể đưa ra lộ trình thời gian cụ thể cho việc thu nạp Ukraine vào liên minh lẫn việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí không còn cản trở Thuỵ Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO đều không gây bất ngờ. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan làm cao suốt gần một năm qua thế thôi chứ bản thân thừa ý thức được rằng sớm muộn thì rồi vẫn không thể phủ quyết mãi được. NATO và quan hệ với các nước thuộc khối Phương Tây có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ông Erdogan dùng việc NATO kết nạp Thuỵ Điển để mặc cả với chính Thuỵ Điển, với NATO, EU và Mỹ. Hơn nữa, ông Erdogan là người chuyên dùng việc dễ dàng thay đổi quan điểm để dùng đối tác này chơi đối tác kia. Cho nên trong thực chất, Thuỵ Điển sau hội nghị cấp cao nói trên của Nato vẫn ở ngoài và xa Nato như trước hội nghị. 

NATO mời tổng thống Ukraine Volodymir Selenskij tham dự hội nghị. Ngay từ trước hội nghị này, một số thành viên NATO đã có những động thái nhằm tranh thủ và trấn an Ukraine. Mỹ tuyên bố cung cấp bom chùm và đạn pháo chùm cho Ucraine. Pháp hứa gửi tên lửa hành trình cho Ukraine. EU mua thêm đạn dược cho Ukraine…..  Tất cả đều nhằm trang trải với Ukraine và xoa dịu tâm thần của Ukraine về việc những yêu của của Ukraine về gia nhập NATO ngay và luôn không được NATO đáp ứng. 

Ukraine muốn được NATO kết nạp ngay hoặc ít nhất thì cũng cam kết đưa ra lộ trình thời gian cụ thể cho việc kết nạp Ukraine vào liên minh. NATO hiện không dám và không thể thoả mãn yêu sách này của Ukraine vì NATO không thu nạp làm thành viên quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh với quốc gia khác và vì Ukraine đâu đã đáp ứng những điều kiện và tiêu chí khác của NATO. NATO không muốn và không dám chiến tranh trực tiếp với Nga chỉ vì để đảm bảo an ninh cho Ukraine. 

Ngoài ra, cả việc các thành viên NATO lại hạ quyết tâm tăng ngân sách quân sự và quốc phòng hàng năm hay nhìn nhận Trung Quốc là thách thức và đe doạ an ninh tiềm tàng cũng không có gì mới lạ.

Cho nên, đáng được chú ý đến hơn cả ở hội nghị cấp cao này của NATO lại là hai chuyện khác.

Chuyện thứ nhất là NATO – sau hơn 30 năm – lại đưa ra kế hoạch bố trí chiến lược mới nhằm đối phó Nga. Kế hoạch tuy mới nhưng cả cách tiếp cận lẫn định hướng chiến lược lại không khác gì kế hoạch đối phó Liên Xô mà NATO đã có trong quá khứ. Vẫn là tăng cường tiềm lực quân sự trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh với Nga. Vẫn là bố trí lực lượng quân đội và vũ khí hùng hậu dọc tuyến biên giới giữa NATO với Nga. Vẫn là tiếp tục mở rộng NATO tạo thế trận những cánh cung bao vây Nga. Vẫn là cảnh báo và răn đe Nga. Thực chất ở đây là NATO xác định trọng tâm chiến lược mới cho hiện tại và cho tương lai với kẻ thù và địch thủ thật sự là Nga.

NATO dùng kế hoạch mới đối phó Nga để xác lập vai trò và ảnh hưởng chính trị an ninh hàng đầu ở châu Âu và là trụ cột chính  trong trật tự, thể chế và cấu trúc an ninh ở châu Âu thời kỳ sau cuộc chiến ở Ukraine. 

Tiếp tục hậu thuẫn Ukraine về chính trị và quân sự, hứa hẹn thu nạp Ukraine vào liên minh, kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển, gia tăng ngân sách quân sự và quốc phòng hàng năm, đối phó Trung Quốc, nhằm vươn tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những chủ định của Nato phục vụ trực tiếp cũng như gián tiếp cho mục tiêu chiến lược chính này. Cái gọi là “Chiến lược quá khứ” này sẽ làm NATO khác biệt cơ bản so với trong hơn 30 năm qua.

Chuyện thứ hai là cùng với hội nghị cấp cao này của NATO có cả cuộc gặp cấp cao không chính thức của nhóm G7. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida được NATO mời tham dự hội nghị cấp cao NATO và 6 thành viên khác của nhóm G7 đều là thành viên Nato. NATO và G7 đồng hành và tiền hô hậu ủng trong chuyện hậu thuẫn Ukraine và đối địch Nga. NATO không thể và không dám đưa ra cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine – vì phải tránh chiến tranh với Nga – thì G7 đảm nhận việc ấy từ nay cho tới khi Ukraine gia nhập NATO. Thiên hạ thấy lần đầu tiên nhóm G7 xung trận đảm trách sứ mệnh và vai trò của một liên minh quân sự. Trên phương diện này, nhóm G7 trong thực chất trở thành cánh tay kéo dài của NATO. Ông Selenskij coi cam kết đảm bảo an ninh của nhóm G7 là thắng lợi vang dội đối với Ukraine và thực tế cũng đúng là như vậy. Nhóm này vì thế từ nay cũng khác trước về bản chất và định hướng hoạt động như NATO.

Và chính trị thế giới, chính trị an ninh ở châu Âu sẽ diễn biến theo lối rẽ mới.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *