Trải nghiệm quay rớ trên sông Nhật Lệ
Trong cái nắng oi ả ngày hè, phóng viên báo Dân Việt tới chòi rớ của nông dân Nguyễn Bình Thạnh (ở thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cùng đi có nhóm du khách đến từ Hà Nội.
Clip: Trải nghiệm quay rớ bắt cá sông, bắt tôm sông trên dòng sông Nhật Lệ, đoạn thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) rồi chế biến thành món đặc sản cá kho ăn kèm cơm cháy.
Chòi rớ của anh Thạnh dựng ở mép sông Nhật Lệ, trên những cột trụ vững chắc, anh Thạnh làm chòi từ các tấm gỗ tàu đã cũ, phía trên lợp mái tôn.
Phía trước chòi, giàn rớ được dựng lên từ 4 cọc gỗ dài kết nối với dây thừng và tấm lưới lớn.
Theo anh Thạnh, chòi này đã có trên sông Nhật Lệ hơn 30 năm, chòi trước đây được làm bằng tre, rớ quay bằng tay, nhiều năm trước, anh mua lại của một lão nông trên địa bàn rồi cải tạo, lắp mô tơ điện để quay rớ.
Khách du lịch trải nghiệm quay rớ bắt cá sông, bắt tôm sông trên sông Nhật Lệ (đoạn qua xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trần Anh.
Ngồi trước giàn rớ, anh Thạnh bắt đầu hướng dẫn cách điều khiển giàn rớ, cách nói chuyện của anh như một hướng dẫn viên thực thụ, anh còn chia sẻ những thông tin về dòng sông Nhật Lệ, về Mẹ Suốt “Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày”.
Nhóm du khách đến từ Hà Nội, ngồi cạnh chăm chú lắng nghe, rồi từng người trải nghiệm cách quay rớ.
Chỉ cần bật công tắc điện, mô tơ chạy khiến trục xoay chuyển động quấn dây thừng vào, trên sông, tấm lưới lớn dần hiện lên để lộ những con cá bật tanh tách trên lưới.
Giàn rớ sau khi được kéo lên khỏi mặt nước người dân chèo thuyền thúng ra để thu gom cá sông, tôm sông. Ảnh: Trần Anh.
Khi lưới đã được kéo lên khỏi mặt nước, anh Thạnh dập công tắc rồi chèo thuyền thúng chở một vài người mặc áo phao ra phía tấm lưới, rồi anh cầm gậy đánh vào lưới để cá thu về dưới đáy lưới.
Sau khi gom cá xong, anh Thạnh chèo thuyền vào và hạ lưới chìm hẳn dưới sông để cho lần thu lưới sau.
Mẻ quay rớ lần này, anh Thạnh mang vào một rá tre cá, tôm kích thước nhỏ, có nhiều loại cá như: cá đối, cá cơm, cá bống, cá ong, cá thiều… Rồi anh tiến hành sơ chế cá ngay trên chòi để làm các món ăn.
Cá sông, tôm sông đánh bắt trên dòng sông Nhật Lệ được nông dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) sơ chế ngay trên chòi rớ trước khi đem đi kho mặn để ăn với cơm cháy-món đặc sản thôn quê mà nhiều khách du lịch ưa thích. Ảnh: Trần Anh.
Anh Trần Quốc Đạt (đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Quay rớ trên sông Nhật Lệ là một trải nghiệm thú vị mà tôi vừa thử qua, bản thân như một nông dân thực thụ khi quay rớ rồi ra gom thành quả là những con cá, tôm tươi ngon mang vào bờ. Hoạt động này dân dã nhưng rất độc đáo, trúng nhu cầu mà tôi muốn có khi đi du lịch tới các tỉnh thành”.
Gắn nghề quay rớ trong việc phát triển du lịch
Chòi của anh Nguyễn Bình Thạnh được làm khá rộng, nên việc di chuyển bên trong rất dễ dàng. Khác xa với tiết trời bên ngoài, trong chòi, gió lùa vào mát rượi, làm xua tan cái nóng bức ngày hè.
Anh Nguyễn Bình Thạnh, cho biết: “Chòi rớ của gia đình tôi luôn sẵn lòng phục vụ cho người dân có nhu cầu trải nghiệm quay rớ và muốn thưởng thức ngay trên chòi”.
Dứt câu nói, anh Thạnh mang cá vào bếp và dùng những con cá nhỏ để nấu canh chua với khế, chuối xanh, lượng cá, tôm còn lại anh cho vào nồi kho mặn, rồi dùng nồi làm từ gang để nấu cơm cháy ăn kèm.
Xong xuôi, anh Thạnh dọn ra ngay trong chòi và mọi người quây quần cùng thưởng thức những món “đặc sản” vừa làm ra, ai cũng tấm tắc khen về món ăn rất đỗi bình dị này.
Món cá kho mặm, tôm kho mặn dân đánh bắt theo kiểu quay rớ trên dòng sông Nhật Lệ (đoạn qua xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Món cá kho mặn ăn kèm với cơm cháy khiến khách du lịch đến Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình phải xuýt xoa. Ảnh: Trần Anh.
“Tự quay rớ bắt cá, tôm tươi rói lên bờ rồi làm ra các món ăn bình dân mà rất thơm ngon là một trải nghiệm không thể quên của tôi khi tới Quảng Bình.
Sau sự kỳ vỹ của các hang động thì cuộc sống bình dị, chân chất của người dân nơi đây làm tôi yêu mến mảnh đất này và hứa hẹn sẽ tới nhiều dịp nữa”, bà Lê Ngọc Hồng (đến từ Hà Nội), bày tỏ.
Anh Thạnh chia sẻ: “Một lần quay rớ được ít cá, tôm loại nhỏ nhưng khi biết cách chế biến sẽ thành món ăn đặc sản. Nhiều khách du lịch đã tới chòi của tôi để trải nghiệm và họ thích cái cảm giác dân dã với món cơm cháy cá kho hay cá nấu canh chua và hít thở bầu không khí từ sông Nhật Lệ phả vào”.
Được biết, dọc sông Nhật Lệ hiện có hàng chục chòi rớ đánh cá, hiện chòi rớ không chỉ là nơi kiếm cá, tôm để mưu sinh qua ngày, đó còn là nơi thu hút khách du lịch với hoạt động trải nghiệm quay rớ và thưởng thức những món đặc sản ngay trên chòi.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Xuân Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Quay rớ là nghề truyền thống của địa phương, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, ở xã Bảo Ninh có hợp tác xã nghề rớ mang tên Thống Nhất, thu nhập được nhiều hải sản cung cấp cho dân và bộ đội.
Trải qua thời gian, biết bao thế hệ người dân nơi đây đã mưu sinh với nghề quay rớ. Đến nay, chòi rớ có giảm, lượng cá, tôm kéo lên cũng ít đi, nhưng nghề nay không mai một mà có xu hướng phát triển, đông khách du lịch rất muốn trải nghiệm việc quay rớ và thưởng thức các món ăn như, cá kho ăn kèm cơm cháy, cá kho nấu canh chua.
Mong rằng các cấp chính quyền sớm xây dựng kế hoạch đồng bộ, bài bản để gắn nghề truyền thống này trong việc phát triển du lịch”, ông Đào Xuân Vinh chia sẻ.
Tỉnh Quảng Bình xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, hiện lượng khách tới tỉnh này ngày càng tăng và muốn đa dạng hóa hoạt động du lịch, thu hút du khách, cần có nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo gắn với việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống mang đậm bản sắc địa phương.
Leave a Reply