Kết quả không ngoài dự đoán

Kết quả không ngoài dự đoán - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Tuần lễ cấp cao năm nay của diễn đàn Apec. Ảnh Reuters

Sau hơn một năm, hai người này lại gặp nhau. Ông Tập Cận Bình trở lại Mỹ sau 6 năm. Nếu không có đột biến bất ngờ thì chắc họ sẽ không gặp nhau lần nữa trong thời gian từ nay đến trước cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ vào đầu tháng 11/2024. 

Trong khoảng thời gian 6 năm giữa hai lần gần đây nhất ông Tập Cận Bình sang Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi nhanh chóng và nghiêm trọng. Ông Biden còn cầm quyền ở Mỹ có hơn một năm nữa thôi và hiện tại không ai ở trong cũng như ngoài nước Mỹ có thể dám chắc tổng thống Mỹ tới đây sẽ là ai, có thể vẫn là ông Biden, có thể lại là ông Donald Trump – người đã mời ông Tập Cận Bình sang thăm Mỹ cách đây 6 năm – nhưng cũng có thể ai đó khác. Vì thế, mọi dự báo ở vào thời điểm trước cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình ở San Francisco đều theo hướng cho rằng cuộc gặp này không gặt hái nhiều kết quả và sẽ không đạt được kết quả nào mang tính khai thông đột phá. 

Trên thực tế đúng là như vậy. Nhưng trước tiên cần phải thật sự khách quan để xác nhận là cuộc gặp này giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, dư luận và tâm lý đối với cả hai bên. Nó là bước hoà giải nhất định giữa hai bên, đưa lại sự giảm căng thẳng và đối kháng nhất định giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó chặn đà tiếp tục xấu đi trong mối quan hệ song phương này. Nó giúp hai bên kiểm soát và quản trị được mọi biến động trong quan hệ song phương. Nó duy trì cho hai bên cơ hội để vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể đi vào cải thiện quan hệ song phương. 

Cuộc gặp này không đem lại kết quả lớn nào bởi phía ông Biden không thể đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của phía Trung Quốc trong khi ông Tập Cận Bình phải rất thận trọng với những bước đi của Trung Quốc đối với Mỹ. Phía Trung Quốc không thể không luôn quan ngại sâu sắc khi chính sách và hành động của Mỹ với Trung Quốc không ổn định và nhất quán mà thường hay thay đổi. 

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này không tin tưởng lẫn nhau. Trong toan tính của phiá Trung Quốc bây giờ thì ông Biden chỉ còn là “đối tác quá độ” và Trung Quốc phải chuẩn bị cho cuộc chơi sức mạnh và ảnh hưởng với Mỹ ở thời gian từ sau cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ. 

Ở San Francisco, ông Biden và ông Tập Cận Bình nhất trí khôi phục hoạt động của kênh thông tin và liên lạc quân sự song phương, cam kết hợp tác trên lĩnh vực chống buôn bán ma tuý và chống biến đổi khí hậu trái đất. Những năm qua, mối quan hệ song phương tồi tệ đi thật nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn tiền hô hậu ủng với nhau trong chuyện chống biến đổi khí hậu trái đất. 

Về việc hợp tác chống buôn bán ma tuý và chất gây nghiện, Trung Quốc đã có cam kết hợp tác với Mỹ từ thời tổng thống Mỹ là các ông Barack Obama và Donald Trump. Còn về kênh liên lạc và thông tin quân sự song phương, hiện chẳng có gì để đảm bảo là kênh này có thể lại ngừng hoạt động vào bất cứ lúc nào trong tương lai vì lý do lãng xẹt nào đấy. 

Những nhất trí này giữa ông Tập Cận Bình và ông Biden chưa phải là những nhượng bộ ghê gớm gì giữa hai bên. Qua đó có thể thấy Mỹ và Trung Quốc giờ đã đi vào tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với nhau ở cấp cao nhất, nhưng chưa đi vào thoả hiệp với nhau. Hiện tại vẫn còn quá sớm và chưa thích hợp để hai bên thoả hiệp cơ bản và thực chất cho nhau.

Cuộc gặp này giúp ông Biden chiếm lĩnh được vấn đề Trung Quốc trong cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Ông Biden sẽ không làm găng thêm với Trung Quốc nhưng cũng sẽ không nhượng bộ cơ bản gì cho Trung Quốc nhằm không để cho ông Trump khai thác chủ đề nội dung này. 

Trung Quốc cũng sẽ không làm gì khiến ông Biden phải phản ứng gay gắt. Đấy là thượng sách đối với Trung Quốc vì chỉ như thế Trung Quốc mới duy trì được thế thuận lợi nhất trong cuộc chơi với người đắc cử tổng thống tới ở nước Mỹ.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *